Tỉnh được coi "thủ phủ" công nghiệp phía Nam sắp có dự án hơn 72.000 tỷ đồng, 5 nhà đầu tư là ai?
Hơn 140 ha diện tích trồng lúa của tỉnh này sẽ được chuyển đổi để làm dự án có tổng mức đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.
- 17-10-2024Vì sao hơn 200 tỷ phú châu Âu chuẩn bị tới tỉnh tăng trưởng top đầu Việt Nam?
- 16-10-2024Công bố kết luận thanh tra 3 bộ, tỉnh
- 16-10-2024Tỉnh vụt sáng thành ngôi sao du lịch sau một bộ phim sẽ có thêm một thành phố rộng gần 500km2
Đồng Nai được coi là một trong những "thủ phủ" công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam. Tỉnh này sắp có Khu đô thị Hiệp Hòa với tổng mức đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 20 của HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X diễn ra vào ngày 15/10 vừa qua, các đại biểu đã thông qua một số nghị quyết có liên quan đến đất đai để thực hiện những dự án trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, hơn 163 ha đất trồng lúa thuộc địa bàn của các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa sẽ được chuyển đổi để làm 6 dự án. Trong số đó, Khu đô thị Hiệp Hòa (trên địa bàn phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) là dự án có diện tích đất trồng lúa sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng lớn nhất, với hơn 141 ha.
Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa có quy mô hơn 290 ha, nằm tại vị trí đắc địa trên cù lao Phố giữa sông Đồng Nai và kết nối với trung tâm TP Biên Hòa bằng những cây cầu. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến là 72.290 tỷ đồng. Trong số đó, vốn góp của nhà đầu tư là hơn 10.800 tỷ đồng và còn lại là vốn huy động. Đáng chú ý là chỉ riêng chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư là khoảng 16.700 tỷ đồng.
Khu đô thị hơn 72.000 tỷ đồng có gì đặc biệt?
Khu đô thị Hiệp Hòa sở hữu vị trí chiến lược khi nằm ở ngay cửa ngõ của TP Biên Hòa, giúp kết nối thuận lợi với các tỉnh thành kinh tế trọng điểm miền Nam như TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Theo quy hoạch, Khu đô thị Hiệp Hòa sẽ cung cấp 2 loại hình nhà ở, bao gồm tầng (liền kề và biệt thự) và cao tầng (chung cư thương mại và nhà ở xã hội). Trong đó, diện tích dùng để xây dựng nhà ở chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất của dự án.
Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa có thời gian hoạt động 50 năm và dự kiến thực hiện trong 12 năm (từ năm 2023 – 2035) và phân kỳ giai đoạn theo 6 dự án thành phần. Mục tiêu của dự án hơn 72.000 tỷ đồng là tạo kiến trúc đô thị ven sông, hiện đại và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Ngoài ra, dự án này còn hướng đến phát triển du lịch bền vững, kết hợp nhiều loại hình nhà ở với trung tâm thương mại và du lịch. Sau khi hoàn thành, dự kiến quy mô dân số khu đô thị Hiệp Hòa là khoảng 31.600 người.
Trước đó, vào thàng 9/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định về việc chấp thuận 5 nhà đầu tư của Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa. Theo đó, UBND tỉnh chấp thuận liên danh 5 nhà đầu tư là nhà đầu tư thực hiện dự án, bao gồm: Công ty TNHH Lan Anh - Phú Quốc; CTCP Tập đoàn Mặt Trời; Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long; CTCP Tập đoàn Bất động sản Mặt Trời và Công ty TNHH Đầu tư Biển đẹp Phú Quốc.
Đây cũng chính là liên danh duy nhất nộp hồ sơ đăng ký đầu tư vào dự án sau 2 lần không có nhà đầu tư nào đăng ký (theo thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư hồi tháng 7/2024).
Đồng Nai là tỉnh lớn thứ ba ở vùng Nam Bộ, với diện tích khoảng 5.903,4 km2. Tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Đông Nam Bộ. Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong năm 2023, ước tính dân số của tỉnh là hơn 3,3 triệu người, tăng 1,69% so với cùng kỳ.
Hiện nay, Đồng Nai cũng là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam. Cụ thể, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 39 khu công nghiệp, với diện tích gần 190 km2. Trong số đó, 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy là khoảng 86%. Những địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, bao gồm: Long Thành, Biên Hoà và Nhơn Trạch.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 7/2024, có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng số khoảng 2.092 dự án. Một số quốc gia đứng đầu trong đầu tư vào tỉnh Đồng Nai là Hàn Quốc, Nhật Bản...
Nhịp sống thị trường