MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cảnh vụ cháy CCMN qua lời kể của Đội trưởng FAS Angel: Mèo cũng là sinh mệnh cần cứu, ám ảnh lối thang bộ

19-09-2023 - 20:45 PM | Sống

Nhớ lại vụ cháy chung cư mi ni (CCMN) số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân), Đội trưởng FAS Angel vẫn không khỏi bàng hoàng, xót xa. Đó có lẽ là những ký ức khôn nguôi, ám ảnh anh suốt cuộc đời.

Cũng như bao ngày trực khác, anh Phạm Quốc Việt (SN 1987, Nam Định) – Đội trưởng FAS Angel (Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí cho người bị tai nạn với tôn chỉ “Không bỏ rơi ai cả”) cùng các thành viên có mặt tại số 2 Trần Vỹ (Cầu Giấy). Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 4 năm thành lập FAS Angel, các thành viên tề tựu, ngoài ra còn có những người quý mến các anh tham dự, gửi bánh chúc mừng.

Tưởng chừng bầu không khí sẽ náo nhiệt nhưng không, tất cả như chùng xuống. Ngồi một góc, anh Quốc Việt chất chứa bao nỗi niềm. Dù đã 6 ngày sau vụ cháy chung cư mini (CCMN) số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân) nhưng anh Việt vẫn không khỏi bàng hoàng, xót xa. 

Đêm hôm đó khi đang trong ca trực, anh nhận được cuộc gọi định mệnh rồi vội vã lên đường, khẩn trương cùng lực lượng PCCC ứng cứu nạn nhân.

Hoả tốc tới hiện trường sau 20 phút, chia “team” thành 3 nhóm sẵn sàng cứu nạn

- Đã 6 ngày qua đi, khi công tác cứu nạn hoàn tất, giờ định thần lại, cảm xúc trong anh là gì?

Cảm xúc của tôi lẫn lộn khi vừa trải qua một cú sốc, một cảnh tượng kinh hoàng. Tôi nghĩ nhiều người không chịu nổi khi chứng kiến nhưng với một người đã từng trải qua môi trường quân đội, từng chứng kiến cảnh người bị tai nạn trên đường thì mới giữ vững tinh thần.

Dù mọi chuyện đã qua nhưng khi ngồi kể cho người thân, bạn bè, báo chí truyền thông, tôi cũng suýt bật khóc, mặc dù tại hiện trường tôi không rơi giọt nước mắt nào. Tôi đã giữ đúng “linh hồn” của một người đội trưởng, một người đứng đầu FAS Angel, đủ vững mạnh, tỉnh táo lý trí. Bởi nếu tôi rơi nước mắt, suy sụp thì các thành viên sẽ sụp đổ theo. Chỉ tới khi về nhà, ngồi trong phòng tắm, kỳ cọ đôi tay của mình, tôi mới dám bật khóc.

Tôi nghĩ bản thân cần một thời gian dài mới có thể nguôi ngoai và biết cách kìm nén cảm xúc để tạm quên và tiếp tục sống.

Toàn cảnh vụ cháy CCMN qua lời kể của Đội trưởng FAS Angel: Mèo cũng là sinh mệnh cần cứu, ám ảnh lối thang bộ - Ảnh 1.

- Trong đêm định mệnh đó, nếu hoả hoạn không ập tới, phải chăng anh đang yên giấc ngủ?

Không, hôm đó tôi đang trực ở số 2 Trần Vỹ, cùng các thành viên sơ cứu cho nạn nhân bị nạn giao thông nhẹ. Khi tiếp nhận thông tin khẩn từ đội PCCC là lúc 11h45, tôi lập tức giao lại nhiệm vụ để tới Khương Hạ và có mặt lúc 12h05. Tới nơi, tôi nhanh chóng phối hợp với đội PCCC thực hiện công tác ứng cứu, tiến hành chia nhóm. “Team” của tôi gồm 21 người, được chia thành 3 nhóm, thành viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 2008, hiện đang là học sinh cấp 3:

- Nhóm S: Do tôi điều hành trực tiếp, quan sát khi ngọn lửa tạm thời được khống chế là phối hợp cùng lực lượng cứu hỏa tiếp cận các tầng của tòa nhà.

- Nhóm A: Hỗ trợ những nạn nhân bị thương, chuyển nạn nhân lên xe cấp cứu đang đợi bên ngoài hoặc chính xe cấp cứu của “team”. Hôm đó, chúng tôi đã chuyển 2 nạn nhân nguy kịch, trong tình trạng ngừng tuần hoàn, phải cố gắng CPR (hồi sinh tim phổi) cho nạn nhân nhưng không thành công.

- Nhóm B: Phụ trách ở ngoài hiện trường, vận động người dân chuẩn bị nước, đồ ăn, trang thiết bị sơ cứu như chăn, màn, ga giường,… để lực lượng cứu hoả, cứu hộ và các tình nguyện viên sử dụng.

Lực lượng được chia đều ra các nơi. Nhóm A vòng ra phía sau toà nhà, ứng cứu những người không chịu được lửa bỏng và nhảy xuống. Chúng tôi đưa được 3-5 nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu.

Nhóm S được tôi triệu tập một hướng, nhanh chóng xin người dân xung quanh mũ bảo hiểm, đi giày đầy đủ, kiểm tra sơ bộ sức khoẻ rồi tiến vào sâu bên trong hiện trường, bắt đầu công cuộc tìm kiếm những nạn nhân còn sống sót.

- Như anh chia sẻ, trong “team” có những thành viên trẻ tuổi, thậm chí có bạn sinh năm 2008 – đang là học sinh, vậy anh đã hướng dẫn các bạn ra sao để đảm bảo an toàn?

Tôi đã cẩn thận quan sát hiện trường, đây cũng là một trong những tính cách của cựu quân nhân như tôi. Tôi đã quen với không gian tối, hẹp, kín và có nhiều rủi ro nên có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hướng dẫn mọi người.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tôi cùng 4 đồng chí đội PCCC toả ra các tầng trước để thăm dò hiện trường, đồng thời đưa được 12 nạn nhân còn sống xuống bằng lối cầu thang bộ.

Sau khi đã đánh dấu tất cả vị trí có nạn nhân, tôi cùng các thành viên trong “team”, đội PCCC vào hiện trường, mọi hoạt động đều có sự giám sát 100% từ tôi. Và tôi cũng hướng dẫn chi tiết cho các thành viên, chẳng hạn như cách trùm chăn ra sao, cách dùng ga giường tẩm nước thế nào,… Đồng thời, các tình nguyện viên đều xung phong và cam kết chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn.

Ám ảnh lối thang bộ tầng 8 lên tầng 9, bất lực trước những ánh đèn flash

- Trong quá trình cứu hộ, cứu nạn, đâu là điều khiến anh ám ảnh nhất?

Tôi không biết đã chịu đựng những tiếng la hét của nạn nhân, tiếng gào khóc của người nhà nạn nhân ra sao. Nhiều người bất tỉnh, phải đưa đi cấp cứu khi họ chứng kiến người thân của mình được đưa xuống.

Nhưng có lẽ khung cảnh khiến tôi ám ảnh khôn nguôi là lối thang bộ tầng 8 dẫn lên tầng 9 bởi có nhiều người tử nạn. Họ chồng lên nhau, có đến hơn 20 người, bao gồm cả trẻ em. Tôi sững lại vài giây, lặng người trước những ánh đèn flash họ mới bật vẫn sáng. Ngay lập tức, tôi rút máy đo nhịp tim, máy đo nồng độ oxy trong máu để đo từng người. Tôi gọi trong vô vọng: “Còn ai không?” nhưng không ai trả lời.

Sau giây phút đó, tôi biết tất cả những người nằm đây đều tử nạn, tôi ngồi bệt xuống dưới, thẫn thờ chờ lực lượng cứu nạn quay lên và trao đổi nhanh: “Nếu ai không đủ lý trí thì tôi khuyên chân tình, các bạn đừng bước lên tầng trên. Hãy để chúng tôi chuyển nạn nhân xuống”. Nhưng mọi người đều xung phong lên làm nhiệm vụ và họ đã sốc, chùn chân lại. Họ trở nên mệt mỏi, buồn chán, thất vọng vì thương người xấu số.

Toàn cảnh vụ cháy CCMN qua lời kể của Đội trưởng FAS Angel: Mèo cũng là sinh mệnh cần cứu, ám ảnh lối thang bộ - Ảnh 2.

Tôi nhanh chóng sốc lại tinh thần mọi người, yêu cầu họ cấp tốc di chuyển các nạn nhân xấu số xuống trước 6 giờ sáng để người dân và trẻ nhỏ sinh sống tại khu dân cư xung quanh không chứng kiến cảnh tượng đau lòng. Khi di chuyển nạn nhân xấu số, tôi không ngừng nói: “Tôi sẽ đưa từng người xuống, không để các bạn ở đây đâu, không ở căn nhà này nữa”.

7 giờ kém – khi công tác cứu nạn đã hoàn tất, tôi ngồi trên sân thượng chung cư, cảm xúc lúc đó không biết vui hay buồn. Nụ cười của tôi như nàng Mona Lisa, rất khó phân tích bởi cảm xúc lẫn lộn. Tôi vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời gian hoạch định, không để người dân và trẻ nhỏ nhìn thấy. Nhưng tôi buồn vì số người tử nạn quá nhiều.

- Được biết, nhiều vật nuôi của nạn nhân trong vụ hoả hoạn đã được các anh cứu sống?

Chúng tôi tiếp cận một phòng và phát hiện có nhiều lồng mèo. Tôi kiểm tra và thấy một số chú mèo đang thoi thóp thở rồi yêu cầu thành viên trong “team” mang xuống dưới. Có người bảo tôi nên tập trung tìm người còn sống trước, mèo cũng chỉ là vật nuôi. Nhưng tôi trả lời rằng mèo cũng là sinh mệnh, tất cả những thứ gì còn thở thì còn phải cứu.

Số mèo sau đó được bàn giao cho công an phường, đã có những người tới nhận nuôi những chú mèo, dành tặng cho chúng một cuộc đời thứ hai.

Toàn cảnh vụ cháy CCMN qua lời kể của Đội trưởng FAS Angel: Mèo cũng là sinh mệnh cần cứu, ám ảnh lối thang bộ - Ảnh 3.

- Đứng trước hiện trường ám ảnh như vậy, có khi nào anh thấy sợ hãi không?

Tôi không sợ, thực thể nằm đó là con người, dù họ còn sống hay đã khuất cũng là con người. Khi họ đang gặp nạn như vậy, chắc chắn tôi và các thành viên sẽ che chở và giúp đỡ họ. Đó là nhiệm vụ của FAS Angel. Và đấy cũng là điều ý nghĩa mà tôi muốn nói ngay từ đầu khi thành lập nhóm. Chúng tôi là những thiên thần có thể hỗ trợ mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào.

“Tôi cũng khoe nhà, khoe xe, khoe túi”…

- Người thân, bạn gái, bạn bè thân thiết đã bày tỏ sự quan tâm, động viên tới anh như thế nào?

Ngay khi kết thúc công tác cứu hộ, tôi ngồi trên tầng thượng, mượn máy điện thoại của một người vì trước đó, tôi đưa ra lệnh cấm không mang điện thoại cá nhân vào hiện trường. Tôi không muốn những bức ảnh tang thương lọt ra ngoài. Nhưng khi lên tầng thượng, thấy một người có máy, tôi đã mượn với mục đích đầu tiên để kiểm tra xem anh ấy có chụp ảnh không.

Sau đó, tôi dùng điện thoại chụp một bức ảnh gửi về cho bố, cho bạn gái và vào máy điện thoại của chính tôi. Tôi cũng đăng một dòng trạng thái chia sẻ cảm xúc lên MXH, được nhiều người nhận ra và họ gửi lời hỏi thăm, chia sẻ, động viên. Tôi vui và tự hào khi biết có nhiều người quan tâm, yêu thương mình.

- Nhiều người gọi anh là “anh hùng”, “người hùng không áo giáp”,… chắc hẳn anh cảm thấy tự hào, hạnh phúc?

Họ gọi tôi bằng nhiều mỹ từ nhưng tôi chỉ xin nhận tôi là một người tốt và hiểu mình tốt đến mức nào. Những lời còn lại, bản thân họ cảm phục, cảm mến dành tặng lời khen thì tôi biết ơn. Nhưng tôi không muốn trở thành anh hùng như vậy, khi phải chứng kiến người tử nạn.

- Ca sĩ Hà Anh Tuấn từng có câu nói truyền cảm hứng: “Chúng ta khoe nhau tiền để làm gì? Giờ phải khoe cứu được bao nhiêu người, chữa được bao nhiêu người… Dân chơi là chơi kiểu đó. Giờ dân chơi vẫn khoe cái xe, cái túi, đồ đạc thế này thế kia thì lỗi thời rồi”, anh nghĩ sao về điều này?

Anh Hà Anh Tuấn nói vậy đúng một phần, nhưng cũng sai một phần. Tôi cũng khoe túi, khoe nhà, khoe xe thôi.

Tôi khoe túi – 2 túi cứu thương luôn mang trong người. Tôi khoe nhà – 1 căn nhà thuê nhưng có nhiều người tới đây học nghề sửa chữa xe máy và có các tình nguyện viên tới chơi. Đó là nơi trao đổi, giúp đỡ người khác và có thể đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời một người. Ngôi nhà thứ 2 này mang tên Angel Home. Tôi khoe xe – 3 xe cứu thương được đóng góp từ cộng đồng và có những chuyến xe đặc biệt chở đến cả trăm người bị nạn về quê hương.

Toàn cảnh vụ cháy CCMN qua lời kể của Đội trưởng FAS Angel: Mèo cũng là sinh mệnh cần cứu, ám ảnh lối thang bộ - Ảnh 4.

Ngoài ra, tôi còn khoe thêm một thứ nữa, đó là dù không có “fan” hâm mộ như các nghệ sĩ, ca sĩ nhưng tôi lại có hơn 150 tình nguyện viên đồng hành mỗi ngày để đi cứu người. Đó là điều tôi cảm thấy đáng để khoe nhất. Nếu bạn gặp anh Hà Anh Tuấn thì cho tôi chuyển lời nhé, rằng có một người còn khoe nhiều hơn.

Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi có gia đình thứ 2 là FAS Angel. Và FAS Angel giống như đứa con tôi sinh ra. Tôi sẽ chăm bẵm, nâng niu, duy trì và phát triển, đặc biệt tôi sẽ dành FAS Angel cho thế hệ sau. Nhất định tôi sẽ làm được điều này vì càng ngày càng có càng nhiều tình nguyện viên tâm huyết, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với tôi, không còn giống như năm 2017 – khi tôi phải đơn độc một mình đi cứu người nữa.

Xin cảm ơn anh vì buổi trò chuyện!

Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên