MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tố chất cần phải có nhất của người thành công là gì?

11-02-2019 - 21:49 PM | Sống

Trí tuệ lớn đến đâu cũng không thể bù đắp được lỗ hổng về đạo đức. Đó là sự thật!

01

Trong một "Talk show" truyền hình, khách mời là một doanh nhân trẻ nổi tiếng, thành đạt. Trước lúc kết thúc chương trình, người dẫn đưa ra câu hỏi cuối cùng: "Xin ông cho biết với một người thành công thì tính cách nào là quan trọng nhất?". Im lặng suy nghĩ một lát, vị khách mời không trả lời trực tiếp câu hỏi mà kể lại câu chuyện nhỏ sau:

12 năm trước, có một chàng thanh niên vừa tốt nghiệp trung học đặt chân tới nước Pháp, bắt đầu cuộc sống du học sinh vừa học vừa làm. Khi đã dần quen với cuộc sống nơi đây, cậu bỗng phát hiện điểm bán vé xe bus gần nơi mình ở là hoàn toàn tự động. Nghĩa là bạn hoàn toàn chủ động trong việc mua vé, trả tiền, chọn điểm đến, quãng đường dài ngắn. Không hề có cửa soát vé, cũng không có nhân viên kiểm tra. Thậm chí chuyện kiểm tra ngẫu nhiên cũng rất hiếm khi xảy ra.

Cậu thanh niên phát hiện ra sơ hở trong cách quản lý này, cũng có thể trong mắt cậu đó là một lỗ hổng có thể lợi dụng. Vốn tính thông minh, cậu liền tính ngay ra được xác suất chính xác như sau: Tỷ lệ trốn vé bị phát hiện chỉ là: 3/10.000, nghĩa là cứ 10 nghìn người trốn vé thì mới có 3 người bị phát hiện.

Lợi dụng sơ hở này, cậu thường xuyên đi xe trốn vé. Cậu cũng tự tìm ra một lý do để an ủi là mình vốn chỉ là một học sinh nghèo, có thể tiết kiệm một khoản chi tiêu cũng tốt.

4 năm trôi qua, cậu thanh niên ngày nào giờ đã là cử nhân cầm trên tay tấm bằng xuất sắc của một trường đại học nổi tiếng. Cậu hứng khởi, nộp đơn ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia có danh tiếng ở Paris. Trong buổi phỏng vấn, cậu rất tự tin giới thiệu thành tích học tập của bản thân. Cậu cũng biết những công ty này đều đang tích cực phát triển thị trường ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, đi đến đâu cậu cũng gặp phải một tình huống tương tự. Ban đầu, các công ty đều chào đón cậu rất nhiệt tình. Nhưng chỉ sau vài ngày tất cả đều lịch sự từ chối cậu. Nhiều lần như thế làm cậu vừa ngạc nhiên, vừa bực bội. Cậu còn nghĩ rằng các công ty ấy phân biệt đối xử, coi thường và bài trừ người Trung Quốc.

Tố chất cần phải có nhất của người thành công là gì? - Ảnh 1.

Lần cuối cùng, không thể nhẫn nhịn, cậu tới gặp giám đốc nhân sự của công ty đã ứng tuyển, yêu cầu vị giám đốc nhân sự nói cho mình biết một lý do hợp lý. Câu trả lời thực đã khiến cậu vô cùng sửng sốt.

Giám đốc nhân sự: "Thưa anh, chúng tôi không kỳ thị mà ngược lại còn rất coi trọng anh. Mục tiêu phát triển của chúng tôi chính là thị trường Trung Quốc. Những nhân tài bản địa có thể giúp chúng tôi hoàn thành tâm nguyện này. Khi nhìn bảng CV của anh, nhìn vào kinh nghiệm học tập và khả năng của anh chúng tôi thực sự ấn tượng và có hứng thú. Thật lòng mà nói, anh chính là người mà chúng tôi đang cần tìm". 

Chàng thanh niên: "Vậy xin hỏi ông vì sao quý công ty lại không cho tôi một cơ hội, không trọng dụng thu nhận hiền tài như thế?".

Giám đốc nhân sự: "Có một việc khá tế nhị. Khi kiểm tra lịch sử thẻ tín dụng của anh, chúng tôi phát hiện anh từng bị xử phạt 3 lần vì đi xe bus công cộng lậu vé".

Chàng thanh niên: "Tôi không phủ nhận việc đó nhưng lẽ nào chỉ vì một việc nhỏ như vậy mà các ông có thể bỏ qua một nhân tài từng được đăng luận văn trên báo?".

Giám đốc nhân sự: "Anh nghĩ đó là việc nhỏ sao? Tôi lại không nghĩ thế. Chúng tôi biết rằng, lần đầu anh trốn vé là sau khi tới Pháp 1 tuần. Nhân viên soát vé tin lời giải thích khi đó của anh rằng mình chưa quen với hệ thống mua vé tự động ở nước chúng tôi. Họ chấp nhận cho anh mua vé bù. Nhưng sau đó anh vẫn tiếp tục đi lậu vé 2 lần khác nữa".

Chàng thanh niên: "Lúc đó túi tôi không có tiền lẻ"

Giám đốc nhân sự: "Không! Không thưa anh. Tôi không đồng ý với cách giải thích này của anh. Chắc anh đang cố tình thử thách chỉ số thông minh của tôi? Tôi tin rằng trước khi bị kiểm tra và phát hiện, có lẽ anh đã trải qua vô số lần đi xe bus trốn vé như vậy".

Chàng thanh niên: "Vậy cũng không có nghĩa là tôi phải chịu tội này tới khi chết mà. Sao các ông quá lấy làm nghiêm túc như vậy? Sau này tôi thay đổi không được sao?".

Giám đốc nhân sự: "Không thưa anh, qua sự việc này có thể chứng minh hai điểm:

Thứ nhất: Anh là người không tôn trọng quy tắc. Không những vậy anh còn cố ý tận dụng sơ hở trong quy tắc của pháp luật vì mưu đồ cá nhân.

Thứ hai: Anh là người không đáng để tin tưởng. Có rất nhiều việc của công ty chúng tôi cần đến sự tín nhiệm và tin tưởng. Người không có được điều này thì không thể giao phó. Nếu anh phụ trách phát triển thị trường ở một khu vực nào đó, công ty sẽ phải giao phó ủy quyền cho anh rất nhiều quyền hạn. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi không thể lập nên một bộ máy giám sát phức tạp mà chỉ có thể hoạt động giống như hệ thống giao thông công cộng tự động. Nghĩa là đề cao sự tự giác chấp hành của cá nhân.

Những lý do ấy đã quá đủ để nói lên rằng anh không phù hợp với công ty này. Thậm chí có đi khắp Châu Âu, anh cũng sẽ không tìm được một nơi nào có thể tuyển dụng anh".

Lúc này, chàng thanh niên nọ mới như bừng tỉnh cơn mê, cảm thấy hối hận khôn cùng. Tuy nhiên điều làm cậu thật sự có cảm giác sợ hãi là câu nói cuối cùng của vị giám đốc kia: "Đạo đức thường có thể bù đắp những thiếu hụt của trí tuệ tuy nhiên trí tuệ vĩnh viễn không thể khoả lấp nổi những lỗ hổng cho đạo đức"

Tố chất cần phải có nhất của người thành công là gì? - Ảnh 2.

02

Thông thường phong cách sống, đạo đức sống tương ứng với trình độ học vấn. Ít thấy trường hợp người có trình độ văn hóa cao mà lại sống theo một phong cách thấp hèn hoặc ngược lại.

Song trên thực tế, cũng có không ít nghịch lý diễn ra. Người có trình độ văn hóa cao, thậm chí là giáo sư tiến sĩ nhưng trong cuộc sống lại có những biểu hiện quá tồi tệ, làm cho nhiều người kinh ngạc.

Ở một cơ quan nọ, có một người đường đường là một phó giám đốc, có học hàm học vị cao nhất cơ quan nhưng chẳng có chút uy tín nào chỉ vì trong cuộc sống anh có quá nhiều lệch lạc, nhỏ nhen, tầm thường. Trước đông người, anh hay vỗ ngực ta đây đã từng bảo vệ xuất sắc luận án này luận án nọ, khi tranh cãi với ai, anh thường dùng những từ "ngu dốt, văn hóa ngắn, trình độ lùn, cái đầu củ đậu" để miệt thị người có ý kiến trái ngược mình, ăn uống thì phàm phu trông đến bệ rạc. Một con người có địa vị, học hàm, học vị như thế mà khi tiếp khách quan trọng, giám đốc không dám mời anh ta tham dự.

Điều đó cho thấy rõ rằng, phong cách sống của con người không chỉ phụ thuộc vào trình độ hiểu biết mà còn chịu ảnh hưởng không ít đến ý thức tu tỉnh đạo đức, tác phong, thái độ. Muốn có một phẩm chất cao đẹp đòi hỏi con người phải phấn đấu toàn diện. Có học vấn cao mà đạo đức yếu kém, tác phong thái độ lệch lạc thì uy tín cũng không thể cao được.

Người xua đúc kết rằng: Đức dày mới chính là phúc khí lớn nhất của đời người. Có đức một phần là có phúc một phần, có đức mười phần thì cũng có phúc mười phần. Đức ấy giống như mạch nước ngầm dưới lòng sông, có sức mạnh vô cùng to lớn nhưng trên bề mặt lại không chút gợn sóng.

Thực tế, người có đạo đức cũng chính là người thông minh thực sự, ai cũng muốn kết giao làm ăn, hợp tác. Ở gần họ, người khác cảm thấy thoải mái, yên ổn, cảm nhận mình được tôn trọng, tin cậy.

Bởi vậy, người đức dày có thể kết thiện duyên được với nhiều người, qua đó tích tụ được phúc báo, thuận lợi trong mọi chuyện dù là trên đường làm người hay làm việc.

Bởi vậy, khi kết bạn với những người có đạo đức, có nguyên tắc, bạn cũng không cần phải nghĩ cách đề phòng họ.

Tố chất cần phải có nhất của người thành công là gì? - Ảnh 3.

Biểu hiện của một người có đạo đức, nên kết giao trong đời:

- Là một người chân thật: Bản tính chân thật là kho báu trời sinh của mỗi người. Một người có bản tính chân thật, tấm lòng chân thành thì khi đối xử với người nhà sẽ đạt đến mức “chí thân, chí hiếu, chí tình, chí thâm, ” (thân nhất, hiếu thảo nhất, yêu thương nhất và sâu sắc nhất). Còn khi đối với bạn bè, họ sẽ không có tâm tính toán, mưu mô mà luôn trong sáng vô tư và hết lòng. Đối với người khác, họ sẽ có thể khoan dung rộng lượng, không so đo thiệt hơn.

- Là người có nguyên tắc, nghiêm khắc với chính mình: Tự ràng buộc, hạn chế bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống. Trong lòng họ luôn vững như dãy trường thành, có thể ngăn chặn được sóng cao vạn trượng.

- Là một người bình tĩnh: “Tĩnh” không phải là im lặng, mà chính là ở trong động mà có thể giữ được tâm thái căn bằng. Nó là một loại trạng thái nội tâm, thông qua tự thân điều tiết mà có. Người có tâm bình tĩnh có thể nhảy thoát ra khỏi mọi sự mê hoặc của cạm bẫy, không tham lam trước vòng xoáy tiền bạc, hiểu rõ chân giá trị của bản thân và các sự vật, hiện tượng xung quanh.

- Can đảm đối mặt với khó khăn: Khốn cảnh không đáng sợ mà điều đáng sợ chính là mất đi lòng tự tin, mất đi ý chí của bản thân. Trong cuộc sống, phần lớn mọi việc đều không được như lòng người mong muốn, cho nên ở vào hoàn cảnh khốn khó càng cần mọi người phải tự tán thưởng mình, khích lệ mình, tin tưởng vào chính mình, khẳng định mình. Không ngại khó, không ngại khổ, đương đầu với thách thức chính là tố chất cần có của một người mưu sự việc lớn.

Theo Hoa Chanh

Trí thức trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên