Toàn cảnh phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm ngày 28/2
Ngày 28/2, Tòa án Nhân dân Hà Nội bước vào phiên xét xử thứ hai vụ án Hà Văn Thắm cùng 47 đồng phạm gây thất thoát nghìn tỷ đồng.
Phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) bước sang ngày làm việc thứ hai. Trong sáng nay, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục công bố cáo trạng truy tố các bị cáo, trọng tâm là hành vi chi trả lãi ngoài.
Tài liệu điều tra xác minh tại Hội sở ngân hàng Oceanbank, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài vượt quy định là hơn 1.576 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ 2011 – 2014 có hơn 51 nghìn cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại OceanBank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Ngân hàng Đại Dương chi trả. Trong đó có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc DN có nhiều vốn Nhà nước (chủ yếu nhóm khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin, nay là SBIC) có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên OceanBank nhận các khoản tiền lãi ngoài để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính. Các công ty dầu khí nhận lãi ngoài từ chục tỷ đến trăm tỷ của OceanBank.
Cơ quan CSĐT đã có công văn gửi tới 392 tổ chức gửi tiền tại OceanBank yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu liên quan việc gửi tiền, nhận tiền lãi ngoài và yêu cầu nộp lại tiền lãi ngoài đã nhận bất chính từ hành vi vi phạm pháp luật, nhưng mới có 143 tổ chức trả lời trong đó có 19 tổ chức nhận là có nhận lãi ngoài, còn 124 tổ chức nói không nhận lãi ngoài. Trong khi đó nhiều giám đốc chi nhánh cũng tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả.
Thực hiện yêu cầu điều tra mở rộng vụ án, ngày 13/10/2016, Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 59/C46-P11 và Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt giam đối với Trần Đức Chính, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 281 Bộ luật hình sự để điều tra làm rõ. Đối với Tập đoàn Dầu khí và các công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí, Cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra làm rõ hành vi nhận tiền chi lãi ngoài của Nguyễn Xuân Sơn để xử lý trong vụ án này; số còn lại Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ để xử lý.
Tuy nhiên do thời hạn điều tra đã hết, diện đối tượng nhiều, hành vi của các đối tượng cơ bản độc lập với hành vi của các bị can đã khởi tố trong vụ án nên Cơ quan điều tra Bộ công an đã có quyết định tách hành vi gửi tiền vào ngân hàng Đại dương và nhận tiền lãi ngoài trái pháp luật có liên quan đến các khách hàng để tiếp tục điều tra giải quyết triệt để, thu hồi tài sản đảm bảo tính khách quan, công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an tiếp tục điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng của Tập đoàn Dầu khí theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn.
Trong buổi chiều, mở đầu lời khai, Hà Văn Thắm cho biết, về nắm Oceanbank từ năm 2003. Lúc đó ngân hàng đang mang tên TMCP nông thôn Hải Hưng với tổng số vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng. Lúc đó NH này yếu kém và có nguy cơ bị NHNN giải tán. Bị cáo đã góp vốn để vực dậy Ngân hàng và được phép chuyển đổi từ mô hình kinh doanh nông thôn sang đô thị.
Năm 2014, Hà Văn Thắm ngồi ghế Chủ tịch Ngân hàng và chiếm giữ vốn điều lệ hơn 62%. Toàn bộ số cổ phần góp vào Ngân hàng đều là thật vì số vốn điều lệ này đã được NHNN phong tỏa. Thời điểm cuối cùng huy động vốn điều lệ NH có tổng số vốn là khoảng 4.000 tỷ đồng.
Hà Văn Thắm thừa nhận đã từng thỏa thuận trực tiếp với bà Phấn về việc mua cổ phần của Ngân hàng Đại Tín song với tư cách cá nhân.
Hà Văn Thắm cũng thừa nhận đã chuyển 5 tỷ đồng để mua (gần 85% - PV) cổ phần của Ngân hàng Đại Tín cùng khoản nợ 3.500 tỷ đồng của ngân hàng này. Nhưng sau đó, nhận thấy ngân hàng này có một số khoản vay không tốt nên Hà Văn Thắm đã không thực hiện hợp đồng và giới thiệu cho Phạm Công Danh.
Hà Văn Thắm trả lời chất vấn của HĐXX. Ảnh: Tùng Lâm
Cũng tại phiên tòa, cả Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm đều thừa nhận quen biết nhau rất nhiều năm trong làm ăn, vay mượn. Cụ thể, theo lời khai của Hà Văn Thắm, ông Danh là bạn của ông Nguyễn Xuân Sơn. Khi ấy ông Sơn đưa ông Danh về OceanBank vay tiền để mua dự án trong Đà Nẵng. Tổng cộng OceanBank đã cho vay các công ty của ông Danh khoảng 1.300 tỷ đồng. Các khoản vay 2 bên đều được thanh toán đúng hạn, đầy đủ. Ông Danh là khách hàng của OceanBank.
Về khoản 500 tỷ cho công ty Trung Dung vay, Hà Văn Thắm khai "Bị cáo, bà Phấn, ông Danh gặp nhau duy nhất 1 lần vào năm 2011 để nói về việc mua cổ phần. Việc vay 500 tỷ này ông Danh và bị cáo không hề trao đổi với nhau".
Khi tòa hỏi bị cáo có phải là người chỉ đạo cho vay 500 tỷ, Hà Văn Thắm cho hay mình chỉ là người ký sau cùng. Đồng thời cũng không biết ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty Trung Dung, chỉ mới ngày hôm qua 27/2 mới biết ông Bình.
Hà Văn Thắm lý giải khi cho vay đã yêu cầu ký thỏa thuận 3 bên gồm OceanBank - Đại Tín - Trung Dung yêu cầu Đại Tín phải phong tỏa số tiền vay cho đến khi đầy đủ chứng từ gốc, nếu xảy ra sự việc phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên sau khi giải ngân được hơn 1 năm, bị cáo kiểm tra số dư tài khoản thì NH Xây dựng trả lời là 500 tỷ vẫn đang được phong tỏa.
Đối chất với lời khai của Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh khai rằng trước khi mua lại ngân hàng Trustbank từng có mong muốn thành lập ngân hàng riêng cho lĩnh vực Xây dựng.
"Tôi gặp anh Thắm và anh Thắm đã đặt vấn đề để lại cho tôi ngân hàng này và tôi đã trả chi phí khoảng 500 tỷ để có được quyền mua ngân hàng. Tôi cũng biết ngân hàng rất xấu. Nhưng khi nhận ngân hàng tôi không ngờ là nó lại xấu thế và tôi muốn trả lại cho NHNN", Phạm Công Danh cho biết.
Phạm Công Danh khai rằng đã chi cho ông Thắm 500 tỷ đồng. Tiền này là tiền để ông Danh có được quyền mua lại ngân hàng chứ không liên quan gì việc vay 500 tỷ của công ty Trung Dung.
Ông Danh cũng khẳng định việc đưa anh Thắm 500 tỷ là có chứng từ và có đề nghị luật sư chuẩn bị chứng từ này ra, đồng thời cam kết nếu nói không đúng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ngày mai (1/3) tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo.