Trong vài thập kỷ tới, Việt Nam sẽ là nơi thu hút dòng vốn từ thị trường dẫn đầu thế giới về điện tử, chiếm hơn 70% thị phần chip cao cấp?
Theo đánh giá của bà Daphne Lee, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Đài Loan (Trung Quốc) và ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, nhiều hoạt động sản xuất tiên tiến từ Đài Loan sẽ được chuyển dịch sang Việt Nam trong vài thập kỷ tới.
Đài Loan (Trung Quốc) vốn nổi tiếng là thị trường dẫn đầu thế giới về điện tử và chất bán dẫn, chiếm hơn 70% thị phần chip cao cấp. Các công ty Đài Loan sản xuất hơn 80% máy tính cá nhân và 90% máy chủ trên thế giới.
Trong bài phân tích mới nhất, bà Daphne Lee, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Đài Loan và ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết, trong năm 2023, thương mại giữa ASEAN và Đài Loan đạt 117 tỷ USD vào năm 2023. Trong đó, các nền kinh tế ASEAN chiếm 17,6% kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan.
"Kể từ đại dịch Covid-19, hành lang thương mại của cả hai thị trường đã được nâng lên tầm cao mới, phần lớn là do sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện tử", lãnh đạo HSBC cho hay.
Đáng chú ý, bà Daphne Lee đề cập, Việt Nam nổi lên như là điểm đến đầu tư hàng đầu thu hút các doanh nghiệp Đài Loan. Cụ thể, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chỉ ra rằng, năm 2023, vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam đã tăng gấp 4 lần so với năm 2022, đạt cột mốc 2,2 tỷ USD. Lũy kế đến nay, Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ tư của Việt Nam, có gần 3.200 dự án với tổng vốn đăng ký vượt 39,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Đài Loan đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương hàng năm hiện nay đạt 25 tỷ USD. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, có tổng cộng 39 dự án đầu tư mới từ Đài Loan vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực điện tử, may mặc và thiết bị điện, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 513,37 triệu USD, tương đương 49% tổng vốn FDI của Đài Loan trong giai đoạn này.
"Nhìn xa hơn, rõ ràng thế mạnh của Đài Loan trong lĩnh vực công nghệ khiến họ trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của tương lai", bà Daphne Lee nhận định.
Theo vị lãnh đạo HSBC Đài Loan, cơ hội này mang tính tương hỗ, khi mà các doanh nghiệp Đài Loan có thể tăng cường liên kết thương mại của họ tại ASEAN, thì các công ty công nghệ quốc tế ngày càng xem Đài Loan như một đối tác đầu tư hấp dẫn để hiện thực hóa các đổi mới công nghệ trên quy mô lớn.
Sức hấp dẫn của Việt Nam
Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho hay, Việt Nam đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Đài Loan nhờ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự tương đồng về văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo đó, Việt Nam sở hữu ngành công nghiệp bán dẫn được dự đoán sẽ đạt giá trị 20-30 tỷ USD vào năm 2030, với tham vọng trở thành mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Để hiện thực hóa những khát vọng này, Việt Nam đã bắt đầu ban hành các chính sách tập trung vào thu hút FDI chất lượng cao và tăng cường đào tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu một lực lượng lao động trẻ dồi dào, có tay nghề cao. Ngoài ra, đất nước 100 triệu dân cũng có vị trí địa lý chiến lược, thị trường tiêu thụ đang tăng trưởng, chi phí vận hành cạnh tranh, và trên hết là đã ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Nhờ các yếu tố này, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhận đầu tư từ Đài Loan lớn thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Singapore. Chi nhánh Bình Dương của Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam có hơn 600 thành viên, nhiều nhất trong số các Hiệp hội Thương mại dành cho các công ty Đài Loan trên toàn thế giới. Ngược lại, có đến hơn 250.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Đài Loan.
Việt Nam hiện đã quen thuộc với những gã khổng lồ Đài Loan trong lĩnh vực điện tử như Foxconn, Pegatron, Qisda, Compal, Quanta và Wistron. Hay mới đây, Việt Nam vừa nhận được khoản đầu tư trị giá 250 triệu USD từ Tripod Technology vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo ông Ahmed Yeganeh, gần đây, các công ty Đài Loan đã đẩy mạnh đầu tư vào các thiết bị điện tử tiên tiến hơn. Những khoản đầu tư như vậy sẽ giúp Việt Nam nâng cao trình độ của lực lượng lao động, gia tăng chuỗi giá trị sản xuất và thu hút các nhà cung ứng khác.
Với sự chuyển dịch then chốt từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang những lĩnh vực sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao, Chính phủ Việt Nam đang đưa ra các chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thu hút nhiều khoản đầu tư chất lượng hơn và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đài Loan.
Do mức độ chuyên môn hóa, sở hữu trí tuệ và chi phí vốn cần thiết, các hoạt động sản xuất phức tạp nhất – chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất – có khả năng vẫn sẽ được đặt tại Đài Loan trong tương lai gần.
"Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi ngày càng nhiều các hoạt động sản xuất tiên tiến sẽ chuyển dịch đến ASEAN và Việt Nam trong những thập kỷ tới, khi nhu cầu tăng cao và chuỗi cung ứng tại khu vực ngày càng phát triển hơn", vị chuyên gia của HSBC nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho biết thêm, bản thân kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng GDP trong quý 2/2024 đạt 6,9%. Điều này đã góp phần giúp tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm 2024 lên mức 6,42%, đây là cột mốc cao thứ hai trong vòng 5 năm trở lại đây.
"Kết quả vượt ngoài mong đợi này đã cho thấy rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cả năm 2024 là 6,5%, có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Những yếu tố này đã làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm các doanh nghiệp Đài Loan", ông Ahmed Yeganeh cho hay.