MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin xấu cho những người thường xuyên thức khuya: Càng "cú đêm", càng giảm thọ

19-04-2018 - 21:35 PM | Sống

Khoa học chứng minh, nếu có thói quen không bao giờ đi ngủ trước 12 đêm, bạn có nguy cơ tử vong cao hơn, có thể mắc bệnh tiểu đường, các vấn đề về tâm lý và rối loạn thần kinh...

Một nghiên cứu trên tạp chí Chronobiology International chứng minh rằng, những người được xác nhận là "cú đêm" nhạy cảm với các vấn đề về sức khỏe, dễ mắc các bệnh như bệnh tiểu đường, rối loạn thần kinh và vấn đề tâm lý và có nguy cơ tử vong cao những người có chế độ ngủ nghỉ điều độ.

Các nhà nghiên cứu theo dõi thói quen và sức khỏe của 433.268 người trưởng thành ở Anh trong khoảng thời gian 6,5 năm. Những người tham gia được chia thành 4 nhóm người: hoàn toàn thức dậy sớm, thức dậy sớm nhiều hơn thức khuya, thức khuya nhiều hơn dậy sớm và hoàn toàn "cú đêm".

Sau 6,5 năm, 10.000 người trong số những người tham gia đã tử vong và phần lớn họ thuộc nhóm những người thường xuyên thức khuya. Các nhà nghiên cứu cũng xác định được rằng, những người có thói quen thức khuya có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người ưa thích dậy sớm.

Tin xấu cho những người thường xuyên thức khuya: Càng cú đêm, càng giảm thọ  - Ảnh 1.

"Các nghiên cứu trước đây cho thấy, những người thường là "cú đêm" có tình trạng sức khỏe tệ hơn, họ có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường... Nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy họ có nguy cơ tử vong cao 10% so với những người có thói quen dậy sớm", giáo sư Kristen Knutson của trường y khoa Northwestern’s Feinberg, tác giả của nghiên cứu cho biết.

Các nhà nghiên cứu cũng lí giải, sự không phù hợp giữa đồng hồ sinh học của cơ thể và thế giới bên ngoài trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Nhất là khi nhịp sinh hoạt của bạn thất thường. Theo nghiên cứu, những người thường xuyên "cú đêm" có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường, rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hóa và hô hấp, béo phì...

Tác hại của thói quen thức khuya, thiếu ngủ

1. "Não cá vàng", suy giảm trí nhớ

Ngủ là lúc cơ thể bạn được nghỉ ngơi, não bộ thư giãn và tái tạo năng lượng. Nếu bạn thức khuya để xem phim, đọc truyện hay làm việc... thì thay vì tự sửa chữa, não bộ sẽ tiếp tục tiêu tốn năng lượng hoạt động và sản sinh ra các sản phẩm độc hại, tích tụ trong não, khiến não bị quá tải và dễ tổn thương nặng. Và hệ quả rõ nhất là hiện tượng suy giảm trí nhớ.

Những người thường xuyên thức khuya, ngủ muộn có tỷ lệ suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường. Khi bạn ngủ muộn, hệ thần kinh giao cảm trong cơ thể vẫn buộc phải duy trì sự tỉnh táo, khiến cho ngày hôm sau bạn rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng do cơ thể làm việc quá sức vào hôm trước.

Tin xấu cho những người thường xuyên thức khuya: Càng cú đêm, càng giảm thọ  - Ảnh 2.

2. Nguy cơ bị bệnh tim mạch, đột quỵ

Giáo sư Francesco Cappiccio, Đại học Warwick khẳng định, thiếu ngủ khiến bạn dễ bị đột quỵ. Theo nghiên cứu của ông, thức quá khuya, ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm và giấc ngủ bị xáo trộn khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 48% và nguy cơ tử vong do đột quỵ tăng 15%. Những người thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ/đêm có nguy cơ đột quỵ cao hơn 4,5 lần so với những người ngủ 7,8 giờ/đêm.

3. Nguy cơ ung thư

Khoa học đã chứng minh, rất nhiều yếu tố miễn dịch được hình thành trong giấc ngủ. Nếu bạn thường xuyên thức khuya, khả năng miễn dịch của bạn cũng sa sút, không tạo ra đủ kháng thể để chống lại sự xâm nhập của yếu tố lạ, bất thường.

Phụ nữ thường xuyên thức khuya, sinh hoạt dưới ánh đèn có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 3 lần những người ngủ sớm và ngủ đủ giấc.

4. Nguy cơ béo phì và mắc các bệnh mãn tính

Thói quen ngủ muộn có liên quan đến sự gia tăng chỉ số khối cơ thể BMI. Ngay cả những người ngủ đủ 8 tiếng những thường xuyên thức khuya cũng bị ảnh hưởng. Điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của thời điểm bạn đi ngủ chứ không phải số giờ bạn ngủ được.

Thức khuya cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn đồng hồ sinh học, hormone insulin và khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu... do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Vậy làm thế nào để điều chỉnh thói quen xấu, cải thiện giấc ngủ?

Nếu bạn muốn điều chỉnh thói quen thức khuya của mình để có cuộc sống khỏe mạnh hơn, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ như đi ngủ sớm hơn 30 phút mỗi ngày và dần dần tăng thêm. Không dùng điện thoại, máy tính trước giờ đi ngủ, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ phòng ngủ thích hợp để có giấc ngủ sâu và yên lành.

"Thông điệp quan trọng của nghiên cứu này là chỉ ra cho những "con cú đêm" nguy cơ về sức khỏe tiềm ẩn. Khuyên họ nên duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc để có sức khỏe tốt nhất", giáo sư Knutson nói.

Minh An

Menshealth

Trở lên trên