Tổ hợp khách sạn hơn 400 tỷ đồng bị ngừng thi công: Thiếu luật hay sợ trách nhiệm?
Tọa lạc trên khu đất được đánh giá là “kim cương” của thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), một tổ hợp khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế, có tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, nằm phơi mưa nắng gần 3 năm nay.
- 14-03-2023Cao tốc Bến Lức - Long Thành: 'Ngưng thi công là quá chậm, gây lãng phí'
- 29-10-2021Giá thuê phòng giảm mạnh, khách sạn ngưng thi công vì dịch COVID-19
- 17-09-2021Nhiều dự án giao thông tại Tp.HCM ngừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng
Không giải quyết vì luật không quy định...
Theo đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương, Cty CP Du lịch Sài Gòn Quảng Bình (Cty SGQB) cho hay: Năm 2018, Cty TNHH Du lịch Bảo Ninh (Cty Bảo Ninh) được thành lập với 3 cổ đông. Trong đó, Cty SGQB chiếm 90% vốn góp; Cty CP Việt Group chiếm 5% và cá nhân ông Hoàng Quốc Anh Tuấn chiếm 5% vốn góp, tổng số vốn góp là 85 tỷ đồng.
Việc thành lập Cty Bảo Ninh là nhằm tiếp nối và kế thừa Dự án Khu Du lịch Sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh (Dự án DLST SG-BN), do Cty SGQB làm chủ đầu tư nhưng đang chậm tiến độ. Phía Cty SGQB góp vốn bằng tiền mặt và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất thuê trả tiền hàng năm của Dự án DLST SG-BN.
Tuy nhiên, sau đó do khó khăn về tài chính Cty SGQB quyết định không góp vốn vào Cty Bảo Ninh bằng tiền mặt nữa mà chỉ góp toàn bộ tài sản gắn liền trên đất của Dự án DLST SG-BN. Động thái này dẫn đến Cty SGQB chỉ còn chiếm 39,42% vốn góp; Cty Việt Group tăng thêm vốn và chiếm 45,58%; số còn lại 15% là vốn góp của ông Hoàng Quốc Tuấn Anh. Tổng số vốn góp vẫn là 85 tỷ đồng.
Cty SGQB được thành lập năm 2004, có 5 cổ đông, trong đó Tổng Cty Du lịch Sài Gòn (DNNN) chiếm 36% vốn góp; Tổng Cty Bến Thành (DNNN) chiếm 20% vốn góp; Cty CP Khu công nghiệp Tân Tạo 20%; UBND tỉnh Quảng Bình chiếm 14% và Cty CP Đầu tư và sản xuất giày Thái Bình chiếm 10%. Như vậy, Cty SGQB không phải là doanh nghiệp Nhà nước như cách hiểu của UBND tỉnh Quảng Bình. Chỉ vì 14% vốn góp của UBND tỉnh Quảng Bình vào Cty SGQB mà lãnh đạo tỉnh này sợ trách nhiệm không chịu giải quyết để một dự án du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế kéo dài gây thất thoát, lãng phí…
Ngay sau động thái này, Cty SGQB và Cty Bảo Ninh đã thực hiện các thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư để điều chỉnh chủ đầu tư dự án thành Cty Bảo Ninh và thực hiện thủ tục thuê lại diện tích đất mà dự án đang thực hiện. Tuy nhiên, kể từ năm 2019 đến nay Cty Bảo Ninh vẫn chưa thực hiện xong các thủ tục, dự án đã cất nóc tầng 19 phải dừng lại, phơi mưa nắng cho đến nay.
Lý do mà UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra để không chấp nhận xem xét giải quyết các đề xuất của nhà đầu tư là: Pháp luật đầu tư chưa có quy định về thủ tục thay đổi nhà đầu tư trong trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hằng năm (tài sản đang xây dựng dở dang, chưa hoàn thành) thuộc dự án đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp mà chỉ có quy định về thay đổi tên nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thiếu văn bản chấp thuận chủ trương cho phép góp vốn doanh nghiệp Nhà nước vào doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Sợ trách nhiệm?
Theo Luật sư Cao Thị Diệp, Cty Luật VT Law (Hà Nội), hai lý do mà UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra để không xem xét giải quyết đề xuất của nhà đầu tư tại Dự án DLST SG-BN là thiếu thuyết phục, vì Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp quy định rất rõ ràng về những vấn đề nêu trên.
Tại Khoản 1, Điều 41, Luật Đầu tư năm 2020 quy định: Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Lí do thứ hai mà UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra, là chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương cho phép góp vốn doanh nghiệp Nhà nước vào doanh nghiệp ngoài Nhà nước, Luật sư Cao Thị Diệp cho rằng: Theo quy định tại Khoản 8, Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong lúc đó, tại thời điểm thành lập Cty Bảo Ninh năm 2018 thì Cty SGQB có cổ đông là Cty Việt Group (không phải doanh nghiệp Nhà nước) chiếm 30% vốn điều lệ. Như vậy, Cty SGQB không được coi là doanh nghiệp Nhà nước và không chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, nên không cần có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép góp vốn doanh nghiệp Nhà nước vào doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Ông Hoàng Quốc Anh Tuấn, Giám đốc Cty Bảo Ninh cho biết: “Trong gần 3 năm qua, cứ mỗi lần nhà đầu tư gửi đơn kêu cứu, UBND tỉnh Quảng Bình lại cho họp liên ngành và kết luận cuối cùng của lãnh đạo tỉnh sau mỗi cuộc họp là “đề nghị các ngành xem xét lại hồ sơ để có hướng giải quyết”. Tôi có cảm giác, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình sợ trách nhiệm, cứ đùn đẩy không chịu giải quyết, để mặc nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép”.
Tiền phong