Tỉnh nằm trong nhóm nhỏ nhất cả nước đã làm gì để tạo dư địa phát triển khu công nghiệp?
Riêng thu ngân sách từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm khoảng 80% tổng thu ngân sách trên toàn tỉnh Ninh Bình.
- 19-10-2023Dự án 12.800 tỷ kéo dài cao tốc Bắc-Nam lên 1.048 km: Đi từ Hà Nội đến Nghệ An chỉ còn hơn 3 giờ
- 19-10-2023Doanh nghiệp Đài Loan 'rót' 135 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng
- 19-10-2023Tăng trưởng GDP 2023 được dự báo dẫn đầu Đông Nam Á, quy mô GDP Việt Nam được đánh giá ra sao so với Thái Lan, Philippines?
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” mới đây, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, công nghiệp đang là trọng tâm và động lực phát triển kinh tế của tỉnh này.
Hiện nay toàn tỉnh có 5 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với diện tích 850 ha, 14 cụm công nghiệp quy mô 350 ha. Riêng thu ngân sách từ KCN, CCN chiếm khoảng 80% tổng thu ngân sách trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, khoảng gần 70.000 lao động trong các KCN, CCN chiếm khoảng 80% lao động trong lĩnh vực công nghiệp.
10 năm gần đây, tỉnh cũng hình thành công nghiệp chủ lực là sản xuất và lắp ráp ô tô. Ngành trọng tâm này đã đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện tại địa phương có quy mô kinh tế khá khiêm tốn nhưng hài hòa – nhất là giai đoạn sau đại dịch Covid-19, khi nông nghiệp chỉ chiếm 10% nền kinh tế, còn lại là dịch vụ và công nghiệp. Trong đó, dịch vụ chiếm khoảng 44,5%, còn lại 45,1% là công nghiệp. Quy mô công nghiệp không lớn nhưng nhờ đó mà đến năm 2022, địa phương đã trở thành một trong 15 tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về trung ương.
Dựng hành lang trung tâm để tạo dư địa phát triển mới
Một nút thắt lớn nhất về phát triển KCN tại địa phương giáp Hà Nội này là việc chậm trình được phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh, kéo theo sự khó khăn trong phê duyệt KCN. Bên cạnh đó, sự phát triển KCN, CCN chưa đồng bộ giữa công nghiệp với kết cấu hạ tầng giao thông, văn hóa xã hội đi kèm.
“Muốn nhanh thì phải làm đúng trên cơ sở các quy định của pháp luật, các địa phương không thể chờ để thay đổi quy định, thay đổi chính sách được”, ông Ngọc cho biết.
Với quy mô 1.387km2, Ninh Bình là tỉnh có diện tích nhỏ thứ 6 cả nước. Trong đó dành 20% diện tích bảo tồn, vì vậy để phát triển KCN, CCN, tỉnh này đã tạo ra không gian dư địa mới , cụ thể là xây dựng hành lang trung tâm, làm đại lộ từ phía đông sang tây, từ rừng xuống biển để kết nối với đường cao tốc, đường ven biển. Nếu không làm cách này, tỉnh không còn dư địa để phát triển.
Từ 2010, Ninh Bình đã không còn chấp thuận các dự án khai thác sản xuất, vật liệu xây dựng như xi măng, thép… Tỉnh này định hướng quy hoạch các KCN gắn với đô thị dịch vụ, đồng bộ hạ tầng, đô thị hóa, thu hút có chọn lọc, công nghệ sạch, không nghệ và hạn chế ô nhiễm môi trường.
“Cần tính toán đến tính chất KCN để quản trị chứ không thể đưa bất kỳ một ngành nghề nào vào đó. Mỗi KCN chỉ cần có một tính chất riêng gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định.
Tập trung phát triển KCN sạch, công nghệ cao
Thông tin liên quan về phát triển KCN giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Ninh Bình đã đề xuất bổ sung vào danh mục quy hoạch KCN của tỉnh thêm 4 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 1.380 ha, đưa số khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lên 11 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.790 ha.
4 khu công nghiệp bổ sung mới là KCN Gián Khẩu II tại huyện Gia Viễn với diện tích quy hoạch 495 ha; KCN Phú Long (huyện Nho Quan, 485 ha); KCN Xích Thổ (huyện Nho Quan, 150 ha) và KCN Yên Bình (huyện Yên Mô, 250 ha).
Ngoài ra trong thời gian tới, tỉnh dự kiến thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao theo mô hình Business Park (trong đó có trung tâm giáo dục công nghiệp và công nghệ sáng tạo; trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm đào tạo các ngành nghề liên quan đến du lịch cho cả tỉnh và các tỉnh xung quanh).
Một trung tâm CBD (Central Business District) cũng sẽ hình thành tại TP Ninh Bình tập trung các dịch vụ tài chính, ngân hàng, trung tâm thương mại, các dịch vụ và kinh tế đô thị khác...
Hay tỉnh dự kiến xây dựng trung tâm logistics tại TP Tam Điệp, TP Ninh Bình (điểm kết nối, là đầu mối giữa Hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây của tỉnh) gắn với phát triển thương mại điện tử, kinh tế số trong giai đoạn 2021 - 2030 và trung tâm logistics tại huyện Kim Sơn giai đoạn 2030 - 2050.
Đồng thời phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây (Kim Sơn - Tam Điệp - Nho Quan), sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên đường để tạo nguồn lực cho tỉnh; cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường để tăng cường liên kết vùng, liên kết với các tỉnh bạn, đặc biệt là liên kết với tỉnh Thanh Hóa để sử dụng hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng nước sâu Nghi Sơn.
Nhịp sống thị trường