Từ 'miền quê lúa' lên 'bản đồ' thu hút FDI: Tỉnh cách Hà Nội 120 km chỉ trong 10 tháng đầu năm đón gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký mới
Theo UBND tỉnh Thái Bình, hơn 10 tháng qua, địa phương này đã cấp mới giấy chứng nhận kinh doanh cho 986 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 10.407,5 tỷ đồng.
- 03-12-2024Siêu dự án 67,3 tỷ USD được mong chờ nhất ở Việt Nam sẽ kết nối 'khủng' tới 4 sân bay, 9 tuyến đường sắt
- 02-12-2024Dòng sông hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô bắt đầu được 'giải cứu' nhờ công trình trị giá 16.293 tỷ đồng
- 02-12-2024Chủ tịch Hà Nội ra "tối hậu thư" dự án công viên 11ha bỏ hoang gần 10 năm
Từng được xem là “vựa lúa” của Miền Bắc, song những năm trở lại đây, Thái Bình đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế. Theo đó, địa phương này đang điều chỉnh giảm tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản và tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng.
Cụ thể, năm 2023, các ngành nông - lâm - thuỷ sản chỉ chiếm 19,9% quy mô GDRP, trong khi mảng công nghiệp - xây dựng chiếm đến 45,0% và ngành dịch vụ chiếm 29,1%.
Mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình phấn đấu tăng cơ cấu ngành công nghiệp lên mức tối đa. Cụ thể, cơ cấu kinh tế theo các ngành công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 62,1%; GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung của cả nước.
Để đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, Thái Bình đã xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trên diện tích 30.583 ha với chiều dài bám biển khoảng 54 km. Trong đó, trong đó diện tích dành cho công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên 8.000 ha. Với quy mô 22 khu công nghiệp, Khu kinh tế Thái Bình được kỳ vọng có dư địa phát triển như KKT Quảng Yên hay KKT Đình Vũ trong giai đoạn 3 - 4 năm tới.
Sau những nỗ lực và quyết tâm phát triển công nghiệp của Chính quyền, hiện Thái Bình đã bắt đầu hái “quả ngọt” khi tổng kết năm 2023 đã có gần 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư đổ vào, cao nhất từ trước đến nay, xếp trong top 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI, chính thức đưa Thái Bình gia nhập “Câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
6 tháng đầu năm 2024, bức tranh kinh tế của tỉnh Thái Bình tăng trưởng vượt dự báo với nhiều chỉ số ấn tượng về xuất khẩu, công nghiệp,... Cụ thể, thu hút vốn đầu tư của tỉnh Thái Bình đạt 7.769,9 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 232 triệu USD (gấp 5,7 lần cùng kỳ). Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 27.647 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ.
Các dự án triệu, tỷ USD liên tục “đổ bộ” vào Thái Bình
Mới đây, ngày 26/11, tại Cụm Công nghiệp Quý Ninh (Quỳnh Phụ), diễn ra lễ động thổ dự án đầu tư nhà máy sản xuất sợi gai 30.000 cọc sợi với diện tích 78.000m2, với tổng mức đầu tư trên 51 triệu USD. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 600 - 800 lao động, doanh thu trung bình hàng năm đạt trên 40 triệu USD.
Cũng trong tháng 11, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Thái Bình cũng vừa cấp giấy chứng nhân đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy chuyên sản xuất quạt trần và các linh kiện liên quan khác. Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 15,6ha, với tổng mức đầu tư lên tới 120 triệu USD.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, hơn 10 tháng qua, địa phương này đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 986 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 10.407,5 tỷ đồng và 464 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Hai năm gần đây, Thái Bình là địa phương đang thu hút được các dự án tiêu biểu: Dự án Khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 212 triệu USD; Dự án nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất rượu soju tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD....
Theo dự kiến, quý III/2025 một dự án với mức đầu tư gần 2 tỷ USD sẽ chính thức khởi công tại Thái Bình. Ước tính tổng giá trị thuế nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn xây dựng khoảng 3.600 tỷ đồng và khi đi vào vận hành thương mại, trung bình nộp thuế trên 4.000 tỷ đồng/năm.
Định hướng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp hàng đầu của Vùng đồng bằng sông Hồng đặt ra cho Thái Bình nhiệm vụ quan trọng là thu hút và phát triển môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư.
Với vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km... cũng giúp Thái Bình ghi điểm với các nhà đầu tư. Thành công đưa "miền quê lúa" lên "bản đồ" thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Đáng kể đến là dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn đi qua Nam Định và Thái bình đang được tỉnh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư để sẵn sàng khởi công vào cuối năm 2024. Tuyến cao tốc CT.08 khi hoàn thành sẽ kết nối với các tuyến cao tốc quan trọng khác như Bắc - Nam, Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 10, 21, 37 và đường bộ ven biển. Đây là tuyến giao thông chiến lược, góp phần hoàn thiện hạ tầng vận tải, thúc đẩy kinh tế các tỉnh Nam Định, Thái Bình và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, để rút ngắn khoảng cách về địa lý, thời gian tới Thủ đô, tỉnh cũng đang nghiên cứu, phối hợp với Hưng Yên đầu tư tuyến đường xuyên tâm từ Hà Nội về Thái Bình. Bên cạnh đó, sớm xây dựng cầu Sa Cao kết nối với tỉnh Nam Định, cầu An Đồng kết nối với tỉnh Hải Dương nhằm khắc phục nhược điểm khoảng cách do các dòng sông tạo ra.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình tập trung tích cực nguồn lực, huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn góp phần hoàn thiện hệ thống đường bộ ven biển trong khu vực, kết nối Thái Bình với thành phố Hải Phòng cùng các tỉnh; Quảng Ninh, Nam Định,Thái Bình. Thái Bình đang tiến gần hơn đến mục tiêu năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá và đến năm 2040 nằm trong nhóm phát triển của Đồng bằng sông Hồng.
Nhịp Sống Thị Trường