Toàn cảnh tăng trưởng GDP ASEAN-6 quý 2/2024: Với 6,9%, Việt Nam có dẫn đầu khu vực?
Tính đến hiện tại, các nước trong khu vực ASEAN-6 gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines đã công bố kết quả tăng trưởng GDP quý 2. Vậy thứ hạng tăng trưởng của những nền kinh tế này thay đổi ra sao?
Indonesia
Dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Indonesia cho thấy, GDP của quốc gia này trong quý 2/2024 ghi nhận tăng tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn một chút so với mức 5,11% của quý 1/2024.
Ngân hàng trung ương Indonesia nhận định, tăng trưởng của Indonesia trong quý 2/2024 được hỗ trợ bởi sự gia tăng tiêu dùng và đầu tư của hộ gia đình. Theo đó, tiêu dùng hộ gia đình, lĩnh vực chiếm một nửa nền kinh tế Indonesia, ghi nhận tăng 4,93% nhờ sự tăng trưởng trong lĩnh vực vận tải và khách sạn.
Trong khi đó, xuất khẩu tăng 8,28% so với cùng kỳ năm trước, do lượng khách du lịch nước ngoài đến Indonesia tăng.
Đối với quý 3 và quý 4 năm nay, tháng trước Ngân hàng Indonesia dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi kế hoạch tăng kích thích tài khóa từ 2,3% lên 2,7% GDP, cùng với xuất khẩu tăng do nhu cầu mạnh hơn từ các đối tác thương mại chính của Indonesia.
"Indonesia dự kiến duy trì tăng trưởng trong nước vững chắc, hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 là 5%", Hosianna Situmorang, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Danamon cho biết. Bà nói thêm, "Với kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất toàn cầu, đặc biệt là kỳ vọng về Fed ôn hòa hơn, triển vọng kinh tế của Indonesia trong năm 2025 có vẻ đầy hứa hẹn".
Philippines
Theo số liệu mới nhất được Cơ quan Thống kê Philippines công bố, nền kinh tế Philippines ghi nhận tăng 6,3% trong quý 2 trong bối cảnh Chính phủ quốc gia này tăng chi tiêu.
Báo cáo cho biết, trong quý 2/2024, chi tiêu của Chính phủ Philippines ghi nhận tăng 10,7% nhờ các dự án cơ sở hạ tầng, nâng cấp thiết bị quốc phòng và chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2025 sắp tới. Trong khi đó, chi tiêu hộ gia đình, lĩnh vực vốn chiếm 70-80% GDP của quốc gia này, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Xã hội Philippines, ông Arsenio Balisacan cho biết, mặc dù có tốc độ tăng trưởng GDP ghi nhận cao nhất trong 5 quý gần đây, chi tiêu hộ gia đình trong giai đoạn này "tăng trưởng không mạnh như mong đợi" vì người tiêu dùng cảm thấy tác động chậm lại từ việc tăng lãi suất và lạm phát cao.
Việt Nam
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý 2/2024 tăng trưởng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý 2/2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73%; khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%.
Malaysia
Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Malaysia, GDP của quốc gia này trong quý 2 ghi nhận tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý 4/2022. Ngân hàng Trung ương Malaysia cho biết, tiêu dùng tư nhân vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 2.
Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ sự lan tỏa của chu kỳ công nghệ toàn cầu. Hoạt động du lịch cũng hồi phục mạnh mẽ, trong đó, ngành dịch vụ tăng trưởng 5,9% trong quý 2.
Trong bối cảnh Malaysia tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu, lĩnh vực xuất khẩu ghi nhận tăng 8,4% trong quý 2 từ mức tăng 5,2% của quý 1. Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng với tốc độ 4,7%.
Thái Lan
Dữ liệu từ Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) cho thấy, nhờ sự gia tăng trong tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu, GDP nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á ghi nhận tăng trưởng 2,3% trong quý 2/2024 so với cùng kỳ. NESDC hiện dự kiến tăng trưởng GDP năm 2024 của Thái Lan sẽ đạt khoảng 2,3-2,8%.
NESDC nhận định, nền kinh tế Thái Lan tụt hậu so với các nước trong khu vực vì phải đối mặt với nợ hộ gia đình và chi phí vay cao cũng như xuất khẩu chậm chạp trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại hàng đẩu của Thái Lan, có xu hướng chậm lại.
Singapore
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) vào ngày 12/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2/2024 của quốc gia này tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn hơn một chút so với mức tăng trưởng 3% trong quý đầu tiên của năm 2024.
Theo đó, kết quả tăng trưởng kinh tế của Singapore được hỗ trợ bởi sự phục hồi của ngành sản xuất. Cụ thể, sau mức giảm 1,7% trong quý đầu tiên của năm 2024, lĩnh vực này đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,5% trong quý 2/2024. Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng như ngành sản xuất hàng hóa cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 4,3% và 1,3%.
Nhìn lại quý 1/2024, Philippines là quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực ASEAN-6 với tăng trưởng GDP đạt 5,7%. Trong khi đó, với tăng trưởng GDP ở mức 5,66%, kinh tế Việt Nam đứng xếp thứ 2 trong khối các nước ASEAN-6 về kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2024.
Đứng thứ ba là Inonesia với GDP quý 1/2024 tăng 5,11% so với cùng kỳ. Theo sau là Malaysia với tăng trưởng GDP quý 1/2021 đạt 4,2% so với cùng kỳ. Xếp vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt là Singapore và Thái Lan, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 2,7% và 1,5%.
Sang đến quý 2, bức tranh kinh của nhóm các quốc gia ASEAN-6 đều ghi nhận tăng trưởng so với quý trước. Đáng chú ý, với tăng trưởng GDP trong quý 2 đạt 6,93%, Việt Nam đã vượt Philippines để trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Đứng thứ hai là Philippines với GDP tăng 6,3%.
Đứng thứ ba là Malaysia với GDP quý 2/2024 tăng 5,9% so với cùng kỳ. Theo sau là Indonesia với tăng trưởng GDP quý 2 đạt 5,05% so với cùng kỳ. Xếp vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt là Singapore và Thái Lan, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 2,9% và 2,3%.