Tỉnh Bình Định lên phương án bán 25% vốn tại doanh nghiệp từng có thị giá cổ phiếu gần 1 triệu đồng, "đắt đỏ" nhất TTCK Việt Nam trong quá khứ
Tỉnh Bình Định lên kế hoạch thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, dự kiến hoàn thành quyết toán chi phí thoái vốn trong năm 2024 thay vì đến tháng 3/2025 như công bố trước đó.
UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản về chủ trương điều chỉnh Kế hoạch triển khai công tác thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (mã BMC). Theo đó, tỉnh Bình Định lên kế hoạch thực hiện thoái toàn bộ 25% vốn Nhà nước tại BMC, tương ứng hơn 3 triệu cổ phiếu, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Đồng thời điều chỉnh thời gian thực hiện kế hoạch thoái vốn tại BMC. Trọng tâm chính trong phần còn lại của năm 2023 là thẩm định và phê duyệt Phương án thoái vốn Nhà nước. Tỉnh Bình Định hướng đến thực hiện thoái vốn và quyết toán chi phí thoái vốn vào cuối năm 2024 thay vì đến tháng 3/2025 như công bố trước đó.
Cụ thể, trong tháng 11 và 12/2023, người đại diện phần vốn Nhà nước sẽ xây dựng phương án, gửi Sở Tài chính thẩm định và trình UBND phê duyệt, bao gồm việc ủy quyền người đại diện chọn đơn vị thẩm định giá và đơn vị tư vấn nhằm tuân thủ quy định pháp luật về thoái vốn Nhà nước.
Trước tháng 3/2024, người đại diện phần vốn Nhà nước sẽ hoàn thành lập, gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh phê duyệt dự toán chi phí thực hiện thoái vốn, sau đó sẽ gửi văn bản mời chào giá dịch vụ thực hiện thẩm định trong tháng 4.
Việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá và đơn vị tư vấn lần lượt hoàn tất trong tháng 4 và tháng 6/2024.
Từ tháng 7 đến tháng 9/2024, sau khi UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm bán cổ phần Nhà nước tại BMC, người đại diện phần vốn Nhà nước sẽ thực hiện các bước thoái vốn theo phương án cùng giá khởi điểm, trình văn bản lên UBND tỉnh để phê duyệt giá đặt bán cổ phiếu, thực hiện giao dịch theo phương án đã duyệt, công bố kết quả và báo cáo cho UBND tỉnh.
Cuối cùng, từ tháng 10 – 12/2024, nếu giao dịch diễn ra thành công, người đại diện phần vốn Nhà nước báo cáo kết quả bán cổ phiếu theo quy định, báo cáo kết quả thoái vốn với UBND tỉnh, và quyết toán chi phí liên quan đến công tác thoái vốn.
Trường hợp giao dịch cổ phiếu không thành công, người đại diện phần vốn Nhà nước có Văn bản gửi Sở Tài Chính để Sở Tài Chính tham mưu cụ thể để trình UBND tỉnh nhằm đảm bảo tiến độ thời gian và hiệu quả trong công tác thoái vốn. Đồng thời thực hiện quyết toán các chi phí liên quan đến công tác thoái vốn theo quy định, trình Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
Quán quân thị giá một thời với mức gần 1 triệu đồng/cp, hiện chỉ ngang giá chai nước ngọt
BMC được cổ phần hóa từ năm 2001 sau đó niêm yết cổ phiếu trên HoSE vào năm 2006. Cơ cấu cổ đông của BMC ngoài Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Định đang đại diện phần vốn Nhà nước nắm giữ 25% cổ phần, còn có Văn phòng Tỉnh Ủy Bình Định là cổ đông lớn với việc nắm giữ gần 2,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 22,33%.
Gần đây, Văn phòng Tỉnh Ủy Bình Định đã đăng ký bán ra hơn 167 nghìn cổ phiếu BMC tuy nhiên không thành công do biến động thị trường không thuận lợi.
BMC cũng được nhiều người biết tới là cổ phiếu từng có mức giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán. Trong cơn sóng chứng khoán hồi năm 2007, cổ phiếu BMC có thời điểm leo lên mức giá 847.000 đồng/cp và trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường. Ngoài việc dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường thời điểm đó, một yếu tố thúc đẩy đà tăng của BMC còn bởi đây là doanh nghiệp khai thác quặng titan lớn nhất Bình Định. Trong quãng thời gian từ năm 2011 trở về trước, cơn sốt giá titan trên thị trường kéo theo kết quả kinh doanh của BMC tăng trưởng vượt trội và thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Tuy nhiên, giá bán giảm cộng thêm hoạt động kinh doanh nội tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khiến BMC không thể giữ được sức hút. Thị giá BMC hiện chỉ quanh ngưỡng 14.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh cao gần 60.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh sau khi chia tách, cổ tức).
Thực tế hoạt động khai thác của BMC chủ yếu vẫn chỉ dưới dạng khai thác thô, khó có thể đem lại biên lợi nhuận cao. Cộng thêm việc thuế môi trường gia tăng đối với hoạt động khai khoáng càng khiến doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Từ năm 2014 trở đi, kết quả kinh doanh BMC bắt đầu giai đoạn sụt giảm lãi mỗi năm chỉ còn hơn chục tỷ kém xa mức lãi gần trăm tỷ của thời kỳ đỉnh cao 2011-2013. Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, kết quả kinh doanh kém sắc đến từ giá bán hàng hóa sụt giảm cộng thêm các khoản chi phí đầu vào tăng mạnh.
Riêng sau 9 tháng đầu năm 2023, BMC ghi nhận doanh thu 114 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, khoản lãi sau thuế đạt 15 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 89% mục tiêu lãi cả năm (89 tỷ).
Nhịp Sống Thị Trường