Tòa nhà Thăng Long Victory: Cảnh sát chỉ ra hàng loạt sai phạm về phòng cháy chữa cháy
Sau những lùm xùm xung quanh bức xúc của người dân về việc nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại T2 Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội), PV báo điện tử VTC News đã có cuộc trao đổi với Trung tá Bùi Quang Việt (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an).
Trong bài báo trước, báo điện tử VTC News đã thông tin , bắt đầu bàn giao nhà cho cư dân từ ngày 3/1/2017, nhưng cho đến nay, tại Tòa nhà T2 Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội), do Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng KCN Phúc Hà (Phúc Hà Group) làm chủ đầu tư, người dân vẫn sống chung với công trình xây dựng ngổn ngang và ồn ã.
Về vấn đề này, Trung tá Bùi Quang Việt (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an) đã chia sẻ với PV báo điện tử VTC News:
Chủ đầu tư vi phạm pháp luật về PCCC
- Thưa ông, tại sao tòa nhà T2 Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội) chưa được nghiệm thu PCCC đã cho rất đông cư dân vào ở? Việc này sẽ nguy hiểm thế nào?
Công trình này do Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng KCN Phúc Hà làm chủ đầu tư, được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thẩm duyệt và cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC số 907/TD-PCCC-P6 ngày 20/3/2015.
Ngày 26/4/2017, Cục Cảnh sát PCC và CNCH đã chủ trì, phối hợp với Cảnh sát PCCC Tp Hà Nội tiến hành kiểm tra nghiệm thu về PCCC đối với công trình. Tại thời điểm kiểm tra, công trình còn nhiều tồn tại về PCCC, chưa đủ điều kiện để được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC theo quy định. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý đưa công trình vào sử dụng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về PCCC quy định tại Khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Như vậy, tại tòa nhà T2 Thăng Long Victory, hệ thống PCCC vẫn chưa được thi công hoàn thiện đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được duyệt dẫn đến khi đưa vào sử dụng, xảy ra cháy sẽ đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
- Xin ông cho biết trình tự thực hiện quy định pháp luật về nghiệm thu PCCC cho công trình?
Trình tự, thủ tục nghiệm thu về PCCC được quy định rất cụ thể tại Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ và Điều 8 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an.
Theo đó, Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu về PCCC theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt. Nội dung này tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 66/2014/TT-BCA quy định dự án, công trình, đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về PCCC theo hồ sơ thiết kế về PCCC đã được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt.
Sau khi tổ chức nghiệm thu về PCCC cho công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ nghiệm thu về PCCC và thông báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt trước đó tới kiểm tra nghiệm thu về PCCC cho công trình.
Nội dung này tại Điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định này phải được Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về PCCC và trước khi đưa vào sử dụng chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra nghiệm thu về PCCC.
Vẫn tồn tại hàng loạt sai phạm
- Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã có biện pháp xử lý thế nào về vi phạm của Chủ đầu tư là Phúc Hà Group?
Ngày 26/4/2017, sau khi tiến hành kiểm tra nghiệm thu về PCCC đối với công trình, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với hành vi vi phạm “Đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC”, theo quy định tại Khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ.
Dù chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư Thăng Long Victory là Phúc Hà Group vẫn cho hàng trăm hộ dân về ở. (Ảnh Ngô Hường)
Ngày 03/5/2017, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nêu trên, với số tiền 80.000.000 đồng. Đồng thời có văn bản số 1966/PCCC&CNCH-P6 ngày 05/5/2017 kiến nghị Chủ đầu tư khắc phục các tồn tại về PCCC nêu tại biên bản kiểm tra nghiệm thu về PCCC ngày 26/4/2017.
- Trong quá trình nghiệm thu PCCC tại công trình này nói riêng và các công trình khác nói chung, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào?
Thực tế, việc thực hiện các quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC tại các công trình còn tồn tại một số vấn đề sau:
- Chủ đầu tư đã cam kết về thời gian bàn giao nhà cho các hộ dân nên mặc dù đơn vị thi công chưa hoàn thiện đúng tiến độ, nhưng đến thời hạn vẫn tiến hành bàn giao nhà cho các hộ dân vào hoàn thiện hoặc sửa chữa để ở.
- Có trường hợp, chủ đầu tư đã liên hệ cơ quan Cảnh sát PCCC để kiểm tra nghiệm thu nhưng công trình vẫn chưa được thi công hoàn thiện, chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC, dù chưa được cấp văn bản nghiệm thu PCCC nhưng vẫn bàn giao nhà cho người dân.
- Bên cạnh đó, một bộ phận khách hàng mua căn hộ chưa nắm được các thủ tục về PCCC mà chủ đầu tư cần phải có cho công trình, do đó vẫn tiến hành nhận căn hộ và không đề nghị chủ đầu tư xuất trình những căn cứ cần thiết.
Qua đây, đề nghị các cơ quan quản lý về xây dựng cần lưu ý tới văn bản nghiệm thu về PCCC là một điều kiện quan trọng, không thể thiếu để bảo đảm an toàn cho công trình chính thức đưa vào hoạt động theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
- Trên địa bàn Hà Nội, tòa nhà T2 Thăng Long Victory chỉ là một trong những công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã cho cư dân về ở, trong điều kiện nắng nóng kéo dài và nguy cơ cháy nổ lên cao, sắp tới, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có phương hướng giải quyết thế nào?
Trước tình hình cháy, nổ trên cả nước có những diễn biến phức tạp, Lãnh đạo Bộ Công an đã phát động tháng 6 là tháng cao điểm về tăng cường công tác PCCC nhà cao tầng, siêu cao tầng và trung tâm thương mại.
Theo đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp như:
- Lồng ghép tuyên truyền, phố biến các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC trong quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu công trình.
- Nghiên cứu, rà soát các hành vi vi phạm, hình thức xử lý và mức xử phạt, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật trong lĩnh vực PCCC.
- Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng công khai các hành vi vi phạm của chủ đầu tư dự án, công trình.
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan kiên quyết xử lý, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các vi phạm, tham mưu; đề xuất UBND cấp tỉnh xem xét không phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng các công trình tiếp theo đối với Chủ đầu tư vi phạm về PCCC.
Trong thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhu cầu làm mát, làm lạnh của các hộ gia đình tăng cao, kéo theo đó là các nguy cơ phát sinh cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Để đảm bảo an toàn PCCC trong dịp này, chúng tôi khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các nội dung sau:
- Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ, thiết bị bảo vệ phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn PCCC điện.
- Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn trên cùng một ổ cắm, không câu, mắc tuỳ tiện, luồn dây điện qua mái lá, mái tôn .
- Không để các chất dễ cháy, như: Mút xốp, giấy, bông, vải, sợi... gần các thiết bị, dụng cụ điện. Trước khi ra khỏi phòng phải đóng, ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Thường xuyên và định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn về PCCC do điện và kịp thời khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
VTC