MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh đầu tiên không có hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương, đặt mục tiêu lớn vào năm 2030

Từ một tỉnh nghèo, tỉnh này đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành nơi có thu nhập bình quân đầu người cao bậc nhất Việt Nam.

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau gần 30 năm tái lập tỉnh (từ 1/1/1997), từ một tỉnh nghèo, quy mô GRDP tăng từ 3.900 tỷ đồng lên hơn 487.000 tỷ đồng năm 2023 (gấp gần 125 lần). GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 172,5 triệu đồng, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Trung ương.

Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3/38 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đã xây dựng 52.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tương đương 2,6 triệu m2 sàn; có chủ trương đầu tư mới 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 6.000 căn hộ và 4 dự án nhà ở thương mại.

Tình hình kinh tế xã hội của Bình Dương ra sao?

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng khá ở cả 3 khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm 2024 tăng 7,28% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 25,6 tỷ USD, tăng 13,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 18,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,4%. Tổng thu ngân sách 50.120 tỷ đồng, đạt 77% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công 6.300 tỷ đồng, đạt 41,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỉnh đầu tiên không có hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương, đặt mục tiêu lớn vào năm 2030- Ảnh 1.

Tỉnh đã thu hút thêm được 1,2 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài và 56.620 tỷ đồng vốn đăng ký trong nước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.360 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 41,8 tỷ đô la Mỹ và 71.520 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 780.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa của toàn tỉnh đạt 85%, thuộc Top đầu cả nước.

Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 52.000 căn nhà ở xã hội, tương đương 2,6 triệu m2 sàn. 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư mới 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 6.000 căn hộ và 4 dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất nhà ở xã hội.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 6,04% so cùng kỳ. Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu lớn. Trong 8 tháng, xuất khẩu đạt 25,6 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập khẩu đạt 18,2 tỷ USD, tăng 13,4%; xuất siêu 7,4 tỷ USD (cả nước xuất siêu 19,07 tỷ USD).

Thu hút FDI trong 8 tháng đạt trên 1,36 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, xếp thứ 7/63. Tính đến nay, Bình Dương luôn duy trì vị thế trong nhóm 3 tỉnh thu hút FDI tốt nhất. Đến 31/8/2024, tổng vốn FDI đăng ký tại Bình Dương là hơn 41,8 tỷ USD.

Đáng chú ý, tỉnh có mật độ đô thị hóa cao nhất cả nước với 5 thành phố trực thuộc, tỉ lệ đô thị hóa đạt 84%. Tỉnh tiếp tục quy hoạch và triển khai đầu tư, phát triển hệ thống đô thị mới, theo mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).

Tỉnh tập trung triển khai đầu tư các khu công nghiệp thế hệ mới, hướng đến sản xuất thông minh, sản xuất xanh theo quy hoạch. Hình thành các Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu khoa học công nghệ trong trung tâm thành phố mới Bình Dương với quy mô 220 ha.

Tỉnh đầu tiên không có hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương, đặt mục tiêu lớn vào năm 2030- Ảnh 2.

Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 5.072 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,28%; 1.600 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,4%. Công tác giảm nghèo theo tiêu chí của tỉnh đã vượt chỉ tiêu.

Chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Bình Dương hiện nay quy định thu nhập ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn chuẩn Trung ương 1,4 lần; khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn chuẩn Trung ương 1,3 lần.


Theo Pha Lê

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên