Tô phở 100 USD tại Việt Nam gây ấn tượng đặc biệt với du khách quốc tế
Ông Joshua Zukas, một phóng viên chuyên viết về du lịch Việt Nam trên trang Insider (Mỹ) đã có chuyến du lịch đến thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 9. Joshua Zukas dành nhiều tình cảm với Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực địa phương.
- 10-10-2023Một loại lá chuyên dùng để nấu phở của Việt Nam bỗng được săn lùng ở nước ngoài: xuất khẩu tăng đột biến 2.000%, thu về hơn 20 tỷ đồng
- 20-09-2023Bát phở giá hơn 4 triệu đồng có gì?
- 18-08-2023Giá gạo leo thang, chủ xưởng bún phở còng lưng gánh lỗ
Thưởng thức tô phở trị giá 100 USD
Ở lần đến này, anh quyết định thưởng thức món phở được phục vụ tại nhà hàng gắn 1 sao Michelin ở thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hàng của đầu bếp người Mỹ gốc Việt Peter Cuong Franklin gây ấn tượng đặc biệt với du khách và cũng là phóng viên người Mỹ này.
Ông Franklin được xem là một trong những đầu bếp dẫn đầu trong nỗ lực mang đến sự sáng tạo cũng như mới mẻ trong ẩm thực Việt nam. Như Michelin Guide đã viết vào năm 2018, ẩm thực của ông Franklin "kết nối ẩm thực truyền thống với kỹ thuật và cách trình bày hiện đại".
"Khi bếp trưởng Franklin mở nhà hàng chuyên phục vụ phở, món ăn dân tộc nổi tiếng của Việt Nam, sự tò mò của tôi đã trỗi dậy. Và đó là trước khi tôi phát hiện ra món ăn hàng đầu có giá 100 USD", tác giả Joshua Zukas viết.
Món ăn đã phản ánh sự thay đổi về ẩm thực của Thành phố Hồ Chí Minh theo năm tháng. Theo báo cáo công bố vào tháng 4 của Công ty tư vấn đầu tư di cư Henley & Partners, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm nóng triệu phú phát triển nhanh nhất thế giới.
"Một bát phở 100 USD không còn là điều xa lạ. Mọi người chắc chắn sẽ không ăn món ăn này mỗi ngày ở mức giá đó, nhưng những người dân thành phố Hồ Chí Minh giàu có hơn lại vui vẻ chi tiền cho những trải nghiệm mới", ông Nguyễn Mạnh Hùng, tác giả 5 cuốn sách dạy nấu ăn và là người dẫn chương trình nấu ăn trên kênh truyền hình VTV, Đài Truyền hình Việt Nam nhận định.
Trải nghiệm khác biệt – mọi thứ đều trở nên mới mẻ
"Tôi đã đặt trước món phở 100 USD như được gợi ý trên trang web. Pot-Au-Phở vừa là tên món ăn, vừa là tên nhà hàng thuộc chuỗi Anan, Nhaunhau do đầu bếp Peter Cuong Franklin sở hữu. Tòa nhà 6 tầng đẹp mắt, bao gồm cả tầng thượng. Tôi bước qua cánh cửa và có cảm giác như được đưa đến một thành phố khác. Những chiếc bàn chật kín thực khách, những câu chuyện sôi nổi tạo ra một bầu không khí gợi nhớ đến khung cảnh giống như đang ngồi nhà hàng ở trung tâm thành phố London hoặc New York", tác giả Joshua Zukas nhận định.
Ghế đẩu đối diện với quầy thức ăn hình chữ L, giống như quán mì ramen Nhật Bản. Ngoài ra còn có một chiếc ghế dài nhỏ nhìn ra ban công - nơi có tầm nhìn ra khu chợ bên dưới - và một vài chiếc bàn thân mật được cố định vào tường.
Khi ngồi vào bàn, tác giả Joshua được nhân viên phục vụ mang tới một ly mojito (loại đồ uống nổi tiếng) được pha cùng các loại thảo mộc và gia vị như tô phở. Anh tỏ ra bối rối vì chưa từng gọi đồ uống. Sau đó, bếp trưởng Franklin bước tới giải thích, ly đồ uống nằm luôn trong giá của suất ăn.
"Suất phở 100 USD là dành cho 2 người. Chúng tôi luôn khuyến khích thực khách có sự chia sẻ", chủ nhà hàng Franklin cho biết.
Như vậy, với mức giá 100 USD, khách sẽ được trải nghiệm 2 ly mojito, 2 quả cầu phở phân tử, 2 miếng bánh mì Việt Nam và một tô phở.
Tác giả Joshua Zukas viết chiếc bát đá sâu lòng chứa nước phở đậm đà, bao gồm 6 loại thịt bò khác nhau, ăn kèm với bò wagyu tái. Một chiếc bát sứ nhỏ hơn đựng sợi phở mềm. Lòng đỏ trứng chần trong chiếc bát nhỏ nhất, phù hợp với cách ăn phở của nhiều người Hà Nội.
"Các món ăn kèm và nước chấm khiến bữa ăn trở nên thực sự đặc biệt. Tôi đã có cả một kho tàng ẩm thực để nâng tầm bữa ăn: ớt tươi xắt nhỏ, một lát chanh, sốt, tương ớt, sốt mayo truffle nổi bật, giá đỗ giòn, hành tím và một số loại rau thơm", tác giả Joshua Zukas viết.
Thông thường, tôi có thói quen nêm gia vị vào bát phở như chanh, ớt và một ít rau thơm. Mỗi lần ăn đều có hương vị ít nhiều giống nhau. Tuy nhiên, giá trị của bát phở 100 đô la này kích thích vị giác của tôi. Những miếng ăn tự phát, mỗi lần đều thưởng thức vị giác khác nhau.
"Đó là trải nghiệm khác biệt, mọi thứ đều trở nên mới mẻ. Không giống như câu chuyện cũ", ông Franklin nói.
Từ những cuộc trò chuyện trước đây, tôi biết rằng đầu bếp Franklin là người rất ủng hộ món phở truyền thống và tin rằng du khách nên thử món phở này ở các cơ sở khác nhau để cảm nhận trọn vị.
"Điều tôi yêu thích ở món phở truyền thống - ngoài việc nó cực kỳ ngon và đáng giá tiền - là trải nghiệm độc đáo ở Việt Nam. Thực khách ngồi xuống những chiếc ghế nhựa nhỏ, ăn phở và quan sát người bán hàng phục vụ hết tô phở này đến tô phở khác đồng thời thưởng thức bát phở một cách ngon lành", tác giả nói.
Trong thời gian dài, đầu bếp Peter Cường Franklin đã thành công trong việc tạo ra một món ăn được chế biến từ những yếu tố cốt lõi của phở, gợi lên một loạt trải nghiệm ẩm thực khác biệt nhưng rất đáng nhớ.
Tổ Quốc