Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội đội vốn gấp đôi, chậm tiến độ: Ai chịu trách nhiệm?
Lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) qua từng thời kỳ phải chịu trách nhiệm vì chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu dẫn đến dự án Metro Nhổn-ga Hà Nội bị kéo dài, làm tăng chi phí thực hiện dự án
- 09-12-2023Vì sao dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội “co giãn” ngày về đích?
- 28-08-2023Ngắm nhà ga đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội
- 29-07-2023Metro Nhổn - ga Hà Nội 'vỡ' tiến độ 12 năm, dự kiến 2027 mới về đích
Thanh tra TP Hà Nội vừa có kết luận thanh tra một số nội dung tại Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn-ga Hà Nội (Metro Nhổn-ga Hà Nội).
Thanh tra TP Hà Nội cho biết theo hồ sơ tài liệu do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cung cấp cho Đoàn Thanh tra về việc lập thẩm định, phê duyệt dự toán và việc ký hợp đồng điều chỉnh giá giữa chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện gói thầu CP01 và gói thầu PC02.
Tại thời điểm điều chỉnh giá gói thầu CP01 và gói thầu PC02, chủ đầu tư (MRB) chưa thực hiện việc lập dự toán điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp, hệ số điều chỉnh hoặc phương pháp điều chỉnh bằng chỉ số giá xây dựng theo quy định, dẫn tới việc thanh toán, quyết toán gói thầu CP01, CP02 chưa chính xác. Trách nhiệm thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.
Về việc ký hợp đồng với nhà thầu khi chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) theo đúng tiến độ, chưa xác định được kế hoạch bàn giao mặt bằng, di chuyển chướng ngại vật nhưng không thương thảo để điều chỉnh kế hoạch bàn giao mặt bằng, Thanh tra TP Hà Nội cho biết về cơ bản UBND các quận: Cầu Giấy, Bắc từ Liêm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm đã thực hiện trình thự thủ tục GPMB bồi thường bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định và chỉ đạo của UBND TP. Tuy nhiên, về tiến độ thời gian GPMB còn chậm. Trách nhiệm thuộc UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và các đơn vị có liên quan trong công tác chậm GPMB để thực hiện dự án qua từng thời kỳ.
Dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội đội vốn, chậm tiến độ: Chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm
Về việc di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án, Thanh tra TP Hà Nội cho biết công tác di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án vẫn chưa thực hiện xong dẫn đến dự án tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội bị kéo dài. Theo báo cáo của MRB, việc di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật theo các hợp đồng chưa thực hiện xong do việc di chuyển phụ thuộc vào tiến độ thi công của các gói thầu của dự án. "Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo MRB qua từng thời kỳ từ năm 2013-2022" - Thanh tra TP Hà Nội nêu rõ.
Về việc ký bàn giao mặt bằng của MRB cho nhà thầu, để thực hiện dự án theo tiến độ thời gian UBND TP giao, MRB đã ký hợp đồng với các nhà thầu: Công ty Dealim-Hàn Quốc ngày 11-4-2014 (gói CP01), Posco E&C - Hàn Quốc ngày 14-8-2013 (gói CP02), Huyndai E&C (Hàn Quốc) và Ghella S.p.a (Italia) ngày 22-10-2015 (gói CP03).
Sau khi phát lệnh khởi công, MRB đã bàn giao mặt bằng từng phần cho nhà thầu: Gói thầu CP01 từ tháng 8-2014 đến 12-2015 (khoảng 16 tháng); gói thầu CP02 từ tháng 5-2014 đến 4-2020 (khoảng 6 năm). Đối với Gói thầu CP03, để tránh tình trạng chấm dứt hợp đồng theo quy định do chủ đầu tư không thể bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu HGU, MRB đã ký Biên bản ghi nhớ ngày 25-1-2017 với nhà thầu HGU về thời gian bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, việc bàn giao cho nhà thầu HGU không đạt theo mốc thời gian của biên bản ghi nhớ: Dốc hạ ngầm, phần công trường trên tuyến hầm, giếng thoát hiểm chậm 73 ngày; Ga S9: Hộp ga chính và kết cấu phụ trợ tại dải Bắc chậm 73 ngày; hộp ga chính và các kết cấu phụ trợ tại dài Bắc (Ga S10) chậm 1 năm 4 tháng; các kết cấu phụ trợ tại dải phía Nam (Ga S10) chậm 3 năm 10 tháng; phần hộp ga chính nằm trên đường Quốc Tử Giám (Ga S11) chậm 2 năm 10 tháng; các phần còn lại của Ga S11 chậm 3 năm 8 tháng; phần đầu tiên của hộp Ga chính S12 chậm 2 năm 8 tháng.
Một số hạng mục đến nay chưa bàn giao cho nhà thầu thi công, như: Giếng thông gió tại dải phía Nam (Ga S9) và một số kết cầu phụ trợ... là không thực hiện đúng theo quy định; không thực hiện đúng quy định tại điều 2.1 phần III chương III-2 hợp đồng với các nhà thầu: "Quyền tiếp cận công trường tối đa 30 ngày sau ngày khởi công".
Trong quá trình thương thảo hợp đồng, ký kết hợp đồng MRB đã không thương thảo với nhà thầu về điều khoản bàn giao mặt bằng từng phần và kế hoạch bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công là không thực hiện đúng theo Khoản 3 điều 108 Luật Xây Dựng...
Thanh tra TP Hà Nội cho biết việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu dẫn đến dự án bị kéo dài, làm tăng chi phí thực hiện dự án. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội qua từng thời kỳ (từ năm 2013-2022).
Thanh tra TP kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Nội vụ xem xét trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân để xảy ra các tồn tại nêu tại phần kết luận tham mưu UBND TP xử lý theo quy định.
Kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức kiểm tra rà soát lại các đơn giá áp dụng trong việc lập, thẩm định phê duyệt dự toán ban đầu đối với gói thầu số CP01, CP02 làm căn cứ để thực hiện việc điều chỉnh giá theo quy định đối với nhà thầu thực hiện gói thầu CP01 và gói thầu CP02, trên cơ sở kiểm tra, rà soát làm căn cứ để thanh toán, quyết toán với đơn vị thực hiện gói thầu CP01 và gói thầu CP02 được nêu tại phần 2 kết luận; khẩn trương thực hiện di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thực hiện dự án.
Năm 2009, thời điểm khởi công dự án, TP Hà Nội dự kiến khai thác thương mại tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội vào năm 2015. Thời điểm đó, dự án có tổng mức đầu tư là 783 triệu Euro (vốn vay 653 triệu Euro, đối ứng 130 triệu Euro).
Đến năm 2014, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1,176 tỉ Euro (vốn vay là 957,99 triệu Euro, đối ứng 218 triệu Euro). Tháng 5-2023, dự án tiếp tục được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 1,3 tỉ Euro; thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến 2027.
Người lao động