Vì sao dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội “co giãn” ngày về đích?
Sau 13 năm thi công, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội mới đạt khoảng 78% tiến độ. Trong đó, đoạn trên cao đạt khoảng 99%, đoạn ngầm mới đạt 36,5%.
- 08-12-2023Fitch nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”
- 08-12-2023Chiêm ngưỡng cây cầu 5.000 tỷ đồng sắp hoàn thành ở miền Tây - công trình khẳng định nội lực kỹ sư Việt
- 08-12-2023Kết luận của Kiểm toán, Đà Nẵng đã xử lý tài chính được hơn 2.200 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội 9 nguyên nhân (4 nguyên nhân chủ quan và 5 nguyên nhân khách quan) dẫn đến dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội chậm so với kế hoạch. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án đã được thành phố, các cơ quan hữu quan tập trung giải quyết từ tháng 10/2022. Và sau hơn 1 năm tạm dừng thi công vì không có mặt bằng, nhà thầu đã tiếp tục thi công các phần việc còn lại ở đoạn ngầm 4km vào đầu tháng 2/2023.
Đến nay, đoạn trên cao đã cơ bản hoàn thành xây lắp thiết bị (đạt khoảng 99,6%). Với 3 phần việc còn lại để đưa dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội vào vận hành như: Đào tạo nhân lực vận hành; tiến hành vận hành thử cho 57 kịch bản; thủ tục nghiệm thu dự án… đang được các bên liên quan tập trung thực hiện.
Ông Nguyễn Cao Minh cho biết: “Đối với đoạn ngầm, hiện nay nhà thầu đang nỗ lực xây dựng lại toàn bộ kế hoạch thi công ca kíp, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ vào năm 2027”.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, có chiều dài hơn 12km, được phê duyệt lần đầu vào năm 2006, tổng mức đầu tư 783 triệu Euro, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Nhưng đến tháng 9/2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội mới được UBND thành phố Hà Nội khởi công, kế hoạch hoàn thành được lùi đến năm 2015. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề vướng mắc, thi công cầm chừng, dự án tiếp tục xin lùi lại thời gian hoàn thành đến 2018, sau đó là năm 2022 và hiện nay là đến năm 2027.
Từ thực tế dự án đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội và một số dự án đường sắt đô thị trên địa bàn, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, sắp tới thành phố sẽ báo cáo Bộ Chính trị đề án riêng về phát triển loại hình giao thông này.
"TP sẽ báo cáo Bộ Chính trị về đường sắt đô thị để bảo đảm có cơ chế, cách làm riêng, nguồn lực riêng một cách tổng thể, phấn đấu hoàn thành 12 tuyến đường sắt đô thị. Có như vậy các vấn đề về đô thị, giao thông trong khoảng 20 năm nữa có cơ hội được giải quyết", ông Trần Sỹ Thanh cho biết.
VOV