MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một tỉnh lấy mốc 40 năm tái lập để phấn đấu lên thành phố trực thuộc trung ương

Hiện tỉnh này quy hoạch 3 đô thị trung tâm.

Trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Đây là yếu tố then chốt để Hưng Yên đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị; phát triển mạnh chuỗi các đô thị có sự kết nối giữa các đô thị trung tâm, đô thị chức năng; đồng thời phát triển các khu đô thị lớn, sinh thái, thông minh và hiện đại...

Theo quy hoạch, đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh Hưng Yên gồm 18 đô thị gồm đô thị loại 1 là thành phố Hưng Yên; đô thị loại 2 gồm thành phố Mỹ Hào và thành phố Văn Giang (đô thị toàn huyện Văn Giang). Thành phố Văn Lâm (đô thị toàn huyện Văn Lâm) và thành phố Yên Mỹ (đô thị toàn huyện Yên Mỹ) là đô thị loại 3. Thị xã Khoái Châu (đô thị toàn huyện Khoái Châu); thị xã Kim Động (đô thị toàn huyện Kim Động) và đô thị Ân Thi (đô thị toàn huyện Ân Thi) là đô thị loại 4 và 10 đô thị loại 5.

Một tỉnh lấy mốc 40 năm tái lập để phấn đấu lên thành phố trực thuộc trung ương- Ảnh 1.

Đến năm 2030, Hưng Yên sẽ cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 1.

Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030, tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 1. Đến năm 2037 (dấu mốc kỷ niệm 40 năm tái lập tỉnh), tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết địa phương đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60-65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Tỉnh quy hoạch 3 đô thị trung tâm gồm: thành phố Hưng Yên, đô thị Văn Giang và đô thị Mỹ Hào.

Theo ông Nguyễn Hùng Nam, thành phố Hưng Yên được quy hoạch là đô thị trung tâm của tỉnh và vùng phía Nam, đóng vai trò trung tâm hành chính chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... của tỉnh; kết nối về phía Bắc với huyện Kim Động phát triển đô thị sinh thái, du lịch dọc sông Hồng; kết nối về phía Đông với huyện Tiên Lữ phát triển dịch vụ, khoa học, đào tạo, trung tâm khởi nghiệp.

Trong đó, đô thị Văn Giang là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng sinh thái, thông minh, hiện đại. Khai thác hiệu quả các đường vành đai 3,5, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối với khu vực phía Đông và phía Nam của Thủ đô Hà Nội và đóng vai trò thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc của tỉnh.

Một tỉnh lấy mốc 40 năm tái lập để phấn đấu lên thành phố trực thuộc trung ương- Ảnh 2.

Năm 2037, tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương.

Đô thị Mỹ Hào là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại và nhà ở theo hướng thông minh, hiện đại. Phát triển gắn với hệ thống hạ tầng khung quốc gia trong hành lang công nghiệp-đô thị của tỉnh và trục phát triển Bắc-Nam phía Đông, kết nối Mỹ Hào-Ân Thi-Phù Cừ gắn với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, là trục liên kết mới phía Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, đầu mối logistics.

Hưng Yên được tái lập từ tỉnh Hải Hưng cũ

Hải Hưng là một tỉnh cũ của vùng Đồng bằng sông Hồng, được thành lập vào tháng 1/1968 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Khi hợp nhất, tỉnh có 2 thị xã là Hải Dương, Hưng Yên và 20 huyện.

Tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Hải Dương. Diện tích của tỉnh Hải Hưng khoảng 2.500 km2, dân số 2,7 triệu người. Đến tháng 11/1996, Quốc hội khóa 9 ra nghị quyết chia tỉnh Hải Hưng để tái lập thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên như hiện nay.

Khi tách ra, tỉnh Hưng Yên có 6 đơn vị hành chính gồm thị xã Hưng Yên và 5 huyện: Ân Thi, Châu Giang, Kim Động, Mỹ Văn, Phù Tiên.

Ngày 24/2/1997, chia huyện Phù Tiên thành 2 huyện Phù Cừ và Tiên Lữ. Ngày 24/7/1999, chia huyện Châu Giang thành 2 huyện Khoái Châu và Văn Giang; chia huyện Mỹ Văn thành 3 huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ.

Một tỉnh lấy mốc 40 năm tái lập để phấn đấu lên thành phố trực thuộc trung ương- Ảnh 3.

Hưng Yên có đặc sản nhãn lồng.

Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Với vị trí chỉ cách Hà Nội khoảng 40km, Hưng Yên gần đây đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu cho người tìm mua bất động sản.

Theo Cục Thống kê Hưng Yên, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2023, duy trì mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Trong đó, khu vực nông nghiệp và thủy sản tăng 2,70%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,60%; khu vực thương mại, dịch vụ tăng 3,06%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,13% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 16.504 tỷ đồng, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 21.445 tỷ đồng, tăng 39,83% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 65,34% kế hoạch năm.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên