"Tòa nhà ma" chấn động Đài Loan: Biển lửa kinh hoàng hé lộ "khối u" rung lắc cả hòn đảo
Vụ hỏa hoạn chết người chấn động đảo Đài Loan, vốn khiến 46 người thiệt mạng, đã đặt ra câu hỏi về các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo trong các "tòa nhà ma” ở Đài Loan.
- 17-07-2021Đài Loan đầu tư ít nhất 300 triệu USD đào tạo nhân lực bán dẫn
- 20-06-2021Thành phố Đài Loan nhỏ bé xoay chuyển ngành công nghiệp chip toàn cầu
- 16-06-2021Đài Loan: Số ca nhiễm COVID-19 tăng 1000% trong 1 tháng, người dân "tìm cơ hội" ở Mỹ và TQ đại lục?
Vụ cháy chung cư Thành Trung Thành vẫn đang là đề tài bàn tán sôi nổi và là vụ việc thu hút sự chú ý tại Đài Loan vì con số thương vong rất lớn. Tính đến ngày 14-10, vụ cháy đã khiến 46 người thiệt mạng, 41 người bị thương trong biển lửa và khói kinh hoàng bao phủ tòa nhà chung cư.
Ngoài con số tử vong lớn, sự cố này thu hút bởi chi tiết gây ám ảnh: tòa nhà chung cư này từng là một "tòa nhà ma". Theo truyền thông Đài Loan, tòa nhà này – tọa lạc tại thành phố Cao Hùng - là một tòa văn phòng nhưng kinh doanh ế ẩm nên chủ tự ý cải tạo thành phòng cho thuê. Người sống tại đây hầu hết người già mất trí nhớ hoặc khuyết tật thể chất.
''TÔI KHÔNG CÓ LỰA CHỌN NÀO KHÁC''
Lực lượng cứu hộ đưa một cư dân sống sót đến bệnh viện. Ảnh: Getty
Đó là thừa nhận cay đắng của bà Huang Chin-chih, một người dân may mắn sống sót sau vụ hỏa hoạn, một vụ việc vốn đặt ra câu hỏi về các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo trong các "tòa nhà ma" ở Đài Loan.
Bà Huang Chin-chih đã từng nghe những câu chuyện đáng lo ngại về các "tòa nhà ma" và người giúp việc 58 tuổi này thật sự rất lo khi chuyển đến sống ở Chung cư Thành Trung Thành. Bà cũng đã nghe những câu chuyện về các băng nhóm giang hồ, những người vô gia cư và mại dâm ở đây. Và thực tế là bà tận mắt chứng kiến những kẻ lang thang say xỉn, những hành lang tối tăm và những đống rác ở cầu thang.
Vào hôm 15/10, 3 tháng sau khi chuyển đến đó, bà Huang lần đầu tiên cảm thấy may mắn vì không nằm trong số những người thiệt mạng sau khi ngọn lửa thiêu rụi tòa nhà 13 tầng bị bỏ hoang một phần này vào đêm 14/10 ở thành phố cảng này. Vụ hỏa hoạn khiến 46 người hàng xóm của bà thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Đây là vụ cháy chung cư chết chóc nhất của Đài Loan trong hơn hai thập kỷ qua.
"Tôi sợ tòa nhà ma quái này, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sống ở đây", bà Huang, người đã đi ra ngoài và sau đó trở về và phát hiện ngôi nhà của mình chìm trong một địa ngục lửa dữ dội. "Tôi chỉ cảm thấy may mắn vì tôi đã không ở đó vào đêm 14/10", bà nói thêm.
Khi các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã hoàn thành, các công tố viên đang điều tra nguyên nhân gây ra vụ cháy, vốn bắt đầu từ tầng một của tòa nhà và nhanh chóng lan lên các tầng cao hơn. Họ đã không loại trừ giả thuyết bị đốt phá.
"TÒA NHÀ MA" CŨ KĨ
Tòa nhà đen xì và nham nhở sau vụ cháy. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, con số người chết cao do hỏa hoạn, cao thứ hai trong số các vụ cháy tòa chung cư trong lịch sử của Đài Loan, cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn về các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo trong các tòa nhà cũ của hòn đảo này.
Tòa chung cư ở Cao Hùng này là một trong nhiều công trình chung cư cũ kỹ trên toàn đảo đã rơi vào tình trạng hư hỏng nghiêm trọng do sự quản lý yếu kém và sự buông lỏng giám sát của chính phủ. Hôm 15/10, các quan chức địa phương cho biết đã xác định được 34 tòa nhà cũ "có nguy cơ cao" trong thành phố và cam kết sẽ kiểm tra về các vi phạm an toàn và phòng cháy chữa cháy.
Vụ cháy cũng nhấn mạnh sự thiếu hỗ trợ cho những người nghèo và người cao tuổi đang khao khát có nhà ở và thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống trong những tòa nhà mà họ xem là "cơ hội cuối cùng’ này. Chi phí nhà ở tăng vọt tại các thành phố của Đài Loan - và dân số già nhanh - đã làm trầm trọng thêm những vấn đề này trong những năm gần đây và khiến chính quyền hòn đảo này ngày càng bất lực.
Đối với những người sống và làm việc trong tòa nhà, đám cháy là một thảm họa luôn chực chờ.
"Tòa nhà này là một khối u của Cao Hùng", cư dân Hong Xian-kai nói khi đứng bên ngoài tàn tích của cửa hàng đồ cổ mà ông đã mở ở tầng trệt của tòa nhà trong gần 30 năm. "Không ai quản lý nó, và không ai quan tâm đến nó", ông than thở.
Vào sáng 15/10, mọi người có thể nghe thấy tiếng kim loại lạch cạch khi các lực lượng cứu hộ dựng giàn giáo xung quanh mặt tiền bị đục lỗ và đen do khói lửa của các tầng dưới của tòa nhà. Mùi khói khó chịu thoang thoảng trong không khí. Một số quan chức địa phương đã đến kiểm tra hiện trường vụ việc vào giữa buổi sáng và đặt những bông hoa cúc trắng trên đường phố trước tòa nhà bị rút ruột để tưởng niệm các nạn nhân.
Được xây dựng vào những năm 1980, tòa nhà này nằm ở Quận Diêm Thành bên bờ sông của thành phố cảng Cao Hùng từng là một tổ hợp thương mại, dịch vụ, các tầng phía trên là khu căn hộ. Nó còn có một phòng tiệc khổng lồ, một nhà hát biểu diễn nghệ thuật và các cửa hàng thương mại.
Nhưng theo thời gian, khi hoạt động kinh tế và chính trị của Cao Hùng dịch chuyển về phía cuối phía đông của thành phố, tòa nhà này - và khu vực lân cận - từ từ xuống cấp. Các doanh nghiệp đã dần chuyển đi, bỏ lại đống rác mà các quan chức cứu hỏa cho biết là một phần nguyên nhân khiến ngọn lửa bùng cháy dữ dội cũng như cản trở nỗ lực cứu hộ. Những người lang thang và những người hành nghề mại dâm chuyển đến đây, và tiếp theo sau đó là những người nghèo, lớn tuổi và tàn tật sau này cũng vậy.
Như bà Huang, bản thân bà cho biết đã phải thuê căn hộ tầng 8 khi chi phí nhà ở đã tăng vọt ở Cao Hùng. Bởi bà chỉ phải trả tương đương 100 USD một tháng - khoảng 1/3 tiền lương của cô - cho một căn hộ một phòng.
Gần 3 năm trước, Cherry Chiu, 46 tuổi, cũng đã thuê một căn hộ một phòng ngủ tại tòa nhà này. Điều kiện cơ sở vật chất ở đây rất khủng khiếp nhưng đó là tất cả những gì cô Chiu, một nhân viên bán bảo hiểm bán thời gian, có thể chi trả được.
Như hầu hết các cư dân khác của nhà tòa, Chiu và mẹ, đang ngủ khi ngọn lửa bùng lên vào khoảng 3 giờ sáng. Sau khi tỉnh dậy vì mùi khói, cô nhìn thấy lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực trong tuyệt vọng để dập tắt đám cháy rừng rực ở các tầng dưới. Qua cửa trước căn hộ, cô nghe thấy tiếng kêu cứu thảm thiết từ những người hàng xóm.
Sử dụng đèn pin trên điện thoại di động, cô Chiu điên cuồng ra hiệu cho một nhân viên cứu hỏa bên ngoài, người này đã thấy được và điều động thang trên không đến cửa sổ căn hộ của cô. Dùng hết sức có thể, cô Chiu đã bế được người mẹ 85 tuổi của mình chuyển cho người lính cứu hỏa trước khi trèo vào thang đó.
"Chúng tôi đã ở ngưỡng cửa tử thần", cô Chiu nói, ho liên tục khi nhớ lại trải nghiệm đau đớn. Các quan chức nói rằng hầu hết những người thiệt mạng sống trong những căn hộ thuê chật chội từ tầng 7 đến tầng 11 của tòa nhà và chết vì ngạt khói. "Điều đau đớn nhất là thảm kịch đau long đã cướp đi rất nhiều sinh mạng", cô nói với New York Times.
CON NGƯỜI LÀ NGUYÊN NHÂN
Lãnh đạo thành phố Cao Hùng xin lỗi người dân sau vụ cháy - Ảnh: CNA
Chính quyền Đài Loan từ lâu đã nhận thức được các vấn đề về kết cấu và an toàn xung quanh vô số tòa nhà cũ của hòn đảo. Năm 1999, khi một trận động đất mạnh khiến 2.415 người trên đảo thiệt mạng, nhiều người đổ lỗi cho việc xây dựng kém chất lượng là nguyên nhân khiến số người chết cao. Cũng trong năm 1999, một đám cháy đã bùng phát tại tòa nhà này nhưng được dập tắt nhanh chóng do xảy ra vào ban ngày.
Giáo sư quy hoạch đô thị Wang Jieh-jiuh tại Đại học Ming Chuan ở Đài Bắc, cho biết, trong khi các giới chức đã có những nỗ lực điều chỉnh sau trận động đất năm 1999 nhằm đại tu quy chuẩn xây dựng và tái phát triển các khu vực đô thị, các tòa nhà cũ được xây dựng theo hướng dẫn an toàn lỗi thời thường bị bỏ qua.
"Trong vụ cháy lần này, vật liệu xây dựng ở các tầng dưới không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cháy nổ và góp phần khiến ngọn lửa bùng lên nhanh chóng qua tòa nhà", Lee Ching-hsiu, Giám đốc cơ quan cứu hỏa của thành phố cho biết.
Một lính cứu hỏa tham gia chữa cháy cho biết kết cấu nhà trong tòa chung cư rất phức tạp. Mỗi tầng có tới hơn 30 hộ sinh sống, mỗi hộ lại lắp một loại cửa chống trộm khác nhau, ban công cũng được làm "chuồng cọp", khiến các căn hộ giống như những lô cốt kiên cố.
"Cùng với đó, vấn đề ở đây là mọi người đặt trọng tâm là xây dựng các công trình kiến trúc đẹp trong khi điều thực sự chúng ta cần tập trung trước tiên là vào an toàn ", Giáo sư Wang nói và nhấn mạnh: "Phát triển đô thị không nên chỉ thiên về môi trường vật chất".
Cơ quan Nội vụ Đài Loan hôm 14/10 tuyên bố sẽ tăng cường thực thi luật trong đó yêu cầu các tòa nhà cũ hơn phải có ban quản lý để giúp giám sát các vấn đề an toàn. Trong nhiều năm qua, tòa nhà chung cư bị cháy này không hề có một ban quản lý chính thức. Chỉ gần đây, một nhóm cư dân đã cùng nhau lập nhóm giải quyết một số lo ngại về an toàn dai dẳng của cấu trúc, bao gồm đường ống bị ăn mòn, dây cáp điện bị hở và tường vỡ.
Tuy nhiên, tình trạng quản lý và giám sát yếu kém vẫn tiếp diễn. Lin Chin-rong, Phó thị trưởng Cao Hùng, cho biết các quan chức cảnh sát và cứu hỏa đã kiểm tra tòa chung cư Thành Trung Thành 4 lần kể từ năm 2019, và các quan chức cứu hỏa đã đăng thông báo kiểm tra gần đây nhất là hôm 13/10. Nhưng ông Hong, chủ cửa hàng đồ cổ ở tầng 1, cho biết ông không hề hay biết về bất kỳ cuộc kiểm tra nào như vậy.
"Thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy? Ở đâu?", ông Hong hỏi và cho biết, "Đó là một tòa nhà nguy hiểm". Vụ cháy cũng bộc lộ những vấn đề sâu xa hơn, như thiếu sự hỗ trợ cho dân số già nhanh chóng của Đài Loan. Tuổi trung bình của những người chết trong vụ cháy là 62.
Vấn đề nhà ở giá rẻ cho những người cao tuổi trở nên đặc biệt bức thiết. Nó càng trở nên trầm trọng hơn do sự phân biệt đối xử từ các chủ nhà, vì những người này thường miễn cưỡng cho những cư dân lớn tuổi thuê, vì sức khỏe yếu kém và không đủ tài chính.
Hầu hết cư dân của tòa nhà Thành Trung Thành là những người thuê nhà hoặc những người thuê nhà trả ít nhất 70 USD một tháng, thường cho một căn hộ chia nhỏ. Chỉ có 9 trong số 120 hộ gia đình trong tòa nhà mua bảo hiểm hỏa hoạn, các quan chức cho biết.
Ông Chen Liang-Chun, giáo sư trợ giảng về quy hoạch đô thị tại Đại học NTU, cho biết: "Vấn đề không chỉ là vụ cháy, mà còn nhiều vấn đề về cấu trúc đằng sau đó.
"Ở Đài Loan, nó luôn luôn như vậy, Giáo sư Chen nói và nhấn mạnh thêm: "Những hiểm họa tự nhiên có thể xảy ra mọi lúc, nhưng chính con người mới là thứ biến những hiểm họa đó thành thảm họa".
Doanh Nghiệp & Tiếp Thị