MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm

23-06-2023 - 21:05 PM | Sống

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm

Cùng nhìn lại toàn bộ quá trình tìm kiếm đầy thách thức của các lực lượng đa quốc gia.

Thảm kịch bắt đầu

Tàu lặn Titan là sản phẩm của công ty du lịch mạo hiểm có trụ sở tại Hoa Kỳ OceanGate Expeditions. Từ tháng 5/2023, công ty đã công bố tour du lịch thám hiểm tàu Titanic kéo dài 8 ngày với giá 250.000 USD (gần 5,9 tỷ đồng) mỗi người. Theo OceanGate, có chưa đầy 250 người được tận mắt chứng kiến xác tàu Titanic từ trước đến nay, vì vậy những người tham gia tour không chỉ là khách du lịch phổ thông mà còn mang trong mình "sứ mệnh thám hiểm".

Vào ngày 18/6/2023, trong một hành trình khám phá Titanic dưới đáy đại dương, tàu lặn đã mất liên lạc chỉ sau chưa đầy 2 giờ đồng hồ, trong tàu lúc này có 5 người, bao gồm tỷ phú người Anh Hamish Harding, người sáng lập OceanGate Stockton Rush, chuyên gia hàng hải người Pháp Paul-Henri Nargeolet, doanh nhân gốc Shahzada Dawood và con trai.

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm - Ảnh 1.

Hình ảnh tàu lặn Titan dưới đại dương.

Quá trình lặn của tàu ngầm Titan bắt đầu vào lúc 4h (giờ địa phương), sau đó con tàu mất liên lạc với tàu mẹ Polar Prince và được xác định là cách bờ biển của bán đảo Cape Cod khoảng 1.450 km. 8 tiếng kể từ khi Titan mất liên lạc, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ mới nhận được báo cáo mất tích, sự chậm trễ khiến quá trình tìm kiếm gặp nhiều thách thức.

Lực lượng tuần duyên Mỹ sau đó đã điều 2 máy bay tham gia chiến dịch tìm kiếm trên mặt biển, các tàu lặn công nghệ cao cùng máy bay trang bị hệ thống định vị sóng âm cũng được điều phối để tìm kiếm dưới lòng biển.

Về cấu tạo tàu ngầm Titan

Titan là tàu lặn nghiên cứu, có thể chuyên chở khoảng 5 người. Tàu được làm bằng titan và sợi carbon, dài 6,7 mét, nặng 10.432 kg, tương đương một chiếc ô tô trung bình và có khả năng lặn ở độ sâu gần 4.000 mét. Tàu được trang bị 1 camera, đèn chiếu sáng và máy quét để khám phá môi trường xung quanh. Cửa vòm trước tàu là cửa ra vào.

Mặc dù được sản xuất bằng vật liệu hiện đại nhưng ông David Lochridge, cựu Giám đốc Bộ phận vận hành trên biển tại Công ty OceanGate, từng cảnh báo về độ dày của thân tàu Titan và “những mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với hành khách trên tàu Titan khi tàu lặn đạt đến độ sâu cực lớn”. David cho rằng thiết kế vẫn mang tính thử nghiệm và con tàu thực tế chỉ có thể chịu được độ sâu khoảng 1.300 m, nếu lặn xuống sâu hơn thì có khả năng gặp nguy hiểm.

Lochridge sau đó đã nói trong hồ sơ tòa án rằng ông đã bị chấm dứt hợp đồng (năm 2018) ngay sau khi nêu ra những lo ngại này. Hơn 30 chuyên gia sau đó đã gửi thư cho Giám đốc điều hành Stockton Rush của OceanGate nói rằng “phương pháp thử nghiệm được công ty này áp dụng có thể dẫn đến kết quả tiêu cực (từ nhỏ đến thảm khốc)”.

Nhìn chung, OceanGate trong nhiều năm đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các chuyên gia về sự an toàn của Titan. Tuy nhiên, toàn bộ sự cảnh báo đều đã bị phớt lờ.

Không ít thách thức khi tìm kiếm

Ngày 21/6/2023, Paul Zukunft, cựu lãnh đạo Tuần duyên Hoa Kỳ, cho biết họ phát hiện ra một số âm thanh từ khu vực mất tích nhưng ông cho biết khả năng kéo một con tàu lên từ độ sâu như vậy rất khó khăn, trừ khi có một nguồn lực lớn được chuẩn bị từ trước.

Hải quân Hoa Kỳ thậm chí đã điều động hệ thống trục vớt đại dương sâu Flyaway, hay FADOSS, thiết bị này có thể thu hồi vật nặng ở độ sâu hơn 6.000m - vượt qua cả độ sâu của tàu Titanic. Nhưng trước khi làm vậy, họ cần phải xác định vị trí tàu lặn mất tích trước. Kể cả sau khi phát hiện được rồi thì hệ thống cũng phải mất 24 giờ chuẩn bị, vượt quá nguồn cung không khí ước tính của tàu lặn. Nhìn chung, đây là một hoạt động quy mô lớn có thể tốn hàng triệu đô, còn xác suất tìm được nạn nhân sống sót là rất thấp.

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm - Ảnh 2.

(Nguồn ảnh: CNN)

Thân thế 5 người thiệt mạng trên tàu

Tỷ phú gốc Pakistan Shahzada Dawood và con trai Suleman

Theo hãng tin BBC, Shahzada Dawood (48 tuổi), Phó chủ tịch của Tập đoàn Engro - một trong những tập đoàn lớn nhất của Pakistan, có mặt trên con tàu Titan cùng với con trai của ông, Suleman (19 tuổi). Cả 2 đều mang quốc tịch Anh. Theo AFP, tập đoàn Engro có trụ sở chính tại thành phố Karachi (Pakistan) và có nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, hóa dầu và viễn thông.

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm - Ảnh 3.

Theo hồ sơ của Viện SETI, một tổ chức nghiên cứu ở California mà Shahzada là người được ủy thác, ông sống ở Anh với vợ là Christine cùng các con, Suleman và Alina.

Shazada có bằng Cử nhân Luật của Đại học Buckingham (Vương quốc Anh) và bằng Thạc sĩ Khoa học về Tiếp thị Dệt may Toàn cầu của Đại học Philadelphia (Mỹ). Cha của Shazada, ông Hussain Dawood, thường được báo chí địa phương xếp vào danh sách những người giàu nhất Pakistan.

Ông Shahzada cũng là thành viên trong Ban cố vấn toàn cầu cho tổ chức từ thiện của Vua Charles, Prince's Trust International.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba (20/6), gia đình nhà Shazada Dawood ở Pakistan xác nhận 2 bố con tỷ phú này đã lên đường đến thăm tàn tích tàu Titanic ở Đại Tây Dương.

Tỷ phú người Anh Hamish Harding

Ông Hamish nổi tiếng là một nhà thám hiểm với 3 kỷ lục Guinness thế giới. Vị doanh nhân 58 tuổi người Anh này là chủ tịch của hãng máy bay Action Aviation, một công ty kinh doanh và điều hành cung cấp các dịch vụ trong ngành hàng không.

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm - Ảnh 4.

Theo AFP, ông Hamish từng dành 5 năm ở thành phố Bangalore, bang Karnataka (Ấn Độ) để làm giám đốc điều hành của một công ty hậu cần, trước khi thành lập Action Aviation vào năm 2004.

Ông đã tới Nam Cực nhiều lần, trong đó có một lần đi cùng cựu phi hành gia người Mỹ Buzz Aldrin. Ông giữ kỷ lục thế giới về thời gian ở độ sâu dưới đáy của đại dương trong thời gian dài nhất khi lặn xuống vị trí sâu nhất của rãnh Mariana. Ông Hamish cũng đã lập kỷ lục Guinness thế giới về hành trình bay vòng quanh Trái đất nhanh nhất bằng máy bay qua Bắc và Nam Cực vào năm 2019. Năm 2022, ông đã bay vào vũ trụ trên chuyến bay thứ 5 đưa con người vào không gian do công ty Blue Origin tổ chức.

Trước hành trình lặn ngắm xác tàu Titanic, ông Hamish đã đăng trên mạng xã hội cho biết mình sẽ đi cùng tàu Titan của OceanGate Expeditions với tư cách là một chuyên gia sứ mệnh.

Paul-Henry Nargeolet

Paul-Henry Nargeolet, cựu thợ lặn Hải quân Pháp, cũng có mặt trên tàu lặn Titan. Sky News đưa tin, trong suốt 25 năm phục vụ trong Hải quân Pháp, ông lên đến chức đội trưởng của nhóm lặn sâu.

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm - Ảnh 5.

Người đàn ông 77 tuổi này là giám đốc “nghiên cứu dưới nước tại một công ty sở hữu quyền đối với xác tàu Titanic”. Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh France Bleu vào năm 2020, Gurgeolet đã cởi mở về sự nguy hiểm của việc lặn sâu, nói rằng: “Tôi không sợ chết, tôi nghĩ một ngày nào đó điều đó sẽ xảy ra”.

CEO Stockton Rush

Stockton Rush, Giám đốc điều hành của OceanGate Expeditions, cũng có mặt trên chiếc tàu lặn.

OceanGate tổ chức chuyến đi kéo dài 8 ngày tới vị trí xác tàu Titanic nằm cách bờ biển Newfoundland 600km. Chuyến thám hiểm trị giá 250.000 USD (tương đương gần 6 tỷ đồng) cho mỗi người, bắt đầu ở St John's, Newfoundland, Canada.

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm - Ảnh 6.

Theo hồ sơ của Stockton Rush trên trang web của OceanGate, ông trở thành phi công vận tải phản lực trẻ nhất được xếp hạng trên toàn cầu vào năm 1981 ở tuổi 19. Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News vào tháng 2 năm nay, ông Rush đã nói về việc đến thăm xác tàu Titanic trước đó.

Thi thể sẽ không bao giờ được tìm thấy

Một phương tiện điều khiển từ xa (ROV) đã định vị các mảnh vỡ của tàu Titan dưới đáy biển cách mũi xác Titanic khoảng 500m vào sáng 22/6 (giờ GMT), Chuẩn Đô đốc John Mauger, chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển số 1 Mỹ, cho biết trong một cuộc họp báo.

Các mảnh vỡ đã được phân tích và xác nhận là của Titan và các thành viên trong gia đình những nạn nhân thiệt mạng được thông báo rằng không có ai sống sót.

Đô đốc Mauger cho biết thêm, thi thể của 5 người thiệt mạng có thể sẽ không bao giờ được tìm thấy. “Đây là môi trường cực kỳ khắc nghiệt dưới đáy biển và các mảnh vỡ phù hợp với vụ ép bẹp thảm khốc xảy ra với con tàu".

"Những mảnh vỡ cho thấy một sự ép bẹp thảm khốc đã xảy ra ở khoang kháng áp", chuẩn đô đốc John Mauger cho hay.

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm - Ảnh 7.

Một trong những người sáng lập OceanGate, ông Guillermo Sohnlein, cho hay vụ ép nát rất có thể đã xảy ra từ 4 ngày trước, khi con tàu sắp đáp xuống đáy đại dương gần xác Titanic. Theo tiến sĩ Radolaw Kicinski thuộc lực lượng hải quân Ba Lan, hiện tượng này xảy ra gần như tức thời, diễn ra chỉ trong một vài phần nghìn giây (vài milisecond). Điều này đồng nghĩa với việc 5 người trên khoang đã tử vong ngay lập tức, đến nỗi họ không kịp nhận ra có bất ổn.

Giới chuyên gia cho rằng cần thu hồi các mảnh vỡ dưới đáy biển để tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ. Tuy nhiên, công việc này không dễ dàng. Các thiết bị lặn không người lái đang tiếp tục thu thập bằng chứng, dấu vết dưới đáy biển để có thêm thông tin về thảm kịch, 5 mảnh chính của tàu Titan đã được tìm thấy, nhưng quá trình trục vớt thi thể nạn nhân gặp khó khăn vì điều kiện khắc nghiệt.

Trách nhiệm thuộc về OceanGate?

Tàu Titan được điều hành bởi OceanGate Expeditions, một công ty tư nhân có trụ sở tại Washington chuyên cung cấp dịch vụ thám hiểm biển sâu cho mục đích thương mại và khoa học. Công ty cũng đã trở nên nổi tiếng với các chuyến du lịch biển sâu hàng đầu.

Các chuyến thám hiểm đầu tiên tới vị trí xác Titanic là vào năm 2021 và 2022, OceanGate cho biết họ sẽ quay lại xác tàu đắm hàng năm để khảo sát sự phân hủy của nó.

OceanGate đã điều hành hơn 10 chuyến thám hiểm dưới nước, bao gồm cả hành trình đến vị trí vụ đắm tàu Andrea Doria, nằm ở độ sâu 73m dưới nước gần đảo Nantucket, bang Massachusetts (Mỹ).

Ngoài Titan, công ty này còn vận hành 2 tàu lặn sức chứa 5 người khác, bao gồm cả Antipodes và Cyclops 1.

Trong khi Antipodes và Cyclops 1 chỉ có thể di chuyển lần lượt ở độ sâu 300m và 500m dưới bề mặt đại dương, OceanGate cho biết Titan được thiết kế để lặn sâu tới 4.000m - vừa đủ để tiếp cận xác tàu Titanic, nằm ở độ sâu khoảng 3.810m.

Trước những lời lời chỉ trích từ chuyên gia về sự an toàn của Titan, OceanGate đưa ra phản hồi trong một bài đăng trên blog năm 2019 giải thích tại sao công ty quyết định không phân loại Titan - nghĩa là nhờ một nhóm độc lập đánh giá một loạt tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về an toàn, có được đáp ứng hay không, vốn là tiêu chuẩn của ngành. OceanGate lập luận rằng “sự đổi mới thường nằm ngoài mô hình hiện tại của ngành” và “bản thân việc phân loại là không đủ để đảm bảo an toàn”.

Ông Stockton Rush có vẻ khá ung dung. “Ý tôi là, nếu bạn chỉ muốn được an toàn, thì đừng ra khỏi giường, đừng lên xe, đừng làm gì cả”, Stockton Rush nói với đài CBS vào năm 2022. “Tại một thời điểm nào đó, bạn đang sẽ chấp nhận một số rủi ro và đó thực sự là một câu hỏi giữa rủi ro và phần thưởng”. Ông nói thêm rằng an toàn là một “sự lãng phí”.

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm - Ảnh 8.

Mô phỏng vị trí ngồi của 5 hành khách trên tàu lặn Titan.

Được biết, trước khi bắt đầu chuyến thám hiểm biển sâu, OceanGate đã yêu cầu 5 hành khách ký vào các tờ đơn miễn trừ trách nhiệm, kể cả trường hợp tử vong. Chính vì vậy, theo các chuyên gia pháp lý, gia đình nạn nhân có thể sẽ khó kiện công ty này.

Phó giáo sư Mercogliano nói rằng ông muốn biết công ty nào đã bảo hiểm cho OceanGate bởi “thông thường công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu một tổ chức tiến hành phân loại phương tiện để đảm bảo rằng tàu lặn đáp ứng tất cả các yêu cầu trước khi bảo hiểm cho họ".

Ông nói: “Câu hỏi về trách nhiệm pháp lý được đặt ra không chỉ đối với OceanGate mà còn đối với nhà điều hành tàu mẹ, Polar Prince, vì tàu đó được gắn cờ và có trụ sở tại Canada”. Hiện tại, OceanGate chưa công khai bất kỳ thông tin nào về vấn đề bảo hiểm liên quan đến vụ tai nạn này.

Du lịch biển sâu nguy hiểm như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, những người không phải là chuyên gia thám hiểm biển sâu sẽ không thể tiếp cận gần đáy biển. Nếu có, họ thường được đi cùng hoặc huấn luyện bởi những người biết cách vận hành máy móc dưới biển sâu và phải làm gì trong các tình huống khẩn cấp.

Nói chung, thiết bị lặn dưới biển sâu luôn có một số biện pháp dự phòng để bảo vệ những người bên trong.

Toàn cảnh vụ tai nạn tàu lặn Titan: Cuộc dạo chơi nghiệt ngã cướp đi sinh mạng 5 nhà thám hiểm - Ảnh 9.

Bởi vì các chuyến thám hiểm biển sâu rất tốn kém nên có rất ít cách để thực hiện. Chẳng hạn, nghiên cứu do chính phủ tài trợ, có nhà hảo tâm cực kỳ giàu có (hoặc bản thân bạn cũng giàu có), hoặc được ký hợp đồng làm nhân viên của một ngành chuyên hoạt động dưới đáy biển sâu.

Mới đầu tháng này, một nhà khoa học người Florida - có biệt danh là “Dr. Deep Sea” - đã phá kỷ lục thế giới về việc sống dưới nước lâu nhất - 100 ngày.

Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ như vậy. Sự an toàn, tất nhiên, phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và hệ thống bảo vệ xung quanh. Năm 1983, đội thợ lặn làm việc cho Byford Dolphin, một giàn khoan dầu nửa nổi nửa chìm ở Biển Bắc, đã trải qua một tai nạn khủng khiếp. Chuông lặn (cấu trúc duy trì áp suất để giữ an toàn cho thợ lặn), được thả ra trước khi cửa của buồng thông nhau đóng hoàn toàn. 3 trong số những người thợ lặn đã chết ngay lập tức khi nitơ trong cơ thể họ phun ra thành khí. Một người khác bị hút qua một khe hở, các cơ quan nội tạng của anh nằm rải rác trên boong tàu sau khi bị xé toạc khỏi cơ thể.

Tai nạn với tàu ngầm Titan của công ty OceanGate đã khiến cả thế giới chú ý tới dịch vụ du lịch mạo hiểm ít người biết đến: Thám hiểm xác tàu Titanic bằng tàu ngầm.

Cùng với những dịch vụ du lịch mạo hiểm được nhiều người biết đến hơn như bay vào vũ trụ hay leo lên đỉnh Everest, thám hiểm xác tàu Titanic cũng được giới siêu giàu thế giới lựa chọn để mang đến trải nghiệm khó quên ở nơi ít người đặt chân tới.

Tuy nhiên, sau thảm kịch lần này, có lẽ người ta sẽ thêm đắn đo mỗi khi quyết định tham gia bất kỳ hành trình du lịch mạo hiểm nào, dù là ở dưới nước, trên không hay ra ngoài không gian, kể cả giới siêu giàu.

Theo ĐÔNG HÀ - MINH NHẬT

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên