MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh non trẻ 20 tuổi đạt tăng trưởng thuộc hàng cao nhất 2023, gấp đôi TP HCM, hơn Đà Nẵng gần 5 lần

Tỉnh này đạt mức tăng trưởng năm 2023 so cùng kỳ ở mức rất cao, lên đến 12,27%. Trong khi TP HCM là 5,81%, Đà Nẵng 2,58%.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của tỉnh Hậu Giang tiếp tục duy trì ở mức cao và đạt 12,27%, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 2 cả nước, sau tỉnh Bắc Giang (13,45%).

Cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh này trong 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng đầu năm 2023 đều đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và luôn thuộc top dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, trong năm qua, công nghiệp và xây dựng tiếp tục là những khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 của tỉnh Hậu Giang với mức tăng trưởng 28,32%.

Theo báo cáo do Cục Thống kê Hậu Giang phát hành ngày 29/12/2023, các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,12%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng khá cao với mức tăng 28,32%; khu vực dịch vụ tăng 8,84% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,49%.

Đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng của tỉnh là khu vực công nghiệp, xây dựng với mức đóng góp 8,22 điểm phần trăm, trong đó ngành công nghiệp đóng góp cao nhất với mức 7,59 điểm phần trăm; tiếp đến là khu vực dịch vụ với sự tăng trưởng mạnh của các ngành thương mại, dịch vụ ăn uống và một số dịch vụ khác đóng góp 3,22 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,79 điểm phần trăm.

Quy mô nền kinh tế đạt 58.505 tỷ đồng, theo giá hiện hành. Về cơ cấu kinh tế của tỉnh trong năm 2023 tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực kinh tế so với cùng kỳ, Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 21,95%, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 35,68%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 34,37% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,01% (Năm 2022 lần lượt là: 23,96%; 30,24%; 36,70%; 9,09%).

GRDP bình quân đầu người 2023 của Hậu Giang đạt hơn 80 triệu đồng

GRDP bình quân đầu người cả năm 2023 ước đạt 80,33 triệu đồng/người/năm, tăng 14,13 triệu đồng/người so với năm 2022.

Riêng tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp cả năm ước tính tăng 31,09%, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng 118,55%, đóng góp 6,46 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP của tỉnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,54% đóng góp 1,01 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 15,22%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,75% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 15,59% năm 2022 so với cùng kỳ). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,43% so với cùng kỳ (thấp hơn mức tăng 12,05% của năm 2022 so với cùng kỳ); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 99,83% so với cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,08% so với cùng kỳ năm trước.

Ước thực hiện cả năm 2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước thực hiện được 55.171,03 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 18,89%, so với kế hoạch năm đạt 104,14%. Nhận định giá trị tổng doanh thu thương mại và các ngành dịch vụ trong tháng cuối của năm sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt nhờ vào động lực tăng trưởng từ hoạt động bán lẻ hàng hóa, tháng cuối năm diễn ra Festival lúa gạo quốc tế có quy mô lớn đã tạo thuận lợi giúp doanh thu các loại hình dịch vụ lưu trú, ăn uống và một số dịch vụ tiêu dùng khác tiếp tục gia tăng doanh thu, góp phần đưa tổng doanh thu thương mại và dịch vụ nói chung đạt ở mức cao.

Lũy kế từ đầu năm thời điểm báo cáo, có 902 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn Hậu Giang; trong đó có 564 doanh nghiệp và Công ty, còn lại 305 đơn vị trực thuộc. Tổng vốn 4.314,81 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 0,66% về số lượng doanh nghiệp và giảm 21,42% về số vốn điều lệ.

Có 148 doanh nghiệp đăng ký giải thể, tổng vốn 248,76 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 13,84% về số doanh nghiệp và tăng 49,39% về vốn điều lệ),nguyên nhân giải thể chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả; có 193 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động giảm 7,21% so với cùng kỳ với tổng vốn là 1.418,28 tỷ đồng và có 14 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Ngày 26/11/2003, Quốc Hội thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH1 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Trong đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang. Như vậy, đến nay, Hậu Giang mới 20 tuổi.


Theo Dy Khoa

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên