Tỉnh dẫn đầu năng lực cạnh tranh 5 năm liên tiếp sắp có cao tốc xuyên tỉnh 38.000 tỷ đồng dài nhất Việt Nam
Theo Báo cáo PCI 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm thứ 5 liên tiếp.
- 13-05-2022Kỳ vọng kinh tế Việt - Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh (*): Cơ hội lớn cho tài chính, hàng không...
- 13-05-2022Pandora đầu tư 100 triệu USD xây cơ sở chế tác trang sức đầu tiên tại Việt Nam
- 13-05-2022WB: Kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi
Cụ thể, Quảng Ninh đạt 73,02 điểm trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đứng thứ hai là Hải Phòng, lần đầu tiên nắm giữ vị trí á quân của bảng xếp hạng PCI với 70,61 điểm. Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Đồng Tháp (70,53 điểm) và Đà Nẵng (70,42 điểm).
Bên cạnh đó, Quảng Ninh nằm trong top 3 tỉnh, thành được đánh giá là các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam trong năm điều tra 2021. Theo đó, Bình Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng là những địa phương thường đứng đầu xếp hạng Chỉ số Cơ sở hạ tầng nhiều năm qua.
Trong năm 2021, Quảng Ninh là tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá vượt trội so với các tỉnh còn lại cả về chất lượng cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh. Quảng Ninh cũng đứng đầu về tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng chính quyền địa phương nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh (95%).
Kết quả chỉ số PCI của Quảng Ninh giai đoạn 2017-2021. Nguồn: VCCI.
Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm 40 - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Do đó, Quảng Ninh đứng đầu ở hai chỉ số thành phần của PCI 2021 là Chi phí gia nhập thị trường (7,98 điểm) và Chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm).
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo đà phát triển kinh tế, Quảng Ninh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, các khu kinh tế (KKT), KCN, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển. Theo đó, các dự án hạ tầng sẽ tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế; thu hút đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.
Trong năm 2022, Quảng Ninh tập trung nguồn lực hoàn thành dự án đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét-Con Ong; cầu Cửa Lục 2 và đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm;…
Đặc biệt, Quảng Ninh tập trung hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái để hoàn thiện tuyến cao tốc xuyên tỉnh ngay trong năm nay.
Tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh ở Quảng Ninh dài đần 170km với tổng mức đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng. Cụ thể, tuyến xuyên tỉnh gồm 3 đoạn: Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long dài khoảng 25 km với tổng mức đầu tư dự án hơn 13.600 tỷ đồng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60 km với tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng và cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có chiều dài hơn 80km với 12.771 tỷ đồng đầu tư.
Đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến được đưa vào sử dụng trong quý 2/2022. Đây là đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc xương sống dọc tỉnh Quảng Ninh (Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái), điểm đầu kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái).
Tuyến đường được đánh giá có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Ninh. Sau khi toàn tuyến cao tốc hoàn thành, Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh sở hữu đường cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam.
Đặc biệt, tuyến cao tốc xuyên tỉnh này sẽ tạo thành tuyến cao tốc ven biển duy nhất kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả 3 khu kinh tế gồm khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái.
Tuyến cao tốc xuyên tỉnh ở Quảng Ninh được đánh giá sẽ giúp các khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh có sự phát triển vượt bậc. Đồng thời, tuyến cao tốc này sẽ tạo sức mạnh lan tỏa và là động lực giúp khu vực miền Đông của Quảng Ninh tăng trưởng nhanh hơn, kéo gần khoảng cách về kinh tế - xã hội với các địa phương có tốc độ phát triển cao như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái.