Tình trạng dư thừa diesel ở châu Á sẽ kéo dài bao lâu?
Các nhà máy lọc dầu châu Á hiện phải cạnh tranh với Nga về doanh số bán dầu diesel, với lượng tồn kho dầu khí tại trung tâm Singapore đạt mức cao nhất trong hơn một năm.
- 07-08-2022Nhập khẩu dầu diesel của EU từ Nga tăng vọt - châu Âu làm cách nào từ bỏ năng lượng Nga?
- 04-08-2022Cuộc khủng hoảng dầu diesel còn lâu mới kết thúc
- 16-06-2022Góc 'làm giàu không khó': Nhập dầu 'đại hạ giá' từ Nga, bán lại dầu diesel sang châu Âu, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ kiếm bộn tiền
Dự trữ dầu diesel châu Á đã tăng mạnh trong những tuần gần đây do các nhà máy lọc dầu trong khu vực gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang các thị trường phía đông Suez, làm thu hẹp cơ hội vận chuyển dầu sang châu Phi – nơi đang tràn ngập dầu Nga.
Dự trữ diesel của châu Á tăng sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2, khiến nhiều lô dầu diesel của Nga chuyển hướng đến Bắc Phi và Châu Á, thay thế nguồn cung của châu Á.
Các nhà phân tích cho biết tình trạng dư cung sẽ ảnh hưởng đến giá giao ngay và mức cộng giá đối với nhiên liệu vận tải và công nghiệp ở châu Á trong thời gian tới, trong bối cảnh nhu cầu hạn chế ở trong khu vực và từ châu Âu, nơi mức tồn kho cũng cao.
Mức cộng giá dầu diesel tại Singapore so với giá tham chiếu quốc tế đã giảm trong hai tháng qua xuống còn 70-90 cent/thùng từ mức cao 1,60 USD/thùng vào giữa tháng Hai.
Lượng dầu diesel trong các kho dự trữ của Singapore tuần kết thúc vào ngày 15/3 đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm, là dấu hiệu cho thấy diesel trong khu vực đang được chuyển đến trung tâm pha trộn châu Á để lưu trữ tạm thời.
Chênh lệch giá diesel giao ngay tại châu Á.David Jorbenaze, nhà phân tích cấp cao của công ty phân tích và tư vấn ICIS cho biết: "Dự đoán là việc tích tụ (tồn kho) diesel sẽ kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, thời gian kéo dài sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng nhu cầu trên toàn cầu, chủ yếu là kinh tế ở các nước phương Tây”.
Trước lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga, Nga bắt đầu chuyển hướng vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ của mình sang Bắc Phi và Châu Á, thay thế nguồn cung từ phía đông Suez. Đồng thời, châu Âu đã bắt đầu mua thêm dầu diesel và các loại nhiên liệu khác từ Trung Đông, châu Á và Bắc Mỹ để thay thế số dầu lẽ ra nhập từ Nga. Trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 5/2, châu Âu nhập khẩu khoảng 600.000 thùng diesel Nga mỗi ngày.
Xuất khẩu diesel của Nga sang các thị trường châu Phi, bao gồm Tunisia, Maroc và Ai Cập đã tăng đều đặn kể từ tháng 12, với lượng xuất khẩu trong tháng 3 ước tính đạt trên 1,15 triệu tấn, mức chưa từng thấy trong 4 năm qua, dữ liệu theo dõi vận chuyển từ Refinitiv và Vortexa cho thấy.
Dữ liệu ước tính cũng cho thấy lượng dầu diesel của Nga đến khu vực phía đông Địa Trung Hải ở mức trên 1,3 triệu tấn, bằng hoặc cao hơn so với khối lượng của tháng Hai.
Reuters đưa tin, trích dẫn các nguồn tin thương mại và dữ liệu vận chuyển từ Refinitiv cho hay Nga được cho là đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu diesel sang Saudi Arabia bằng cả vận chuyển trực tiếp và vận chuyển từ tàu này sang tàu khác (STS). Bằng việc sử dụng hình thức bốc xếp STS, Nga đang rút ngắn lộ trình cho các tàu chở dầu đến Châu Phi và Châu Á sau khi bị cấm xuất khẩu nhiên liệu sang EU.
Xuất khẩu diesel của Nga sang châu Phi.Nguồn cung diesel dồi dào từ Trung Đông và Ấn Độ gia tăng hướng đến các thị trường Nam Á như Bangladesh và Sri Lanka trong bối cảnh thiếu vắng hoạt động kinh doanh chênh lệch giá với châu Âu và “Kuwait bắt đầu khởi động tại nhà máy lọc dầu Al Zour khiến cho xuất khẩu của Trung Đông và Ấn Độ sang châu Á càng bị hạn chế.
Dữ liệu của Refinitiv và Vortexa cho thấy xuất khẩu diesel của Bắc và Đông Nam Á sang tây bắc châu Âu đã giảm trong tháng 1 và tháng 2, từ mức cao kỷ lục của quý 4 năm 2022 xuống trung bình 230.000-280.000 tấn mỗi tháng.
Hầu hết các lô hàng từ châu Á giao trong tháng 3 và tháng 4 đang hướng đến các bể chứa ở Singapore hoặc Malaysia để giao hàng theo hợp đồng, một nhà máy lọc dầu ở Đông Bắc Á cho biết, với lý do nhu cầu của người sử dụng cuối nguồn mờ nhạt.
Nhập khẩu diesl trung bình hàng tháng của cả 2 nước trong quý đầu tiên ở mức 1,47 triệu tấn, tăng từ 1,35 triệu tấn mỗi tháng trong quý IV năm 2022.
Dữ liệu của Vortexa cho thấy lượng diesel dự trữ trên tàu ở Singapore và Malaysia cũng đạt mức cao nhất trong một năm vào đầu tháng 3, là 480.000 tấn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết tình trạng dư thừa dầu diesel ở châu Á dự kiến sẽ không kéo dài quá vài tháng do nhu cầu trong nửa cuối năm nay sẽ tăng đột biến.
Theo đó, một số người tham gia thị trường hy vọng nhu cầu sẽ cải thiện ngay trong tháng 4 để hấp thụ một phần nguồn cung, trong khi Singapore vẫn còn chỗ để dự trữ, với lượng tồn kho hiện tại thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của năm 2020 là 16,6 triệu thùng.
Các thương nhân cho biết dự đoán xuất khẩu từ Trung Quốc giảm trong tháng 3 do dự trữ trong nước trước mùa quay vòng của nhà máy lọc dầu cũng có thể sẽ làm dịu đi tình trạng dư cung trong khu vực trong những tuần tới.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh chênh lệch giá với châu Âu có thể tăng lên nếu nhu cầu tăng trở lại và nếu các cuộc đình công ở Pháp kéo dài, điều này sẽ làm giảm nguồn cung, một thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết thêm.
Tham khảo: Refinitiv
Nhịp sống thị trường