MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận

Theo Quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương với 7 thành phố nội thành.

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 1.

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 2.

Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, có diện tích trên 12.000 km2, trong đó 6.206,9 km2 đất liền, dân số đạt 1,338 triệu người (2020). Đây là một trong 3 địa phương có tỷ lệ tăng đô thị hoá cao, từ 53,9% lên 66,65% trong giai đoạn 2010-2019, hơn mức trung bình cả nước (35,74%). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 của Quảng Ninh ước đạt 10,28%, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng Sông Hồng, xếp 13/63 các tỉnh, thành. Tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 54.831 tỷ đồng. Thực trạng phát triển này mở ra nhiều cơ hội và thách thức, vì vậy, việc thực hiện mới một quy hoạch đô thị nhằm đáp ứng quy mô dân số, mở rộng không gian cho các hoạt động kinh tế - xã hội được xem là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. ‏ ‏Ảnh: Trường Hùng.‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 3.

Theo Quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương với 7 thành phố nội thành (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn). Tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh cũng được phân thành 3 vùng lớn: (1) Vùng kinh tế tổng hợp phía Tây với trung tâm là thành phố Hạ Long, (2) Vùng phát triển đột phá du lịch với trung tâm là Vân Đồn, (3) Vùng kinh tế cửa khẩu với trung tâm là thành phố Móng Cái. Các vùng đô thị của Quảng Ninh hầu hết phân bố tại khu vực ven biển. Hình thái phát triển đô thị chủ yếu phát triển theo tuyến, nằm trên các tuyến giao thông của tỉnh hoặc quốc gia, nơi có điều kiện xây dựng hoặc nằm trong vùng tài nguyên về du lịch, khai thác mỏ, công nghiệp… ‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 4.

Vùng kinh tế tổng hợp phía Tây với trung tâm là thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên, Đông Triều. Vùng này tập trung quy mô dân số đông nhất tỉnh, khoảng 1,9 triệu người, diện tích khoảng 3.028 km2. Đây là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh Quảng Ninh, với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, cảng biển, các ngành năng lượng sạch... Trong ảnh là trung tâm Hạ Long, thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (1.119,2 km2), địa phương duy nhất cả nước có danh thắng thiên nhiên được UNESCO 2 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long). ‏ ‏Ảnh: Trường Hùng.‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 5.

Nếu Hạ Long đóng vai trò là trung tâm chính trị - hành chính, du lịch - dịch vụ, thì Cẩm Phả lại là vùng công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, đô thị điển hình trong việc cụ thể hoá phương thức phát triển theo định hướng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh. Thành phố có diện tích 486 km2, dân số 190.000 người (số liệu năm 2019). Trong năm 2022, Cẩm Phả thu ngân sách kỷ lục, đạt hơn 20.429 tỷ đồng. Qua đó, đây là thành phố trực thuộc tỉnh thu ngân sách cao nhất cả nước, nhỉnh hơn Thủ Đức (20.071 tỷ) và gần gấp 3 lần Hạ Long (hơn 7.000 tỷ). Khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng duy trì đà tăng trưởng 12%, là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Ảnh Cường PN.‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 6.

Ngoài 2 thành phố chủ lực, Quy hoạch tăng cường liên kết vùng, giữa thành phố Hạ Long với động lực phát triển mới là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và thành phố Hải Phòng nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo và cảng biển - logistics. Trong ảnh là cầu Bạch Đằng nối thị xã Quảng Yên và quận Hải An (thành phố Hải Phòng). Cây cầu giúp rút ngắn hơn 50 Km tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, liên kết tuyến cao tốc liên hoàn Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn - Móng Cái, tạo điều kiện giải phóng toàn bộ tiềm năng của vùng. ‏ ‏Ảnh: Quang Mạnh.‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 7.

Phân vùng thứ hai phát triển đột phá du lịch gồm Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên và Ba Chẽ với diện tích khoảng 4.145 km2, quy mô dân số khoảng 323,5 nghìn người. Đây sẽ là vùng kinh tế du lịch bền vững, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp, trong đó Vân Đồn là trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam. Trong đó, trung tâm Vân Đồn là huyện đảo duy nhất ở Việt Nam có hệ thống giao thông phát triển với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, cảng Cái Rồng và cảng Ao Tiên. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 31,4%, thu ngân sách 1.155 tỷ đồng. Trong ảnh là một vùng nuôi hải sản ở huyện Vân Đồn.‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 8.

‏Về ngành du lịch chủ lực, khu vực đảo Cái Bầu được xem là trung tâm, phát triển đa dạng các loại hình như du lịch biển, núi và đô thị mang tầm cỡ quốc tế. Trong ảnh là chùa Cái Bầu, địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở huyện Vân Đồn, có diện tích 20 ha, được xây dựng trên nền một ngôi chùa cổ thời Trần. Ngoài ra, Vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn) và quần đảo Cô Tô là điểm đến du lịch sinh thái dành riêng cho phân khúc du khách thu nhập cao, với các hoạt động khám phá và dịch vụ lưu trú hạng sang nhằm đáp ứng nhu cầu cho thị trường ngách. ‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 9.

Nhiều dự án hạ tầng - giao thông đã được đầu tư tại Vân Đồn, giúp du lịch cất cánh. Trong ảnh là sân bay Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư xây dựng bởi tập đoàn Sun Group. Sân bay có công suất 2,5 triệu khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Đường băng sân bay dài 3,6 km, rộng 45m, đủ tiêu chuẩn đón những máy bay tiên tiến nhất thế giới. Hiện sân bay Vân Đồn có đường bay thẳng đến nhiều thành phố lớn của Việt Nam như Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM, Cần Thơ và nhiều nước trên thế giới như Singapore, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản… ‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 10.

Cuối cùng, vùng kinh tế cửa khẩu với trung tâm là thành phố Móng Cái và các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu có diện tích khoảng 2.671 km2, dân số ước tính gần 420.000 người. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á, hỗ trợ bởi hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn như Hải Hà, Vạn Ninh. Trong ảnh là thành phố Móng Cái, thành phố duy nhất có đường biên giới với Trung Quốc cả trên bộ và trên biển. Tận dụng lợi thế này, thành phố đã phát triển mạnh hoạt động xuất nhập khẩu với giá trị hàng hoá lên tới 3,5 tỷ USD/năm. ‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 11.

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi diễn ra các hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hoá. Trong năm 2022, dù phía Trung Quốc tạm ngừng thông quan trong thời điểm dịch bệnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố vẫn đạt 3,5 tỷ USD. Trong quý 1 năm 2023, khi hoạt động xuất nhập khẩu chính thức được khôi phục thì đã có 351.000 tấn hàng và 189.000 người được thông quan, tăng 211% so với cùng kỳ năm 2022. Tương lai, Quy hoạch sẽ tăng cường liên kết Móng Cái - Hải Hà để hình thành đô thị lớn trung tâm vùng, hướng đến sáp nhập thành một đơn vị hành chính, trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. ‏

‏Tỉnh thu ngân sách hơn 50.000 tỷ/năm sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà không có quận - Ảnh 12.

Các phân vùng trong quy hoạch không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đầu tư hạ tầng - không gian, mà còn hướng đến sự phát triển bền vững, dựa vào vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Ngoài ra, tỉnh cũng lấy giáo dục và đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để tăng năng suất lao động, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Theo Phùng Tiên

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên