Toàn cảnh Tỷ lệ an toàn vốn CAR của các ngân hàng tại Việt Nam cuối năm 2022
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng. Theo thống kê, có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ an toàn vốn giữa các ngân hàng hiện nay. Đáng chú ý, một số nhà băng ghi nhận CAR trên 15%, thậm chí là trên 17% dù yêu cầu tối thiểu chỉ ở mức 8%.
- 21-12-2022Shinhan Bank: Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối 2023
- 21-12-2022Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh hút tiền sau hơn 1 tháng tạm dừng
- 21-12-202210 sự kiện nổi bật của ngành tài chính năm 2022
Hiện nay, hệ số CAR được tính theo thông tư số 41 năm 2016 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%. Theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025", ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.
Theo cập nhật gần đây của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 10/2022, tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng Thông tư 41 là 422.786 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 9,04%.
Trong khi đó, tổng vốn tự có của các NHTM Cổ phần đã áp dụng Thông tư 41 là 722.854 tỷ đồng, tăng 18,52% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn cao hơn khá nhiều so với các NHTM Nhà nước, đạt 12,29%.
Các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam còn có tỷ lệ an toàn vốn cao hơn, đạt 18,61% tính theo Thông tư 41 vào cuối tháng 10/2022.
Trước đó, theo công bố định kỳ, một số nhà băng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn ở mức rất cao trên 15%, gấp khoảng 2 lần so với yêu cầu tối thiểu 8% tại Thông tư 41.
Chẳng hạn, tại Shinhan Bank Việt Nam, tỷ lệ an toàn vốn tại ngày 30/6/2022 đạt 17,13%. HSBC Việt Nam cũng công bố CAR đạt 16,32%, cao hơn nhiều so với đa số các ngân hàng nội. Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng Việt, Saigonbank công bố tỷ lệ an toàn vốn cuối quý 2 của ngân hàng riêng lẻ là 15,33% và ngân hàng hợp nhất lên tới 17,34%.
Ngoài ra, 3 ngân hàng khác có CAR từ 15% trở lên (cập nhật đến cuối quý 3) là Techcombank (15,7%), HDBank (15,3%), VPBank (15%),…
Nhóm có CAR từ 12-14% có thể kể đến Eximbank (13,81%), SeABank (13,49%), TPBank (12,2%), OCB (12,5%), ACB (12,5%), VIB (12,4%), LienVietPostBank (12,31%) và MSB (12,17%).
Các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank và BIDV đang là những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết trên HoSE, tuy nhiên vẫn đáp ứng yêu cầu trên 8% theo quy định của Thông tư 41.
Theo Chứng khoán VNDirect, hệ số CAR đã ghi nhận cải thiện tốt trong những năm gần đây, khi các ngân hàng đang từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Hiện có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trong đó, 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Một số ít ngân hàng đã bắt đầu chuyển sang đáp ứng những tiêu chuẩn của Basel III. Những động thái này sẽ giúp các ngân hàng quản trị rủi ro và vốn hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, VNDirect cũng lưu ý, bộ đệm vốn của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ CAR trung bình của Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngân hàng trong khu vực. Thêm vào đó, tỷ lệ CAR của các ngân hàng quốc doanh chỉ cao hơn mức tối thiểu một chút và thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân.
Theo VNDirect, hiện tỷ lệ an toàn vốn CAR của các nước trong khu vực ASEAN đều cao hơn khá nhiều so với Việt Nam. Chẳng hạn, CAR bình quân của Indonesia là 22,6%, của Philippines là 17,2%, của Singapore là 17,1%, Thái Lan 19,6%, Malaysia 18,5%.
Trong một báo cáo phát hành gần đây, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng nhận định, việc hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực là một trong những thách thức trong năm 2023. Trong khi, các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II.
Mức đệm vốn của các tổ chức tín dụng ở mức thấp sẽ làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực từ các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại (đặc biệt là các ngân hàng thương mại Nhà nước) còn gặp nhiều khó khăn (do thị trường vốn suy giảm, việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại khó hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, khâu phê duyệt cho phép giữ lại cổ tức Nhà nước và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược,...).
Được biết, tại Việt Nam đã có hơn 20 ngân hàng thương mại được công nhận áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41. Mới chỉ một số ngân hàng Việt đã công bố hoàn thành Basel III như TPBank, SeABank, VPBank, Nam A Bank, ACB, OCB,…
Nhịp sống thị trường
- HDBank: Lơi nhuận 2023 đạt 13.017 tỷ đồng, ROE 24,2%, phát hành báo cáo bền vững 2024
- The Asia Banker đánh giá xếp hạng sức mạnh tài chính các ngân hàng Việt
- Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của LPBank
- Đâu là vấn đề khiến các ngân hàng lo lắng nhất trong năm 2023?
- Vì sao nhiều ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn điều lệ?