MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cảnh 19 văn bản hành pháp mà Donald Trump đã ký trong 14 ngày qua

03-02-2017 - 14:23 PM | Tài chính quốc tế

Trong tuần lễ đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Donald Trump đã liên tiếp hành động. Tổng cộng vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã có tới 19 lần thực hiện quyền hành pháp với những tác động sâu rộng tới đời sống của người dân Mỹ.

Dù trên các phương tiện truyền thông và nhiều người vẫn gọi chung những lần ra chỉ đạo của ông Trumpsắc lệnh, thực chất ông Trump đã thực hiện 3 loại hành động hành pháp (excutive actions) có thẩm quyền và hiệu lực khác nhau. Sắc lệnh (excutive orders) là loại mạnh nhất.

Tương tự như các luật được Quốc hội Mỹ thông qua, sắc lệnh được đánh số và đăng sổ liên bang. Thông thường sắc lệnh sẽ chỉ định các thành viên của nhánh hành pháp tuân theo một chính sách mới hoặc chỉ thị mới.

Biên bản hướng dẫn của Tổng thống (Presidential memoranda) có thể nhưng không nhất thiết phải đăng sổ liên bang hay đánh số. Văn bản này thường ủy thác những nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao cho Tổng thống sang các thành viên của nhánh hành pháp.

Loại cuối cùng là những tuyên ngôn của Tổng thống (proclamations), thường được đưa ra trong các dịp lễ kỷ niệm trên toàn liên bang và cũng rất có trọng lượng. Tuyên ngôn về độc lập của Abraham Lincoln là 1 ví dụ.

Để dễ so sánh, Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ là George Washington chỉ ký 8 sắc lệnh trong suốt nhiệm kỳ của mình, trong khi Tổng thống thứ 32 Franklin D. Roosevelt đã ký tới hơn 3.700 sắc lệnh. Gần nhất, ông Obama ban hành tổng cộng 277 sắc lệnh, tương đương với con số của những người tiền nhiệm của ông nhưng vẫn là mức ít nhất trong 120 năm trở lại đây.

Dưới đây là bản tóm tắt 19 văn bản hành pháp mà ông Trump đã ký, về nội dung của chúng và phản ứng của thế giới đối với các sắc lệnh này.

Ngày 30/1: Mỗi luật mới được đề xuất sẽ đi kèm với bãi bỏ 2 luật cũ

Sắc lệnh này quy định với mỗi luật mới mà cơ quan hành pháp đề xuất, sẽ phải tìm ra 2 luật để bãi bỏ. Đồng thời sắc lệnh đặt mức chi tiêu cho luật mới trong năm 2017 là 0 USD.

Một số nhóm môi trường đã bày tỏ lo ngại rằng sắc lệnh này có thể dẫn đến một số luật bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bị bãi bỏ.

Sắc lệnh ngày 28/1: Drain the swap

Sắc lệnh yêu cầu các nhân vật được bổ nhiệm vào cơ quan hành pháp phải ký vào một cam kết đạo đức mà theo đó họ sẽ không bao giờ lobby một chính phủ nước ngoài và không làm bất cứ hoạt động lobby nào trong 5 năm kể từ khi rời vị trí.

Biên bản hướng dẫn ngày 28/1: Cải tổ Hội đồng an ninh quốc gia

Trump loại bỏ các cố vấn tình báo và quân sự hàng đầu khỏi danh sách ủy viên thường trực Hội đồng an ninh quốc gia – cơ quan được lập ra để xử lý các vấn đề chính sách ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Trump đưa cố vấn thân cận của mình là Steve Bannon lên làm thành viên thường trực. Chủ tịch cơ quan tình báo quốc gia sẽ chỉ tham dự khi được mời.

Các nhà làm luật của đảng Cộng hòa và các chuyên gia an ninh chỉ trích mạnh mẽ động thái này.

Biên bản hướng dẫn ngày 28/1: Đánh bại IS

Sử dụng cụm từ “chủ nghĩa khủng bố hồi giáo cực đoan”, Trump yêu cầu nội các mới trong vòng 30 ngày phải “xây dựng kế hoạch toàn diện” để đánh bại.

Sắc lệnh ngày 27/1: Cấm nhập cư đối với 7 nước Hồi giáo

Trong sắc lệnh gây tranh cãi nhất từ trước đến nay, Trump cấm người từ 7 nước Hồi giáo (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan và Yemen) nhập cảnh trong vòng 90 ngày tới. Đối với người Syria lệnh cấm có tác dụng đến khi nào ông đổi ý.

Thẩm phán ở một vài bang cho rằng sắc lệnh này trái với Hiến pháp Mỹ và đã thả hàng trăm người trước đó bị tạm giam ở các sân bay. Tuy nhiên Nhà Trắng tiếp tục bảo vệ quyết định này, lập luận đây không phải là “vấn đề tôn giáo” mà là để “bảo vệ công dân và biên giới của nước Mỹ”.

Ở các thành phố và nhiều sân bay, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình chống lại sắc lệnh này. Chính các nhân vật đứng đầu đảng Cộng hòa cũng lên tiếng chỉ trích Trump.

Biên bản hướng dẫn ngày 27/1: “Xây dựng lại” quân đội

Trump chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis làm báo cáo rà soát lại quân đội Mỹ và hệ thống tên lửa phòng thử. Tướng Mattis cũng có nhiệm vụ “xây dựng lại” lực lượng vũ trang.

Tuyên ngôn ngày 26/1: Tuần lễ chọn trường công

Ông Trump tuyên bố từ 22/1 đến 28/1 là tuần lễ chọn trường công, với mục đích khuyến khích người dân Mỹ đấu tranh yêu cầu các chương trình giảm học phí và mở rộng mô hình charter schools, những ngôi trường thuộc hệ công lập, nhưng được phép tự quản về điều hành và về tài chính.

Người được Trump chọn làm Bộ trưởng Giáo dục Betsy Devos ủng hộ mạnh mẽ chương trình này, nhưng những người phản đối cho rằng như vậy hệ thống trường công sẽ suy yếu trong khi tiền thuế của người dân lại được sử dụng cho hệ thống trường tư.

Sắc lệnh ngày 25/1: Xây tường ngăn biên giới

Sắc lệnh chỉ đạo giam giữ và ngay lập tức trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, yêu cầu các cơ quan cấp bang và liên bang kiểm lại số viện trợ nước ngoài đã gửi sang Mexico trong vòng 30 ngày. Trump cũng yêu cầu cơ quan bảo vệ biên giới thuê thêm 5.000 nhân viên tuần tra biên giới.

Dù Trump đã tuyên bố Mexico sẽ phải trả tiền cho bức tường, nội các của ông cho rằng tường sẽ được xây bằng tiền thuế của người dân Mỹ, chí ít là ở giai đoạn đầu.

Sắc lệnh ngày 25/1: Cắt viện trợ cho những thành phố bao che dân tị nạn

Trump kêu gọi các thành phố này tuân thủ luật nhập cư liên bang nếu không muốn bị cắt viện trợ. Sắc lệnh này nhận được cả sự chống đối và ủng hộ. Trong khi đó San Francisco đâm đơn kiện Trump và nói rằng sắc lệnh này vi hiến.

Sắc lệnh ngày 24/1: Đẩy nhanh quá trình xem xét khía cạnh môi trường của các dự án cơ sở hạ tầng

Sắc lệnh cho phép các thống đốc bang và các cơ quan liên bang yêu cầu dành ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng. Cùng ngày, ông ký hai biên bản hướng dẫn thúc đẩy các dự án đường ống dẫn dầu gây tranh cãi vốn đang bị ông Obama ngừng lại vì lo ngại những tác động tiêu cực đến môi trường.

Ngoài ra còn có 1 biên bản yêu cầu tất cả các vật liệu đường ống dẫn dầu phải được xây dựng ở Mỹ. Trong khi những người ủng hộ dự án ống dẫn dầu lập luận đây là phương án an toàn hơn so với vận chuyển bằng tàu hỏa hay xe tải, các nhà môi trường học chỉ ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Biên bản hướng dẫn ngày 24/1: Giảm luật lệ cho ngành sản xuất

Trump chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại xem xét lại các quy định tác động đến các nhà sản xuất và đặt mục tiêu cắt giảm nhiều luật lệ nhất có thể.

Biên bản hướng dẫn ngày 23/1: Tái thiết lập chính sách “Mexico City”

Mexico City là chính sách gây nhiều tranh cãi đã được hồi phục và xóa bỏ nhiều lần qua các đời Tổng thống. Theo đó, Trump cấm Mỹ tài trợ cho bất kỳ tổ chức viện trợ quốc tế nào cung cấp cho phụ nữ thông tin về phá thai.

Ngày 23/1: Ngừng thuê công chức liên bang

Trong nỗ lực cắt giảm chi ngân sách, ông Trump đã ra sắc lệnh ngừng tuyển thêm công chức liên bang (trừ quân đội). Tuy nhiên, những tiếng nói phản đối cho rằng đây là biện pháp “gây hại và không hiệu quả”, khiến các chương trình của Chính phủ cũng như các dịch vụ phúc lợi xã hội bị gián đoạn.

Biên bản hướng dẫn ngày 23/1: Rút khỏi TPP

Quyết định này là tin buồn đối với châu Á và 12 nước thành viên ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Tuy nhiên người Mỹ có thái độ nhiều chiều về vấn đề này. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói rằng ông “vui mừng vì TPP đã chết” trong khi John McCain quả quyết rút khỏi TPP là một “sai lầm nghiêm trọng”.

Sắc lệnh ngày 20/1: Thông báo dự định hủy Obamacare

Sắc lệnh đầu tiên mà tân Tổng thống đặt bút ký chính là hủy bỏ Obamcare - đạo luật chăm sóc sức khỏe mà ông Obama rất tâm huyết.

Thu Hương

Business Insider

Trở lên trên