Tính lại GDP, nền kinh tế Việt Nam vượt quy mô 300 tỷ USD
Tổng cục Thống kê cho biết, sau khi đánh giá lại, GDP của Việt Nam giai đoạn 2011-2017 đã tăng thêm 25,4%/năm.
- 30-08-2019Diễn biến sản xuất mía đường lạ lùng của Thái Lan và tác động gì đến Việt Nam?
- 30-08-2019Cơ hội mới cho người mua ô tô Việt nhờ vào sửa luật?
- 30-08-2019Góc nhìn: FDI Trung Quốc “ào ạt” vào Việt Nam, cơ hội nhưng hết sức cẩn trọng, phá giá VND chỉ thêm bất lợi
Theo Tổng cục Thống kê, đây là kết quả của quá trình tính toán chi tiết đến 88 ngành trong gần 1 năm. Với tổng quy mô kinh tế đến cuối năm 2017 đạt khoảng 220 tỷ USD, theo con số mới, quy mô GDP ước tính tăng lên 275 tỷ USD. Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển KT-XH trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.
GDP được đánh giá lại cho phép tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan được xác thực hơn, phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 và chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020”, ông Lâm khẳng định.
Đây không phải lần đầu cơ quan thống kê đánh giá lại quy mô nền kinh tế. Năm 2013, Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008-2012, khi đó GDP tăng khoảng 9%. Theo cơ quan này, con số tăng thêm thấp hơn lần đánh giá năm 2019 do việc đánh giá cách đây 6 năm chỉ tập trung một số ngành như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản.
Trên thế giới, việc đánh giá lại GDP cũng là hoạt động phổ biến, tuy nhiên, mức thay đổi tới hai chữ số so với số liệu cũ phần lớn chỉ xảy ra tại những nền kinh tế đang phát triển. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP của Zambia năm 2014 cao hơn 25% so với số công bố trước đó, Ghana tăng 60%, Nigeria tăng 59,5%, Maldives tăng 37%, Kenya tăng 25%.
Ở các nước phát triển, những lần đánh giá lại GDP chỉ giúp quy mô tăng thêm vài phần trăm. Năm 2013, Mỹ công bố kết quả đánh giá lại GDP cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008), GDP tăng thêm 560 tỷ USD, tương đương 3,6%. Trung Quốc, trong hai lần đánh giá lại gần nhất năm 2013 và 2015, quy mô GDP thêm 3,4% và 1,3%. Tại châu Âu, Đức và Italy giai đoạn 2013-2014 cũng đánh giá lại nền kinh tế, giúp tăng thêm 3% và 7%.
Riêng ở khu vực Đông Nam Á, kết quả đánh giá lại quy mô GDP của Indonesia năm 2015 giúp tăng 6,45% GDP; còn Malaysia trong lần gần nhất điều chỉnh GDP tăng 3,2%.
Tiền phong