Tỉnh sát TP HCM có 4 dự án trọng điểm quốc gia đang xây dựng
Địa phương này có nhiều lợi thế phát triển.
- 29-11-202411 tháng, ngân sách tỉnh biên giới đã thu hơn 9.700 tỷ đồng, đạt 99% dự toán cả năm
- 28-11-2024Đề nghị Bộ Công an xử lý việc đưa thông tin không đúng sự thật về sáp nhập tỉnh
- 28-11-2024Bộ Nội vụ: Thông tin sáp nhập các tỉnh lan truyền trên mạng không chính xác
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ với chủ đề Tăng trưởng kinh tế “2 con số” vùng Đông Nam Bộ năm 2025: “Thách thức, cơ hội và giải pháp”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh, tỉnh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng. Do đó, tỉnh luôn tập trung tối đa nguồn lực triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, theo tường thuật của Báo Đồng Nai.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, theo quy hoạch hệ thống giao thông được duyệt, đối với hệ thống đường bộ, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến đường cao tốc; 2 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài hơn 280km.
Về đường sắt, Đồng Nai được quy hoạch 4 tuyến đường sắt quốc gia gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dài 80km); đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và Dự án Đường metro kéo dài kết nối Biên Hòa - Suối Tiên.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa, cảng cạn với 42 cảng biển, 9 cảng cạn (ICD) và 15 tuyến sông nội địa, với chiều dài hơn 153km.
Riêng đối với hàng không, Đồng Nai là một trong số ít các địa phương được quy hoạch có 2 cảng hàng không (sân bay) với Sân bay Long Thành đang triển khai thi công và Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 4 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai xây dựng gồm: Sân bay Long Thành; các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, đối với Dự án Sân bay Long Thành, đến nay, Đồng Nai đã bàn giao toàn bộ mặt bằng thực hiện dự án cũng như mặt bằng thi công 2 tuyến giao thông kết nối sân bay.
Với Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dù gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng và thi công dự án thành phần 1.
“Với Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai sẽ xử lý dứt điểm, bàn giao 100% mặt bằng trong tháng 12/2024. Về tiến độ xây dựng, đoạn qua địa bàn tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4/2026” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết.
Tương tự, đối với Dự án Đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12/2024 và hoàn thành thi công xây dựng vào cuối tháng 4/2026.
Riêng Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tỉnh đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư.
Đồng Nai phấn đấu thành 1 trong 3 trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, thuộc miền Đông Nam Bộ, giáp TP HCM, và đứng trong top đầu cả nước về phát triển kinh tế. Đồng Nai trở thành một trong 10 tỉnh, thành có kinh tế phát triển nhất cả nước. Hiện quy mô GRDP của tỉnh gần 10 tỷ USD. Tỉnh này đặt mục tiêu sẽ “tăng tốc” để trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nói với Báo Đồng Nai: Đồng Nai có nhiều cơ hội trở thành trung tâm dẫn dắt liên kết vùng, kiến tạo, phát triển 3 trục kinh tế chính của khu vực Nam Bộ là Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và trục hành lang kinh tế biển.
Trong đó, Đồng Nai sẽ tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động. Đồng Nai sẽ trở thành điểm đến lý tưởng, an toàn cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh, công nghiệp - xây dựng chiếm gần 60%, thương mại dịch vụ khoảng 32% và nông nghiệp hơn 8%.
Trong quá trình phát triển, Đồng Nai luôn lấy người dân làm trung tâm để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng năng suất, đổi mới sáng tạo hiệu quả để nâng cao chất lượng đời sống, môi trường và phúc lợi xã hội. Tỉnh sẽ luôn đi đầu trong kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để đảm bảo tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia triển khai nhanh các dự án tại Đồng Nai để đón đầu Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án hạ tầng giao thông đi vào hoạt động.
Nhịp sống thị trường