Tỉnh có đường bờ biển ngắn nhất Việt Nam muốn lên thành phố trực thuộc Trung ương năm 2035, phát triển công nghiệp ô tô, điện tử
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững.
Ninh Bình nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tỉnh này cũng nằm giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Ninh Bình nằm ở trọng tâm của nửa phía Bắc Việt Nam, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra, có vị trí địa lý:
Phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam. Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Nam Định qua sông Đáy. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Hòa Bình. Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và Biển Đông (Vịnh Bắc Bộ) với đường bờ biển dài 18 km (Ninh Bình là tỉnh có bờ biển ngắn nhất Việt Nam).
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững.
Đến năm 2030, Ninh Bình sẽ là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,2%. GRDP bình quân đầu người khoảng 200 triệu đồng. Phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam Vùng đồng bằng sông Hồng.
Phương hướng phát triển các ngành quan trọng
Với ngành công nghiệp - xây dựng, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu. Có cơ chế, chính sách vượt trội thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sử dụng hợp lý lao động.
Hình thành cụm liên kết trong sản xuất một số ngành công nghiệp ưu tiên, tạo nền tảng và cơ sở kết nối chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu, khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, cả nước.
Với ngành dịch vụ, trong đó, về du lịch, xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình là ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và hình ảnh riêng gắn với tiềm năng, giá trị Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chính: (1) nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình; (2) nhóm sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; (3) nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các hệ sinh thái biển, rừng, các nguồn khoáng nóng; (4) nhóm sản phẩm du lịch sáng tạo theo tư duy đột phá, có hàm lượng chất xám cao, tiết kiệm tài nguyên.
Phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch phụ trợ: (1) Nhóm sản phẩm du lịch chuyên đề về khám phá tự nhiên, lễ hội, ẩm thực; (2) Nhóm sản phẩm du lịch liên ngành: du lịch MICE (gắn với sự kiện hội nghị, hội thảo), du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao, du lịch giáo dục, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm phim trường…; (3) Nhóm sản phẩm du lịch liên vùng.