Tình cảnh trớ trêu của tài xế nữ chạy Gojek: Nhận ít đơn, thu nhập thấp chỉ vì khách nam không chịu ngồi sau "tay lái đàn bà"!
Chỉ vì câu nói "mẹ đánh không đau bằng ngồi sau lưng con gái", những tài xế nữ chạy Gojek ngậm ngùi vì không nhận được nhiều cuốc xe từ khách hàng nam. Họ có thu nhập thấp, vất vả, phải chịu đựng những lời trêu đùa khiếm nhã từ đồng nghiệp.
- 14-04-2023Từ cái tên ít ai biết đến, đối tác của VinFast giờ đây trở thành nhà sản xuất pin xe điện số 1 thế giới: Các hãng xe điện lớn đều mong muốn hợp tác, khó có đối thủ trong tương lai gần
- 14-04-2023Toyota, Hyundai, Kia, Mazda đua giảm giá ô tô kịch sàn 'không trượt một ai', có xe bay gần 200 triệu đồng
- 13-04-2023Đại lý Honda sơn lại cửa sau Civic mới rồi bán cho khách, chủ xe nói: 'Sẽ sang Thái Lan để khiếu nại nếu không được giải quyết sớm'
Nỗi khổ của tài xế nữ chạy Gojek
Đối với Iin, một phụ nữ 42 tuổi ở Tây Jakarta, Indonesia, làm tài xế công nghệ đôi khi đồng nghĩa với việc chính mình trở thành hành khách.
"Nếu nhận được cuốc đặt xe từ một hành khách nam, tôi luôn hỏi: Này, tôi là phụ nữ, anh có vấn đề gì với điều đó không?", cô kể lại với ROW tại một khu vực nghỉ ngơi dành cho tài xế. "Nếu họ nói có, tôi sẽ hỏi lại: Anh có muốn lên cầm lái không?"
Iin cho biết cô đã nghe nhiều câu chuyện từ những tài xế nữ khác về việc bị những hành khách nam ngồi sau có hành động nhạy cảm như đụng chạm vào đùi hoặc bụng.
"Tôi cảm thấy an toàn hơn khi nam hành khách muốn cầm lái. Nếu ngồi ở phía sau, họ không thể chạm vào tôi", cô nói.
Iin làm tài xế từ năm 2018, đầu tiên là cho Gojek, và giờ là Borzo, một dịch vụ chuyển phát nhanh có trụ sở tại Amsterdam.
Iin chuyển đến Jakarta sau khi ly hôn, muốn tìm thu nhập để hỗ trợ việc học của con gái. Vào thời điểm đó, đặt xe là ngành kinh doanh công nghệ phát triển nhanh và thú vị nhất ở Indonesia.
Lái xe cho một công ty như Gojek thật hợp lý: Cô không cần bằng lái xe nhiều hơn hai bánh, có quyền tự do chọn giờ làm việc và có thể kiếm được kha khá tiền.
Nhưng sự thật không màu hồng. Nhiều đàn ông Indonesia không muốn bị mang tiếng là ngồi sau lưng xe phụ nữ. Một số hành khách đồng cảm đã nói với Iin như thế. Vì điều này, cô khó nhận được cuốc xe hơn so với các đồng nghiệp nam.
Iin cho biết gần một nửa số khách hàng nam của cô đã hủy yêu cầu sau khi xem hồ sơ và nhận ra cô là nữ.
Lái xe cho các công ty gọi xe công nghệ từng được coi là cơ hội hoàn hảo để phụ nữ có được quyền tự chủ thu nhập.
Tại Indonesia, các công ty như Grab và Gojek tuyển dụng nữ tài xế như một phần trong chiến lược tăng trưởng bùng nổ. Nhưng, năm năm trôi qua, thực tế đã kém tươi sáng hơn nhiều. Nhiều tài xế nữ buộc phải gắn bó với công việc chỉ vì thiếu các lựa chọn thay thế.
Các công ty gọi xe lớn bắt đầu nhận thức được những mặt trái đối với tài xế nữ. Grab tổ chức đào tạo chống quấy rối tình dục cho tất cả tài xế. Công ty cũng có chương trình "LadyGrab", qua đó phụ nữ có thể làm việc cho GrabFood, dịch vụ giao đồ ăn để không phải chở hành khách và không phải đối mặt với việc bị phân biệt đối xử.
Tương tự, Gojek tổ chức các chương trình đào tạo chống quấy rối và tung ra một tính năng cung cấp cho tài xế nữ tùy chọn giao đồ ăn và hàng hóa thay vì chở hành khách. Tuy nhiên, đối với phái yếu trên ứng dụng, họ vẫn có những nỗi niềm riêng.
Không có lựa chọn
"Không ai muốn kiếm sống trên đường phố như thế này. Giá như tôi có một sự lựa chọn khác, tôi muốn được yêu thương và quan tâm", Inah, một góa phụ 38 tuổi đã giao đồ ăn cho Grab từ năm 2021, chạnh lòng. "Nếu một phụ nữ nhận công việc này, cô ấy rất cần tiền để sống".
Inah dậy trước khi mặt trời mọc, cầu nguyện, giặt giũ và đưa các con - một thiếu niên, hai học sinh tiểu học - đến trường. 8h, cô mở ứng dụng GrabFood và bắt đầu nhận đơn.
Vào giờ ăn trưa, cô dừng lại để đón con từ trường về nhà, chuẩn bị bữa ăn cho chúng rồi lại lái xe đến tận khuya. Khi trở về vào khoảng 11 giờ tối, cô thường giúp bọn trẻ làm bài tập. Thời gian duy nhất cô không làm việc có lẽ là giờ đi ngủ.
Inah chọn giao đồ ăn vì tương đối an toàn. Nhưng cô vẫn phải đối phó với những lời giễu cợt thiếu duyên từ cánh lái xe đồng nghiệp mỗi khi dừng xe nghỉ ngơi. Sau những lời trêu đùa khiếm nhã, cánh đàn ông cười khúc khích. Inah cụp mắt xuống và im lặng.
Arif Novianto, một nhà nghiên cứu tại Viện Quản trị và Công vụ của Đại học Gadjah Mada, cho biết các ưu đãi của ứng dụng chỉ ưu tiên cho những người lao động có kỷ luật và hiệu suất cao nhất.
Mỗi ngày, các tài xế thường cần phải đạt được một số điểm nhất định, điều này sẽ mang lại cho họ hệ số nhân thu nhập, hay còn gọi là "khuyến khích", để tối đa hóa số tiền kiếm được.
Ngày nay, các ưu đãi đã biến mất, nhưng hệ thống điểm vẫn còn. Nếu tài xế tạm dừng ứng dụng trong vài ngày, số điểm còn lại sẽ giảm và họ nhận được ít đơn hơn khi đăng nhập lại, các tài xế trên cả nền tảng Grab và Gojek chia sẻ. Thu nhập của họ giảm theo, vì vậy họ gần như chỉ luôn bị trừng phạt chứ không có phần thưởng.
Sari, một lái xe 25 tuổi cho Gojek, kể lại thời kỳ mà trước đó cô gọi là "kỷ nguyên vàng" khi kiếm được thu nhập tốt.
Vào năm 2020, cô làm việc từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, chạy khắp Jakarta và thậm chí xa hơn, liên tục đạt hạn mức điểm và kiếm được 350.000 rupiah (khoảng hơn 500 nghìn đồng) mỗi ngày — mức tối đa vào năm 2020. Điều đó thật phấn khích.
"Nhưng tôi đã kiệt sức. Tôi bị ốm và không thể làm việc trong vài ngày," Sari nói với điều kiện giấu tên vì sợ ảnh hưởng nghề nghiệp. Khi cô quay lại làm việc, ứng dụng đã giảm điểm thưởng và cô phải đợi rất lâu để nhận được đơn.
Với rất ít lựa chọn để trở lại trường học hay làm công việc văn phòng, cô quyết định làm việc ít hơn. Giờ đây, cô giúp mẹ làm món ăn đường phố như chuối chiên để bầy bán tại quầy hàng gia đình. Cô lái xe trong thời gian rảnh còn lại. Mặc dù vẫn làm việc 13 giờ một ngày nhưng thu nhập của cô đã giảm khoảng 75%.
Sari vẫn quyết tâm làm việc cho Gojek.
Iin cũng không có kế hoạch rời bỏ vai trò chuyển phát nhanh của mình. Cô phần nào biết ơn công việc hiện có, so với những trải nghiệm địa ngục khi làm tài xế công nghệ. Con gái của Iin, nay đã lớn và tìm được việc làm ở một thị trấn khác, thường hỏi: "Mẹ sẽ sống như vậy đến bao giờ"?
Iin không có câu trả lời.
Thể thao & Văn hóa