Tỉnh thu ngân sách lớn nhất Việt Nam đặt mục tiêu lên thành phố trực thuộc Trung ương
Địa phương này cũng có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt gần 13.000 USD/người/năm.
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Ðông Nam Bộ.
Theo quy hoạch, khu vực thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, huyện Long Ðiền, huyện Ðất Ðỏ được định hướng là khu vực dự kiến thành lập thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu trực thuộc Trung ương (khu vực nội thành) đạt tiêu chí đô thị loại I.
Ðể hiện thực hóa mục tiêu, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến sáp nhập huyện Long Ðiền và huyện Ðất Ðỏ thành một đơn vị; sắp xếp chín đơn vị hành chính cấp xã gồm: Sáp nhập các xã An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước (huyện Long Ðiền); sáp nhập phường Phước Trung, phường Phước Hiệp (thành phố Bà Rịa); sáp nhập xã Phước Hội và xã Lộc An; sáp nhập xã Long Mỹ và thị trấn Phước Hải (huyện Ðất Ðỏ).
Giai đoạn 2026-2030, Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính giữa thành phố Bà Rịa và thành phố mới Phú Mỹ trên cơ sở các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và bảo đảm cả hai đơn vị đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về quy mô diện tích và dân số theo quy định.
Theo quy hoạch, dự kiến Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn này sẽ sắp xếp sáu đơn vị hành chính cấp xã gồm: Ðiều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Phước Long Thọ và xã Long Tân (huyện Ðất Ðỏ); xã Hòa Hội và xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) và sáp nhập xã Phước Hưng vào thị trấn Long Hải. Ðến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Ðông Nam Bộ.
Cùng với đó, phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương trong vùng Ðông Nam Bộ và cả nước thông qua hành lang kinh tế Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu và vùng động lực phía nam. Phấn đấu, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) không tính dầu khí tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,1-8,6%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng (tương đương 18.000-18.500 USD).
Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: Công nghiệp-xây dựng khoảng 58-58,5% (trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP khoảng 40-43%); dịch vụ 29-29,5%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 6,0-6,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5-6,7%. Ðóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng năm 2030 đạt khoảng 56%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7%/năm.
Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, đẩy nhanh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35-37% GRDP. Phát triển mạnh kinh tế biển để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; tỷ trọng kinh tế biển bao gồm dầu khí khoảng 75% GRDP, nếu không tính dầu khí khoảng 60% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng hơn 72-75%, các đô thị hạt nhân được “thông minh hóa”.
Kinh tế năm 2023 khởi sắc
Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có sự cải thiện tăng dần theo từng quý, quý sau tăng cao hơn quý trước, cụ thể: Quý I tăng 1,45%; quý II tăng 3,74% và quý III tăng 9,06%, quý IV tăng 10,61%.
Quy mô GRDP ước năm 2023 là 366.456 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người là 308,7 triệu đồng/người/năm. Tính theo USD thì GRDP bình quân đầu người ước 12.908,7 USD/người/năm. GRDP trừ dầu khí bình quân đầu người đạt 8.078 USD/người/năm.
Ước tính cả năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 95.067 tỷ đồng, đạt hơn 107% dự toán (NQ cả năm là 88.591 tỷ đồng), bằng 84,82% so với năm 2022. Với số thu này, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh thu ngân sách lớn nhất Việt Nam, chỉ sau 3 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. HCM, Hà Nội và Hải Phòng.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng qua các tháng và cả năm khi một loạt các dự án đầu tư có giá trị lớn được khởi công hoặc tái khởi động trở lại.
Các khu công nghiệp đã thu hút được 29 dự án, tổng vốn đầu tư thu hút được quy đổi tương đương 1.776 triệu USD. Hiện, tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 56,29% trên tổng số 15 KCN và 66,47% trên 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Tổng giá trị đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp khoảng 987,1 tỷ đổng, đạt 85,83% kế hoạch năm và lũy kế đến nay là 20.587,6 tỷ đồng, đạt 63,5% so với vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động du lịch tăng trưởng ấn tượng, năm 2023 doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 13,77% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 72,09% so với năm 2022. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh khoảng 14,1 triệu lượt, tăng 15,27% so với năm 2022.
Năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút FDI mới 21 dự án và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 29 dự án. Tổng vốn đầu tư thu hút tăng thêm trong năm đạt khoảng 1.401,4 triệu USD, đạt 153,9% kế hoạch và tăng 91,67% so với năm 2022; trong đó: vốn đầu tư cấp mới là 893,1 triệu USD, tăng 221% so với năm 2022; vốn đầu tư tăng thêm là 508,3 triệu USD, tăng 12% so với năm 2022
Đầu tư trong nước; thu hút mới 28 dự án và điều chỉnh tăng vốn 15 dự án. Tổng vốn đầu tư thu hút tăng thêm trong năm đạt 28.695,6 tỷ đồng, đạt 142,28% kế hoạch; giảm 9,3% so với năm 2022; trong đó: vốn đầu tư thu hút mới là 13.822,6 tỷ đồng, giảm 10,9% so với năm 2022; vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm là 14.873 tỷ đồng, tăng 93,57% so với năm 2022.