Tỉnh thu du lịch 15.500 tỷ/năm muốn lên thành phố trung ương, trở thành "ngôi sao" Đông Nam Á trong 1 ngành
Tỉnh này đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,5% - 9%/năm.
Sáng 23/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.
Trước đó, Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/12/2023. Điểm chính của quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030 là Lâm Đồng sẽ thành tỉnh phát triển khá toàn diện, xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm Đông Nam Á.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện. Ngoài ra, khu vực ngoại thành là một số thị trấn huyện lỵ và thị trấn thuộc huyện giữ vai trò là trung tâm huyện hoặc trung tâm các xã hoặc các cụm xã.
Quy hoạch có đề cập việc mở rộng TP Đà Lạt bằng cách sáp nhập TP Đà Lạt hiện hữu và huyện Lạc Dương. Và mở rộng TP Bảo Lộc khi nhập 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân.
Huyện Đạ Huoai mới cũng dự kiến thành lập trên cơ sở huyện Đạ Huoai hiện hữu với huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Đến năm 2030, Lâm Đồng mong muốn trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Trong đó, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế; trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.
Tham chiếu năm 2023, Lâm Đồng đón hơn 8,6 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,8% kế hoạch năm 2023). Doanh thu từ du lịch năm 2023 của Lâm Đồng là hơn 15.500 tỷ đồng.
Lâm Đồng được đầu tư hàng loạt hạ tầng giao thông
Trong thời gian tới, Lâm Đồng xác định một số dự án trọng tâm, trọng điểm: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối vàng; Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Cao tốc Nha Trang - Liên Khương (CT.25); Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E.
Cùng đó là Tổ hợp nhà máy tuyển bauxite và chế biến alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; Khu đô thị Liên Khương Prenn; Khu đô thị phía Đông Đà Lạt; Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc…
Về mạng lưới giao thông tương lai, Quy hoạch 19 tuyến đường tỉnh, trong đó có 9 tuyến hiện hữu, điều chỉnh, 10 tuyến bổ sung mới. Cụ thể, 10 tuyến đường tỉnh bổ sung mới: ĐT.723, ĐT.724B, ĐT.725C (tránh Tà Nung), ĐT.725D, ĐT.726B, ĐT.726C, ĐT.727, ĐT.728, ĐT.728B, ĐT.730.
Quy hoạch tuyến đường kết nối giữa Cảng hàng không Liên Khương và Cảng cạn Đức Trọng, Trung tâm logistics Đức Trọng với đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (CT.27), tuyến đi giáp hàng rào ranh giới phía Nam và phía Đông Cảng hàng không Liên Khương.
Về đường sắt, xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Nâng cấp cảng hàng không Liên Khương về quy mô, cấp sân bay; công suất thiết kế; diện tích đất thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý, quy hoạch đề cập việc phát triển hạ tầng thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) ở các đô thị. Trong đó, hình thành trung tâm hội chợ triển lãm tại thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và phát triển các khu, trung tâm thương mại trên địa bàn các huyện, thành phố.
Đời sống Pháp luật