MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cảnh ngân hàng quý III: Biên lãi cho vay tăng, quy mô tiền gửi sụt giảm

16-11-2022 - 07:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Toàn cảnh ngân hàng quý III: Biên lãi cho vay tăng, quy mô tiền gửi sụt giảm

WiGroup - đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính vừa công bố báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh thị trường quý III/2022 với nhiều thông tin đáng chú ý về ngành ngân hàng.

Tăng trưởng lợi nhuận vẫn ở mức cao

Theo WiGroup, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao so với cùng kỳ thấp điểm, tăng 53% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với những quý trước đó thì lợi nhuận toàn ngành đã có xu hướng tạo đỉnh từ quý I.

Toàn cảnh ngân hàng quý III: Biên lãi cho vay tăng, quy mô tiền gửi sụt giảm - Ảnh 1.

Phân tách lợi nhuận cho thấy hoạt động cho vay vẫn tăng trưởng tốt nhưng thu nhập từ hoạt động dịch vụ và hoạt động khác chậm lại, cộng với khoản lỗ từ chứng khoán kinh doanh khiến tổng thu nhập hoạt động đi ngang so với quý trước.

Ngược lại thì tỷ lệ chi phí dự phòng và chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động gia tăng khiến cho lợi nhuận ngành suy giảm so với quý II.

NIM vẫn mở rộng dù lãi suất huy động tăng

Đáng chú ý, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của toàn ngành không những không giảm mà tăng nhẹ lên mức 3,58% từ mức 3,42% của quý II nhờ tỷ lệ lợi tức trên tài sản sinh lãi (YEA) tăng nhanh hơn tỷ lệ chi phí vốn huy động (COF).

Toàn cảnh ngân hàng quý III: Biên lãi cho vay tăng, quy mô tiền gửi sụt giảm - Ảnh 2.

Theo WiGroup, việc lãi suất huy động tại các ngân hàng tăng lên vẫn chưa phản ánh hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng do độ trễ của kỳ hạn huy động và thời điểm tăng lãi suất mạnh nhất lại rơi vào tháng 10. Điều này sẽ là yếu tố tác động tiêu cực đến chi phí huy động vốn của các ngân hàng và có thể làm giảm chỉ số NIM của ngành trong giai đoạn tới.

Tăng trưởng tiền gửi theo quý ở mức âm lần đầu tiên kể từ năm 2008

Tăng trưởng tiền gửi của khách hàng lần đầu tiên khi nhận mức âm trong quý III/2022 kể từ năm 2008 (-0,64% QoQ). Trong khi, nhu cầu cho vay vẫn tăng cao đang gây áp lực làm tăng tỷ lệ vốn cho vay khách hàng trên vốn huy động (LDR).

Toàn cảnh ngân hàng quý III: Biên lãi cho vay tăng, quy mô tiền gửi sụt giảm - Ảnh 3.

Tỷ lệ LDR tính đến thời điểm cuối quý III/2022 đạt 94%, cao hơn 5,7% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh sự căng thẳng mà ngành ngân hàng đang gặp phải liên quan đến khả năng thanh khoản.

Phần lớn ngân hàng sụt giảm tỷ lệ CASA

Tính đến quý III/2022, có gần 68% các ngân hàng có tỷ lệ CASA giảm so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có số ít ngân hàng lớn đạt mức tăng trưởng CASA dương là MSB, Vietcombank và VietinBank. Mặc dù ghi nhận sự sụt giảm mạnh song Techcombank và MB vẫn đang là hai ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống tính đến quý III năm nay

Toàn cảnh ngân hàng quý III: Biên lãi cho vay tăng, quy mô tiền gửi sụt giảm - Ảnh 4.

Wigroup cho rằng mức suy giảm CASA chung toàn ngành là phản ứng tương đối phù hợp trong môi trường lãi suất tăng cao, khách hàng có xu hướng tối ưu đồng vốn thay vì “để không” tại các ngân hàng. Do đó, xu hướng giảm của tỷ lệ CASA sẽ chưa chấm dứt đến khi lãi suất ngừng tăng.

Tỷ lệ nợ xấu vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch

Theo WiGroup, mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng quý thứ 4 liên tiếp và đạt mức 1,6% toàn hệ thống ngân hàng nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch. Sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu chủ yếu đến các khoản nợ có khả năng mất vốn đã tăng mạnh hơn 30.000 tỷ (tăng 70%) so với đầu năm.

Diễn biến này dường như đã nằm trong “kịch bản” của các ngân hàng nhờ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao trước đó (150% trong quý I) giúp giảm đi áp lực trích lập dự phòng nếu nợ xấu tiếp tục gia tăng. Tính đến cuối quý III, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm xuống còn 141%.

Toàn cảnh ngân hàng quý III: Biên lãi cho vay tăng, quy mô tiền gửi sụt giảm - Ảnh 5.

Các chuyên gia WiGroup cho rằng xu hướng gia tăng nợ xấu sẽ tiếp tục do sự đóng băng của thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên sẽ có sự “phân hóa” giữa các ngân hàng với nhau.

Theo đó, nhóm ngân hàng có rủi ro cao nhất ở thời điểm hiện tại là các ngân hàng có hoạt động cho vay mảng bất động sản cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp và tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp/vốn chủ cao.

Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng của toàn hệ thống đạt khoảng 16%, trong đó nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ cho vay bất động sản cao trên 30% có thể kể đến như Techcombank, MSB, Eximbank,…

Ngoại trừ Techcombank thì các ngân hàng có vốn hóa nhỏ hơn như NCB, Ngân hàng Bản Việt, Eximbank, Vietbank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu khá thấp. Nhóm phân tích cho rằng đây là nhóm có rủi ro gia tăng nợ xấu và trích lập dự phòng cao nhất khi thị trường bất động sản đóng băng.

Toàn cảnh ngân hàng quý III: Biên lãi cho vay tăng, quy mô tiền gửi sụt giảm - Ảnh 6.

Cũng theo WiGroup, nhóm ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp/vốn chủ cao cũng có thể gặp rủi ro trong việc thu hồi nợ khi kênh huy động trái phiếu của các doanh nghiệp bị siết lại, các doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm dòng vốn mới để đảo nợ.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên