MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình trạng thiếu việc làm báo động ở TQ: Học giỏi cũng thất nghiệp hàng loạt, sinh viên ra trường bơ vơ vì tỉ lệ xin việc "1 chọi 100"

30-12-2022 - 09:48 AM | Tài chính quốc tế

Tình trạng thiếu việc làm báo động ở TQ: Học giỏi cũng thất nghiệp hàng loạt, sinh viên ra trường bơ vơ vì tỉ lệ xin việc "1 chọi 100"

Nền kinh tế Trung Quốc trì trệ đang khiến nhiều người trẻ thất nghiệp, tạo ra ít triển vọng việc làm hoặc kỳ vọng thu nhập cao mà thế hệ trước đó được hưởng trong thời kỳ bùng nổ kinh tế.

Ít triển vọng nghề nghiệp

Mandy Liu, một sinh viên đại học 21 tuổi ở Bắc Kinh, cảm thấy tương lai của mình đang bấp bênh hơn bao giờ hết.

Các biện pháp phòng dịch Covid chặt chẽ đang khiến cơ hội việc làm giảm sút nghiêm trọng. Chuẩn bị tốt nghiệp vào năm tới với tấm bằng quản lý du lịch, Mandy Liu đã nộp hơn 80 đơn xin việc nhưng không nhận được một lời đề nghị phỏng vấn nào.

Thị trường việc làm ảm đạm với quá nhiều ứng viên cho quá ít việc làm có thể đồng nghĩa với việc nền kinh tế thịnh vượng trong nhiều thập kỷ của Trung Quốc có thể sẽ sớm vuột khỏi tầm với của nhiều người trẻ tuổi.

Giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn gần với mức cao nhất được ghi nhận, có tới khoảng 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang chuẩn bị gia nhập lực lượng lao động vào năm tới.

Tình trạng thiếu việc làm báo động ở TQ: Học giỏi cũng thất nghiệp hàng loạt, sinh viên ra trường bơ vơ vì tỉ lệ xin việc 1 chọi 100 - Ảnh 1.

Triển vọng nghề nghiệp sụt giảm đã khiến nhiều thanh niên thất vọng. Các sinh viên vốn tin rằng nếu học tập chăm chỉ, họ có thể tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn như thời cha mẹ của mình đã trải qua khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ.

Max Zenglein, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, cho biết: "Sinh viên được hứa rằng nếu học hành chăm chỉ, họ sẽ có một công việc lương cao. Điều đó không còn thành hiện thực nữa".

Phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "một quốc gia sẽ chỉ thịnh vượng khi những người trẻ tuổi được phát triển."

Ông Tập lặp lại quan điểm này vào tháng 10 trước khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3, nói thêm rằng giới trẻ Trung Quốc "tràn đầy tinh thần lạc quan và dám nghĩ dám làm hơn."

Tuy nhiên, nhiều người trẻ tại nước này đang không có việc làm và dịch bệnh cũng hạn chế cơ hội để giới trẻ đi làm, du lịch và giao tiếp xã hội.

Vào tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 đạt gần 20% - mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố con số vào năm 2018. Tỷ lệ này đã giảm xuống nhưng vẫn cao gấp 3 lần mức trung bình quốc gia.

Những sinh viên tốt nghiệp có việc làm ổn định được trả ít hơn. Theo một cuộc khảo sát của trang web việc làm Zhaopin của Trung Quốc, mức lương trung bình hàng tháng cho những sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 tìm được việc làm thấp hơn 12% so với những gì sinh viên tốt nghiệp năm 2021 nhận được.

Việc thiếu các lựa chọn sau đại học đã trở nên tồi tệ đến mức khi một doanh nhân nổi tiếng khuyên sinh viên nên dành một "năm nghỉ phép" để đi du lịch ở Trung Quốc, video đã lan truyền nhanh chóng và bị chỉ trích nặng nề vì không liên quan đến những thách thức mà những người trẻ tuổi phải đối mặt ở Trung Quốc.

Khi có ít việc làm trong lĩnh vực tư nhân, những người trẻ tuổi buộc phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế được coi là ít hấp dẫn hơn trong thời kỳ bùng nổ. Đã có một số lượng kỷ lục các ứng viên nộp đơn vào các trường sau đại học, các vị trí giảng dạy và các công việc nhà nước.

Thách thức cho giới trẻ

Tháng trước, Trung Quốc hoãn kỳ thi Công chức quốc gia trong bối cảnh số ca nhiễm Covid gia tăng. Các công việc Công chức được coi là một trong những công việc ổn định nhất trong cả nước.

Alice Li, 23 tuổi, đang chuẩn bị cho kỳ thi khi nó được tổ chức lại. Cô sẽ nằm trong số 2,6 triệu đơn đăng ký để giành được 37.100 việc làm — tương đương tỉ lệ chọi khoảng 1 trên 70 cho mỗi vị trí.

Cô Li vốn đang làm việc tại một công ty khởi nghiệp công nghệ ở Thượng Hải. Vào lúc đỉnh điểm của đợt bùng phát Covid, sếp của cô thông báo rằng công ty phải sa thải 30% nhân viên, bao gồm cả cô. Sau khi mất công việc tiếp thị, cô đã chuẩn bị cho kỳ thi Công chức - một lựa chọn mà cô chưa bao giờ cân nhắc cho đến khi cảm thấy chán nản vì thất nghiệp.

"Chúng tôi tìm được một công việc phù hợp đã khó, ở lại càng khó hơn," cô Li nói.

Thị trường lao động của Trung Quốc đã phải vật lộn để bắt kịp với lượng sinh viên đại học tốt nghiệp. Trong hai thập kỷ qua, số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần.

Elsa Han, 21 tuổi, muốn làm việc cho một công ty công nghệ sau khi tốt nghiệp vì cô không thích văn hóa công sở tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc văn phòng nhà nước. Cô nói, lý tưởng nhất là cô muốn có một vị trí toàn thời gian với tập đoàn internet lớn nơi cô ấy đang thực tập. Cô cho biết cơ hội rất mong manh vì ước tính có hơn 100 thực tập sinh nộp đơn cho một vị trí còn trống mà cô cũng đang để mắt đến.

Còn trong trường hợp không thể giành được vị trí này, Han dự định sẽ đi du lịch và thử xin việc làm ở nước ngoài.

Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên