MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng sông hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô bắt đầu được 'giải cứu' nhờ công trình trị giá 16.293 tỷ đồng

Từ hôm qua 1/12, những mét khối nước sạch đầu tiên sau khi được xử lý tại công trình 16.293 tỷ đồng đã được đổ lại vào sông Tô Lịch.

Vận hành thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong 6 tháng

Vào ngày 1/12, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Hạ tầng Kỹ thuật và Nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành vận hành thử nghiệm Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, có công suất đạt 100.000 m³/ngày đêm. Qua đó, tỷ lệ xử lý nước thải của thành phố sẽ được nâng lên 40%. Thời gian thử nghiệm này kéo dài trong 6 tháng.

Cũng trong buổi sáng ngày 1/12, những mét khối nước sạch đầu tiên từ Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, sau khi đã qua xử lý, đã chảy lại vào dòng sông Tô Lịch.

Dòng sông hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô bắt đầu được 'giải cứu' nhờ công trình trị giá 16.293 tỷ đồng- Ảnh 1.

Toàn cảnh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: TPO

Trước đây, nước thải trực tiếp đổ xuống sông Tô Lịch gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng hiện nay nhờ vào hệ thống cống thu gom nước thải được xây dựng dọc theo bờ sông, nước thải sẽ được thu lại, dẫn về nhà máy Yên Xá để xử lý trước khi trả lại dòng sông.

Việc làm sạch toàn bộ sông Tô Lịch sẽ cần một khoảng thời gian dài. Người dân Hà Nội đang háo hức chờ đợi sự "hồi sinh" của sông Tô Lịch và các dòng sông khác bị ô nhiễm tại thành phố.

Chia sẻ với báo chí nhân dịp vận thành thử nhà máy Yên Xá, ông Koizumi Tadao - Giám đốc dự án gói thầu số 1 cho biết: "Từ ngày 1/12, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành vận hành thử nghiệm lọc nước thải dự kiến ban đầu là khoảng 40 đến 50 m3/ngày đêm. Sau đó là sẽ tăng dần công suất đến công suất tối đa mà chúng tôi được cấp giấy phép môi trường giai đoạn này là 100 m3/ngày đêm".

Còn ông Trương Quốc Bảo - Trưởng BQL Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thì cho hay: "Trong năm 2025, ban sẽ hoàn thành tiếp gói thầu số 4 với khu vực thu gom nước thải tại khu vực quận quận Hà Đông, công suất sẽ tăng lên 200.000 m3/ngày đêm. Ban cũng sẽ hoàn thành nốt gói thầu số 3 dự kiến vào khoảng năm 2026, khi đó thì nhà máy sẽ đạt được toàn bộ công suất tối đa là 270.000 m3/ngày đêm.

Dòng sông hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô bắt đầu được 'giải cứu' nhờ công trình trị giá 16.293 tỷ đồng- Ảnh 2.

Những mét khối nước thải đầu tiên từ các "dòng sông chết" trên địa bàn Thủ đô đang được lọc. Ảnh: Truyền hình Hà Nội

Dòng sông hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô bắt đầu được 'giải cứu' nhờ công trình trị giá 16.293 tỷ đồng- Ảnh 3.

Ảnh: Truyền hình Hà Nội

Trong thời gian thử nghiệm, Hà Nội cũng sẽ sớm công bố đơn giá xử lý nước thải để tổ chức đấu thầu và đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả. Đồng thời, các nghiên cứu và đề xuất về việc cải tạo cảnh quan dọc bờ sông Tô Lịch cũng sẽ được triển khai, nhằm bảo vệ môi trường và cảnh quan khi dòng sông được xử lý.

Mới đây, trong buổi kiểm tra thực tế về tiến độ triển khai Dự án Hệ thống Xử lý Nước thải Yên Xá, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này đối với công tác cải thiện môi trường Hà Nội.

Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát, ông nhận thấy rằng khi nhà máy đi vào vận hành, việc thu gom nước thải vào sông vẫn chưa được thực hiện triệt để, đặc biệt là tại đoạn thượng lưu, vì còn 8 cửa xả chưa được kết nối vào hệ thống thu gom. Do vậy, ông Đông yêu cầu phải bổ sung ngay các cửa xả này vào hệ thống, đảm bảo việc thu gom và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả tối ưu.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng khi nhà máy hoạt động, sẽ phát sinh khoảng 200 tấn bùn thải mỗi ngày. Các đơn vị liên quan cần tính toán kỹ lưỡng về vị trí xử lý và đổ bùn thải, đảm bảo rằng các nhà máy xử lý khác cũng được phục vụ hợp lý.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trị giá 16.293 tỷ đồng

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải với mục tiêu "hồi sinh" hàng loạt con sông "chết" do ô nhiễm như sông Tô Lịch, sông Nhuệ,... tại Hà Nội. Nhà máy được xây dựng tại cánh đồng Yên Xá, huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 13,8ha.

Khởi công xây dựng năm 2016, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, thành phố Hà Nội sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản (JICA), với tổng mức đầu tư 16.293 tỷ đồng. Khi hoàn thành vào năm 2026, nhà máy sẽ xử lý phần lớn nước thải đổ ra sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

Dòng sông hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô bắt đầu được 'giải cứu' nhờ công trình trị giá 16.293 tỷ đồng- Ảnh 4.

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khi hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng môi trường khu vực nội đô. Ảnh: TPO

Dự án bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất 270.000m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52,62km (đường kính 315 - 2.200mm). 

Dự án được khởi công tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng phải lùi 2 lần sang năm 2022 và mốc mới nhất là 2026.

Dòng sông hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô bắt đầu được 'giải cứu' nhờ công trình trị giá 16.293 tỷ đồng- Ảnh 5.

Tháp xử lý nước tại nhà máy. Ảnh: Song Hùng

Dự án có 35 gói thầu lớn nhỏ nhưng công tác triển khai thi công, xây dựng tập trung vào 4 gói thầu chính: Gói thầu số 1: Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá; Gói thầu số 2: Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; Gói thầu số 3: Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ; Gói thầu số 4: Xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới.

Trong quá trình thi công, dự án đã gặp nhiều vấn đề phát sinh không lường trước dẫn đến chậm trễ kéo dài, đồng thời phát sinh chi phí.

Sông Tô Lịch, là một nhánh chảy từ sông Cái (nay là sông Hồng) và có kết nối với Hồ Tây. Thời kỳ nhà Nguyễn, sông Hồng đã thay đổi dòng chảy và không còn chảy vào sông Tô, khiến cửa sông Tô bị nạn bồi lấp.

Đến năm 1889, người Pháp đã tiến hành lấp một phần của sông Tô để xây dựng 36 phố phường. Sau khi hai cửa sông bị chặn lại hoàn toàn, không còn liên kết với sông Hồng hay thông với Hồ Tây, sông Tô dần trở thành một con sông ô nhiễm nặng nề vì phải chứa lượng nước thải khổng lồ từ thành phố mà dòng chảy lại không được khơi thông.

Con sông rộng lớn này, sau hơn 2000 năm lịch sử, trở thành một cống nước thải đen ngòm, không chỉ khiến Thủ đô mất đi một di sản tự nhiên quý giá mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cư dân xung quanh trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Hơn 20 năm qua, TP Hà Nội thí điểm nhiều giải pháp nhằm "hồi sinh" sông Tô Lịch, trong đó dự án giá trị nhất phải kể đến dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá



Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên