MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình cảnh người Trung Quốc ở Mỹ vào lúc này: Mất việc, khánh kiệt, cũng không thể trở về dù quê nhà đã dập dịch thành công

12-04-2020 - 11:22 AM | Sống

"Về không được, mà chẳng thể ở đây mãi. Tôi không còn nơi nào để đi nữa." - Wang, một sinh viên người Hoa đã tốt nghiệp tại Mỹ cho biết.

1 tháng trước, Tang Chen mất việc sau đợt cắt giảm nhân sự của công ty, và kể từ lúc đó cô ăn không ngon, ngủ không yên. Suốt nhiều ngày, cô hồi hộp chờ đợi với một câu hỏi luôn lởn vởn trong tâm trí: Liệu mình còn có thể ở lại Mỹ hay không?

Tang đến từ Chiết Giang - tỉnh phía Đông của Trung Quốc, nhưng đã đến Mỹ và làm việc cho một công ty du lịch từ năm 2014. Thị thực (visa) lao động của cô sẽ hết hạn trong năm nay, nên công ty đã tiến hành thủ tục xin cho cô "thẻ xanh" (thẻ xác nhận thường trú cá nhân dành cho người nước ngoài tại Mỹ).

Cô kỹ sư phát triển phần mềm 33 tuổi đã rất tự tin về khả năng xây dựng sự nghiệp tại Mỹ. Cô thậm chí đã mua cả một căn hộ, dự tính định cư lâu dài. Tuy nhiên, dự định ấy trở nên u ám đến cùng cực vào ngày 13/3 - thời điểm cô không chỉ mất đi thu nhập, mà còn cả tình trạng thị thực nữa. Sau khi cắt giảm, công ty cũ cũng quyết định bỏ qua thủ tục làm thẻ xanh, và thế là con đường định cư tại Mỹ của cô trở nên mờ mịt.

Hiện tại, Tang có visa loại H1-B. Những người mang visa loại này nếu mất việc sẽ có 60 ngày để thay đổi tình hình - chuyển thành visa du lịch hoặc visa du học, hoặc tìm được một công ty mới chấp nhận tài trợ tiếp cho visa lao động của họ.

Nếu hết thời hạn mà không thể tìm được việc mới, cũng không thay đổi loại visa, họ sẽ bị buộc phải rời Mỹ, hoặc lựa chọn lưu lại trái phép. Và trong trường hợp rời Mỹ sau khi đã ở quá thời hạn 180 ngày, họ sẽ bị cấm quay trở lại Mỹ trong tương lai.

Nhưng để tìm được công việc mới trong thời buổi này thực sự là rất khó, nhất là khi thứ cô cần còn là một công ty sẵn sàng bỏ chi phí tài trợ visa lao động cho cô. Kể từ khi mất việc, Tang thậm chí còn chẳng được gọi đi phỏng vấn, mà cô cũng không mấy lạc quan tìm được công việc mới khi nước Mỹ còn đang gồng gánh vì đại dịch, và suy thoái kinh tế thì đang đến.

Cô đã thử tìm cách quay về Trung Quốc, để rồi nhận ra đó là chuyện bất khả thi. Không có một chuyến bay thẳng nào về đó trong tháng 4, mà phải chia ra nhiều chặng. Tang thì lo sợ rằng việc phải quá cảnh ở nhiều sân bay có thể làm tăng khả năng nhiễm virus cho bản thân.

"Dù có muốn về lúc này, tôi cũng chẳng thể mua vé," - cô cho biết. Giờ đây, Tang đang tuyệt vọng nộp đơn vào các trường đại học để đổi sang visa du học, nhằm được ở lại Mỹ hợp pháp trong thời gian tới.

Không có đường trở về

Sau khi dịch bệnh gần như đã được dập thành công, Trung Quốc đại lục giờ đang tập trung vào việc ngăn chặn các đợt bùng dịch mới đến từ nước ngoài mang tới. Chính vì thế mà từ cuối tháng 3, cơ quan hàng không Trung Quốc đã cắt giảm số lượng chuyến bay quốc tế, chỉ còn khoảng 134 chuyến/tuần - một phần rất nhỏ so với con số trước đại dịch.

Mỗi ngày, số người được nhập cảnh vào Trung Quốc qua đường hàng không bị giới hạn còn 4000 người. Và bởi số lượng các chuyến bay khan hiếm, giá vé theo đó bị đẩy lên rất cao.

Hiện chưa có thống kê nào về số lượng người Hoa tại Mỹ mất việc vì đại dịch virus corona, nhưng qua tìm hiểu của CNN trên 2 nhóm WeChat (ứng dụng trò chuyện thông dụng của Trung Quốc), thì mỗi ngày có hàng trăm con người chia sẻ câu chuyện lo lắng về tình trạng visa, cũng như công việc của mình.

"Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người mất việc đến thế," - Ying Cao, một luật sư di trú tại New York với khách hàng chủ yếu là người Trung Quốc nhận xét. Theo cô, tình hình còn tệ hơn cả năm 2008 - thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho 2,6 triệu người mất việc. Trong tháng 3, số ca tư vấn cao phải nhận nhiều gấp đôi bình thường, và đa số đều được khuyên nên chuyển loại visa để có thêm thời gian.

Cũng chẳng được ai giúp đỡ

Cho đến thời điểm hiện tại, chính phủ Mỹ vẫn chưa có động thái gì để giúp đỡ những người trong tình cảnh như Tang.

Được biết, visa H1-B là loại thị thực lao động phổ biến nhất ở Mỹ, với hơn 900.000 người được cấp trong vòng 5 năm qua. Loại visa yêu cầu gắn với doanh nghiệp cụ thể, có thời hạn 3 năm và thêm lựa chọn gia hạn 3 năm kế tiếp. Trong năm 2019, số lao động người Trung Quốc chiếm 15% tổng thị thực được cấp - theo số liệu của Bộ lao động Hoa Kỳ.

Cho đến thời điểm hiện tại, Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS) chưa có dấu hiệu sẽ tạm thời gia hạn thị thực cho các lao động nhập cư mất việc trong đại dịch lần này, dù trước đó Hiệp hội Luật sư Di trú (AILA) đã đề nghị việc này. Ngày 3/4, AILA thậm chí đã đệ đơn kiện USCIS, nhằm mục đích duy trì visa cho lao động nhập cư.

Tình cảnh người Trung Quốc ở Mỹ vào lúc này: Mất việc, khánh kiệt, cũng không thể trở về dù quê nhà đã dập dịch thành công - Ảnh 1.

USCIS tạm đóng cửa, khiến việc gia hạn visa cho người lao động gặp khó khăn.

Vì phải chờ đợi phản ứng của chính quyền, nhiều lao động Trung Quốc hiện cũng không đủ điều kiện để xin trợ cấp thất nghiệp. Trong tháng 3 vừa qua, có hơn 10 triệu lao động Mỹ đã phải xin trợ cấp, nhưng theo các luật sư di trú, số liệu trên không bao gồm những lao động nhập cư. Bởi lẽ, nhiều người còn không dám lên đăng ký, do lo sợ sẽ bị từ chối gia hạn thị thực trong tương lai.

Một vấn đề khác mà Cao đề cập, đó là dù lao động nhập cư có visa đủ điều kiện để lấy trợ cấp thất nghiệp, nhưng họ lại không đáp ứng được luật của từng bang - chẳng hạn yêu cầu người lao động phải sẵn sàng bắt đầu công việc mới. Vấn đề là với loại visa H-1B, người lao động muốn có công việc thì phải chuyển visa sang công ty mới, mà quá trình này thì thường mất vài tháng.

"Hiếm công ty nào chịu đợi lâu đến vậy", - Cao nhận xét.

Giấc mơ Mỹ tan vỡ

Walton Wang vừa mất công việc thực tập tại một công ty mỹ phẩm ở New York. Và với anh, còn một khó khăn nữa đang chờ phía trước.

Tình cảnh người Trung Quốc ở Mỹ vào lúc này: Mất việc, khánh kiệt, cũng không thể trở về dù quê nhà đã dập dịch thành công - Ảnh 2.

Wang tới Mỹ du học vào năm 2015. Là người thuộc cộng đồng LGBT, Wang luôn muốn ở lại Mỹ, vì người Mỹ có phần thoáng hơn trong vấn đề này nếu so với Trung Quốc. Tuy nhiên khi khủng hoảng xảy ra, Wang đã phải thay đổi suy nghĩ khi chứng kiến sự phân biệt đối xử, thậm chí là bạo lực đối với người châu Á tại Mỹ lúc này.

"Tôi không biết liệu mình có thành nạn nhân tiếp theo không," - Wang chia sẻ. "Thậm chí gần đây tôi còn tự hỏi thân phận nào thì phù hợp hơn vào lúc này: là người đồng tính, hay là người châu Á."

Và rốt cục, anh lựa chọn quê hương. "Ít ra ở Trung Quốc tôi cũng không bị đánh chỉ vì là người đồng tính. Cảm giác như chẳng có lựa chọn nào khác."

Tuy nhiên, chọn quê hương không có nghĩa là Wang có thể trở về dễ dàng. Hiện tại, anh đang trong giai đoạn hậu tốt nghiệp tại Mỹ - cho phép Wang ở lại 1 năm mà không cần visa. Tuy nhiên theo luật pháp, Wang sẽ không được phép thất nghiệp nhiều hơn 90 ngày, và khi dịch bệnh đang leo thang, thời hạn ấy hoàn toàn có thể xảy ra.

Từ giữa tháng 3, Wang đã tìm vé để trở về, nhưng không thể. Phần vì có quá ít chuyến, và quan trọng hơn là giá vé cao đến khủng khiếp.

"Về không được, mà chẳng thể ở đây mãi. Tôi không còn nơi nào để đi nữa".

Nguồn: CNN

Tình cảnh người Trung Quốc ở Mỹ vào lúc này: Mất việc, khánh kiệt, cũng không thể trở về dù quê nhà đã dập dịch thành công - Ảnh 3.

Theo JD

Trí thức trẻ

Trở lên trên