MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình hình vận tải trong đợt dịch lần 4: Doanh nghiệp hàng không liên tục báo lỗ, máy bay 'đắp chiếu', đường bộ và đường sắt 'cầm cự'

Tình hình vận tải trong đợt dịch lần 4: Doanh nghiệp hàng không liên tục báo lỗ, máy bay 'đắp chiếu', đường bộ và đường sắt 'cầm cự'

Tất cả các ngành đường đều gặp khó khăn, nhưng hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ...

Tình hình vận tải trước đợt dịch lần thứ 4

Năm 2019, Việt Nam ghi nhận hoạt động vận tải hành khách với những kết quả khá tích cực với 4.776,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,3% so với năm trước. Đáng chú ý, kết quả hoạt động tích cực diễn ra ở hầu hết các ngành đường.

Trong đó, vận tải hành khách đường bộ năm 2019 tăng 10,6% về số lượt hành khách vận chuyển và tăng 10,2% về số lượt hành khách luân chuyển so với năm trước. Đường thủy tăng 25% và tăng 36,2%. Hàng không tăng 12,2% và tăng 14,1%. Riêng đường sắt giảm 7,4% và giảm 10,9%.

Song, đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2020 đã khiến hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những quy định về giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nặng nề đến vận tải hành khách. Tháng 4 năm ngoái, lượng hành khách vận chuyển giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vận tải trong nước giảm 27,4%, vận tải ngoài nước giảm 52,4%.

Sau đó, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát tốt, nên hoạt động vận tải hành khách trong nước được duy trì khá ổn định. Nhưng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm nhiều so với năm trước.

Tình hình vận tải trong đợt dịch lần 4: Doanh nghiệp hàng không liên tục báo lỗ, máy bay đắp chiếu, đường bộ và đường sắt cầm cự - Ảnh 1.

Vận tải hành khách năm 2020 sơ bộ đạt 3.712 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 22,3% so với năm trước. Xét theo ngành vận tải, vận chuyển hành khách đường bộ giảm 22,4%; đường thủy giảm 16,5%; hàng không giảm 41,3%; đường sắt giảm 54%. Các doanh nghiệp vận tải cố gắng cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh với hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế trong năm 2021.

Trong đợt dịch lần thứ 4: Doanh nghiệp hàng không lỗ lớn...

Mặc dù vậy, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra từ cuối tháng 4/2021 với tốc độ lây lan nhanh chóng tại các tỉnh miền Nam khiến cho hoạt động vận tải hành khách lại càng thêm điêu đứng. Tính chung 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.917,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 26,9%). Trong đó vận tải trong nước giảm 9,5%; vận tải ngoài nước giảm 96,4%.

Đáng chú ý, tất cả các ngành đường đều gặp khó khăn, nhưng hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, các hãng hàng không liên tiếp thông báo lỗ...

Trong 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đường hàng không chỉ đạt 13,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 32,3% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 57,7 so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển đạt 12,3 tỷ lượt khách.km, giảm 46,6% và giảm 72,5%.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2021 số lỗ có thể lên tới 10.000 tỷ đồng. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020. Tuy nhiên, dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021.

...Doanh nghiệp vận tải đường bộ và đường sắt vẫn đang cầm cự

Doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ và đường sắt vẫn đang trong giai đoạn cầm cự, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu hành khách đi lại giảm mạnh buộc ngành đường sắt phải tiếp tục cắt giảm nhiều tuyến tàu khách.

Trong 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đường sắt chỉ đạt 1,2 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 52,3% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 76,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Đường sắt đến nay vẫn duy trì chạy tàu trên các tuyến, đưa người dân về quê tránh dịch và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hướng tới khách hàng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đã có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 khiến hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh tê liệt.

Chưa khi nào mà các doanh nghiệp, nhà xe vận chuyển hành khách lại rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Vận tải hành khách đường bộ 7 tháng năm 2021 đạt 2.736,6 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 35,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Sản lượng hành khách sụt giảm, lượt xe giảm, sức chống đỡ sau nhiều lần dịch bệnh cũng đã cạn dần, một số doanh nghiệp, nhà xe phải dừng hoạt động, cho xe nằm bãi. Doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động; kéo theo đó lao động mất việc làm.

Hiện nay hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đang vô cùng bế tắc và đứng trước nguy cơ phá sản trước tác động nặng nề của dịch Covid-19. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền.

Trong bối cảnh khó khăn, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ Covid-19, bao gồm: Miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thuế TNCN, tiền thuê đất…); hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất; hỗ trợ về an sinh xã hội.

Nguyệt Hạ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên