Toàn cảnh ngân hàng số 2021: Vượt qua thách thức để bứt phá
Năm 2021 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời mở ra cuộc đua mới trong giai đoạn tiếp theo của chuyển đổi số ngành ngân hàng
Ngân hàng số bứt phá ấn tượng năm 2021
Dịch Covid-19 kéo dài trong năm 2021 đã tác động đáng kể đến ngành tài chính ngân hàng. Việc hạn chế tiếp xúc đã thúc đẩy người tiêu dùng nhanh chóng thích nghi, chuyển dịch hành vi giao dịch tài chính sang môi trường số. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ tháng 3 đến nay, có hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức định danh khách hàng eKYC; thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh đạt 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số.
Đáp ứng những thay đổi của thị trường, trong năm 2021, các ngân hàng đã tăng tốc đầu tư cho công nghệ số và đưa ra nhiều mô hình kinh doanh mới, hướng tới chuyển đổi toàn diện từ văn hoá "lấy sản phẩm làm trung tâm" sang "lấy khách hàng là trọng tâm". Ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với nâng cao năng lực lõi cho phép ngân hàng phát triển hệ sinh thái kết nối các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số nhằm mang lại trải nghiệm liền mạch, thuận tiện và cá nhân hoá cao cho khách hàng. Nổi bật là hệ sinh thái tiện ích của MBBank với những dịch vụ mới liên tục ra mắt trong năm 2021 như miễn phí đăng ký tài khoản trùng số điện thoại, chuyển tiền quốc tế online, miễn phí trọn đời nhiều loại phí giao dịch… và đặc biệt dịch vụ "tích xanh" nâng cấp mức độ bảo vệ cho tài khoản và thẻ thanh toán của MBBank.
Có thể thấy ngân hàng số trong năm qua đã đạt được những tăng trưởng ấn tượng cả về quy mô và tốc độ. Hàng loạt ngân hàng tập trung số hoá dịch vụ, đáp ứng kì vọng ngày càng gia tăng của khách hàng, trong đó một số ngân hàng lớn đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ với mục tiêu dẫn đầu về ngân hàng số trên thị trường. Điển hình là ngân hàng MBBank – một trong những ngân hàng số đạt được những thành công đột phá trong năm 2021, tăng trưởng 5,5 triệu người dùng mới tính đến tháng 11 năm 2021.
Xác định chuyển đổi số là một quá trình liên tục, MBBank coi công nghệ và con người là hai yếu tố cốt lõi để tạo nên lợi thế khác biệt trên thị trường. Ngân hàng này đã đầu tư hàng chục triệu đô mỗi năm để đầu tư bài bản về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nguồn nhân lực công nghệ trong ngân hàng, đồng thời áp dụng văn hoá đổi mới trong quy trình và đào tạo nhằm vận hành ngân hàng như một công ty công nghệ ngay từ giai đoạn đầu của chiến lược chuyển đổi số.
Với trọng tâm mang đến sự thuận tiện và những trải nghiệm số hiện đại cho khách hàng, "quy trình ngược" được MBBank áp dụng để nghiên cứu và phát triển những sản phẩm dịch vụ mới dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác để mở rộng hệ sinh thái tiện ích số, hướng đến xây dựng mô hình ngân hàng số tự phục vụ (self-serving) trên nền tảng siêu ứng dụng tài chính. Chính điều này đã tạo nên thành công của MBBank trong năm 2021 với hàng loạt các dịch vụ số "tự phục vụ" tích hợp trên App MBBank, Biz MBBank hay hệ thống ngân hàng thông minh MB SmartBank. Theo đó, khách hàng có thể chủ động mở tài khoản số đẹp hay mã thanh toán VietQR theo sở thích, đăng ký thẻ tín dụng siêu tốc hay tự thực hiện các giao dịch như rút – nộp tiền mặt, gửi tiết kiệm…. nhanh gọn với tốc độ xử lý gần như tức thì.
Cuộc đua mới về công nghệ trong năm 2022
Sự phát triển nhanh chóng của thế hệ "công dân số" trong dịch Covid-19 đang làm cho sự cạnh tranh của các ngân hàng số trên thị trường ngày càng trở nên gay gắt. Khách hàng ngày nay sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm, dịch vụ gia tăng trên ngân hàng số, đòi hỏi ngân hàng phải liên tục mở rộng tích hợp nhiều giải pháp tài chính trong một nền tảng duy nhất với mức độ cá nhân hoá cao hơn.
Trong cuộc đua mới, dữ liệu, AI và công nghệ phân tích sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những công nghệ này được sử dụng để xác định cơ hội thị trường, tạo điều kiện đổi mới, tinh chỉnh quyết định và hỗ trợ tiếp thị theo ngữ cảnh. Bên cạnh đó, để giải quyết nhu cầu về dung lượng và tốc độ, các ngân hàng sẽ ứng dụng các giải pháp về điện toán đám mây để lưu trữ dữ liệu và hỗ trợ phân tích ứng dụng, đồng thời nâng cao năng suất của nhân viên ngân hàng. Các công cụ tự động hóa quy trình như tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) và tự động hóa quy trình kỹ thuật số (DPA) cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vào năm 2022 và ngân hàng mở APIs (Open banking APIs) sẽ trở thành động lực chính của chuyển đổi số, tác động đến đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng, hiện đại hoá dữ liệu và tăng cường mối quan hệ với fintech trong thời gian tới.
Mặc dù, việc đầu tư cho công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua chuyển đổi số năm 2022 nhưng thách thức lớn nhất mà các ngân hàng phải đối mặt chính là việc tìm kiếm và phát triển đội ngũ nhân sự công nghệ có đủ năng lực để thích nghi với sự đổi mới nhanh chóng và dẫn dắt lực lượng lao động trong ngành ngân hàng. Các ngân hàng hiện nay đang nỗ lực đầu tư phát triển nhân lực, trong đó MBBank là một trong những ngân hàng có đội ngũ nhân sự và chuyên gia công nghệ lớn nhất chiếm 10% nhân sự toàn ngân hàng và dự kiến chiếm tới 25% nhân sự toàn ngân hàng vào năm 2024.
Vượt qua thách thức từ đại dịch, các ngân hàng đang tăng tốc nâng cao nội lực dựa trên nền tảng công nghệ, hướng đến chuyển đổi số toàn diện và bền vững để sẵn sàng bước vào cuộc đua cạnh tranh mới trong năm 2022.