MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh Tây Nguyên duy nhất định hướng lên thành phố trực thuộc TW vừa lập đỉnh mới về thu ngân sách

Số thu ngân sách ở tỉnh này liên tục có tăng trưởng qua các năm gần đây.

Tỉnh duy nhất khu vực Tây Nguyên định hướng lên thành phố trực thuộc TW có số thu ngân sách lập đỉnh mới - Ảnh 1.

Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, năm 2023, tỉnh này có số thu ngân sách nhà nước lập đỉnh mới, đạt 13.213 tỷ đồng, bằng 104,7% dự toán Trung ương, bằng 91,1% dự toán địa phương. 

Trong đó, thu thuế, phí, lệ phí đạt 7.550 tỷ đồng, đạt 102,5% dự toán Trung ương (DTTW), bằng 87,8% dự toán địa phương (DTĐP), bằng 90,3% cùng kỳ; thu từ đất, nhà đạt 2.933 tỷ đồng, bằng 97,4% DTTW, bằng 85,8% DTĐP, tăng 2% cùng kỳ; thu cấp quyền khai thác khoáng sản 120 tỷ đồng, bằng 109,1% DTTW, bằng 100% DTĐP, tăng 9% cùng kỳ; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 1.800 tỷ đồng, bằng 120% DTTW, bằng 112,5% DTĐP, tăng 31% cùng kỳ.

Theo Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu thu 63.189 tỷ đồng; từ năm 2021 đến nay, tỉnh thu đạt 38.915 tỷ đồng, bằng 61,6% tổng số thu theo Đề án, từ nay đến hết năm 2025 sẽ phấn đấu thu trên 24.274 tỷ đồng để hoàn thành và vượt chỉ tiêu của Đề án.

Ngoài thu ngân sách, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của Lâm Đồng tăng 5,63% so với cùng kỳ, xếp thứ 3 vùng Tây Nguyên sau Kon Tum và Đắk Nông. GRDP bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 1,1 tỷ USD.

Định hướng lên TP trực thuộc TW năm 2045 với 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện

Mới đây, Lâm Đồng được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Phấn đấu đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện. Ngoài ra, khu vực ngoại thành là một số thị trấn huyện lỵ và thị trấn thuộc huyện giữ vai trò là trung tâm huyện hoặc trung tâm các xã hoặc các cụm xã.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống với các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, như: Tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng; Sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc trung ương; Xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.

Tỉnh duy nhất khu vực Tây Nguyên định hướng lên thành phố trực thuộc TW có số thu ngân sách lập đỉnh mới - Ảnh 2.

Huyện Lâm Hà. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030 hệ thống đô thị của tỉnh gồm 17 đô thị; trong đó, có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định sẽ phát triển thêm 5 đô thị loại V.

Trong phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, quy hoạch đề ra các tiểu vùng động lực, gồm: Tiểu vùng I gắn với cao nguyên Lang Biang bao gồm: Đà Lạt (sáp nhập Lạc Dương) - Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà). Đây là vùng trọng điểm, có vai trò là khu vực động lực phát triển của tỉnh, là trung tâm du lịch cao cấp quốc gia có ý nghĩa quốc tế. Trong đó, TP Đà Lạt là hạt nhân của vùng, huyện Đức Trọng san sẻ chức năng trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh với TP Đà Lạt.

Tiểu vùng II gắn với cao nguyên Di Linh bao gồm: Di Linh - Đam Rông - Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh). Trong đó, thị trấn Di Linh là hạt nhân của vùng. Đây là vùng sản xuất cây công nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch; là vùng đệm sinh thái trung chuyển giữa tiểu vùng I và tiểu vùng II, trong đó đô thị Di Linh là trung tâm của vùng.

Tiểu vùng III gắn với cao nguyên Bảo Lộc bao gồm: Bảo Lộc - Bảo Lâm - Đạ Huoai mới (Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên hiện hữu). Trong đó, TP Bảo Lộc là hạt nhân của tiểu vùng. Đây là tiểu vùng kinh tế, động lực phía Tây Nam tỉnh, là đầu mối kết nối phát triển kinh tế - xã hội với các huyện trong tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, là vùng trọng tâm của tỉnh về phát triển du lịch sinh thái cảnh quan rừng, du lịch hỗn hợp, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí có cá cược; phát triển ngành công nghiệp chế biến bauxit - alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, công nghiệp năng lượng, vùng sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp chất lượng cao như: Điều, sầu riêng, cao su...

Nhật Minh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên