Tình cờ bắt được 'cá lạ' có móng vuốt, người đàn ông vội báo cảnh sát: Quyết định đúng đắn nhất trong đời
Nếu không báo cảnh sát, người đàn ông này có thể gặp nhiều rắc rối.
- 18-08-2022Người phụ nữ giữ an toàn cho mỗi chuyến bay: Ngăn các loài động vật hoang dã 'đi lạc' và những chuyện thú vị trong nghề
- 25-11-2020Mua bán, giết chóc động vật hoang dã: “nghiệp càng nặng, khổ nạn càng nhiều”
Vốn yêu thích câu cá, ông Tiêu và hai người bạn của mình đã đến một khu vực câu tại tỉnh Giang Tây, miền đông nam Trung Quốc.
Lần đi câu này ông Tiêu đã 'đụng độ' một con cá lạ đến mức ông phải vội vàng báo cảnh sát.
Cụ thể câu chuyện như thế nào?
Khi đang câu ở thị trấn suối nước nóng ở làng Shiqiao, ông Tiêu bất ngờ câu được một con cá khá nặng, và vô cùng kỳ lạ. Sau khi quan sát kỹ sinh vật kỳ lạ này, ông Tiêu phát hiện thêm một điều khác biệt nữa. Con cá này có móng vuốt.
Khi lên mạng tìm kiếm, những người cùng đi câu với ông Tiêu cho biết, đây có thể là loài động vật được bảo vệ cấp quốc gia.
Ông Tiêu vội vàng gọi báo cảnh sát. Khi cảnh sát đến hiện trường, họ dẫn theo một vài chuyên gia về động-thực vật địa phương.
Loài động vật nằm trong Sách đỏ của IUCN
Bằng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, các chuyên gia nhận định, sinh vật lạ mà ông Tiêu bắt được là một con kỳ giông khổng lồ Trung Quốc, dài 50 cm và nặng 5 kg.
Con kỳ giông ở trong tình trạng tốt và không có vết thương bên ngoài nào trên cơ thể. Sau khi kiểm tra, nhân viên đã thả nó vào vùng nước phù hợp.
Kỳ giông khổng lồ Trung Quốc (danh pháp khoa học: Andrias davidianus) là một loài động vật hoang dã quý hiếm ở Trung Quốc.
Theo các nhà khoa học, kỳ giông khổng lồ là một trong những loài lưỡng cư lớn nhất thế giới và là loài lưỡng cư đặc hữu ở Trung Quốc. Phạm vi bản địa của nó bao phủ miền trung, tây nam và nam Trung Quốc. Trước những năm 1970, chúng phân bố rộng rãi dọc theo sông Dương Tử, sông Hoàng Hà và sông Châu Giang.
Loài kỳ giông khổng lồ Trung Quốc sống và sinh sản ở các con sông nước ngọt trên núi và các dòng suối lớn trong các khu vực rừng rậm.
Đặc điểm nổi trội của chúng là một sinh vật có cấu trúc cơ thể rất cổ xưa, chưa thay đổi hay tiến hóa trong 170 triệu năm qua. Loài kỳ giông khổng lồ Trung Quốc tách ra khỏi họ hàng gần nhất của chúng vào kỷ Jura, chính vì thế giới khoa học Trung Quốc gọi nó là "hóa thạch sống".
Kỳ giông trưởng thành có thể dài tới 1,8 mét, trông giống như một con rồng khổng lồ đang uốn khúc trong nước. Da của chúng mịn màng và có thể thay đổi màu sắc, thường kèm theo các đốm đen hoặc nâu đỏ, tương tự như kết cấu và màu sắc của sỏi trong nước. Đây cũng là một màu sắc được duy trì bởi loài kỳ giông khổng lồ trong suốt quá trình tiến hóa lâu dài của nó để tránh những kẻ thù tự nhiên.
Kỳ giông khổng lồ là loài ăn mồi hung dữ và chủ yếu săn mồi vào ban đêm. Trước khi đi săn, chúng sẽ ẩn nấp bất động dưới đáy nước. Khi con mồi đến gần, chúng sẽ bất ngờ há miệng lớn và nuốt chửng con mồi.
Con mồi ưa thích của chúng là cá, côn trùng dưới nước, tôm càng, rắn, giun, cua và tôm. Trong tự nhiên, người ta cho rằng kỳ giông khổng lồ Trung Quốc có thể sống tới 80 năm.
Do kỳ giông khổng lồ di chuyển chậm, khả năng di cư yếu và yêu cầu cao về môi trường phát triển nên môi trường sống của chúng dần bị thu hẹp do tác động của các hoạt động của con người.
Từ xa xưa, kỳ giông đã được tôn kính trong văn hóa Trung Quốc trong hàng ngàn năm, nhưng việc khai thác quá mức cho thị trường thực phẩm xa xỉ cũng như mất môi trường sống đã tàn phá quần thể hoang dã.
Số lượng kỳ giông khổng lồ Trung Quốc hoang dã đã giảm nhanh chóng. Do đó, hiện tại loài này được liệt vào danh sách loài “cực kỳ nguy cấp” trong “Sách đỏ” của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN). Tại Trung Quốc, kỳ giông cũng nằm trong danh sách động vật được bảo vệ cấp hai. Hiện, chính phủ và các nhà khoa học Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục vào bảo vệ loài động vật này, Tổ chức từ thiện bảo tồn quốc tế ZSL cho biết.
Con kỳ giông khổng lồ hoang dã được phát hiện ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc lần này nặng 5 kg, được coi là khá lớn trong số các loài hoang dã đã được các nhà khoa học tìm thấy. Ở một mức độ nhất định, điều đó phản ánh rằng môi trường sinh thái tại Giang Tây khá phù hợp với loài này.
Tỉnh Giang Tây của Trung Quốc vốn có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, với mùa đông ngắn, mát và ẩm cùng mùa hè nóng và ẩm ướt.
Môi trường này tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật phát triển phong phú. Đó là lý do, tính đến năm 2007, Giang Tây thành lập được 137 khu bảo tồn thiên nhiên, bao gồm 6 khu bảo tồn cấp quốc gia, với tổng diện tích là 9.852,3 km vuông. Riêng loài kỳ giông khổng lồ này có đến 38 khu bảo tồn.
Việc ông Tiêu và hai người bạn nhanh chóng gọi điện báo cơ quan chức năng về việc câu được cá lạ (thực chất là con kỳ giông khổng lồ) đã góp phần bảo vệ loài động vật này đúng mực và tránh được những rắc rối liên quan đến pháp luật. Họ đã có công để bảo vệ gen của loài kỳ giông khổng lồ vốn đang nguy cấp này.
Tham khảo: Sohu, ZSL
Đời sống và pháp luật