MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cầu hóa, di cư và siêu quyền lực của các tập đoàn đa quốc gia

Để giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo giữa các địa phương, Chính phủ của các nước phát triển trợ cấp cho các công ty đầu tư vào khu vực khó khăn. Thế nhưng, những nỗ lực này không đem lại hiệu quả bền vững trong khi nếu mời được những tập đoàn đa quốc gia thì mọi việc lại khác.

Ở những quốc gia đang phát triển, mọi người sốt sắng di cư đến những trung tâm mới, như người Mỹ và người châu Âu đã làm vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Dân số Thượng Hải tăng gấp đôi từ năm 1980 đến năm 2010, giống biến đổi dân số ở Manchester từ năm 1811 đến 1841.

Trong khi đó, so với trước kia, người dân của các nước phát triển lại ít có khả năng và mong muốn di cư đến những nơi thịnh vượng hơn. Tại Mỹ, đất nước có truyền thống di chuyển nhiều, người dân giờ đây lại chủ yếu an cư. Nhưng thậm chí như vậy thì người Mỹ vẫn di cư nhiều hơn người châu Âu.

Mỗi năm, chỉ 2% người Mỹ chuyển đến bang khác, trong khi chỉ 1,5% người châu Âu di cư từ vùng này sang vùng khác trong phạm vi nước mình. Mặc dù tự do di chuyển rất thuận lợi trong khối EU, nhưng chỉ có 0,37% dân châu Âu chuyển đến nước khác trong khối.

Toàn cầu hóa, di cư và siêu quyền lực của các tập đoàn đa quốc gia - Ảnh 1.

Ảnh: Fintechage

Chính sách hạn chế dân số tại những nơi phát triển là một nguyên nhân. Quy định nghiêm ngặt về quy hoạch và việc dân chúng ưa thích mật độ dân số thấp đã giới hạn số lượng nhà xây mới ở các thành phố giàu có. Điều này khiến nhà cửa khó mua. Dù tiền lương ở những thành phố giàu có của Mỹ cao hơn những vùng nghèo, nhưng chênh lệch giá nhà đất vẫn vượt quá mức lương chênh lệch.

Cùng lúc đó, áp lực phải rời khỏi những vùng khó khăn giảm xuống. Những vùng này sẽ không biến mất nhờ phúc lợi tăng thêm của các bang. Vào thế kỷ 19, những thị trấn mỏ như Bodie của California, nơi từng có hàng nghìn người, một tòa soạn và một ga tàu, đã biến mất hoàn toàn khi vùng mỏ địa phương bị đóng cửa. Ngày nay, lợi ích của chính quyền và việc trả lương hưu đẩy mọi người vào lựa chọn giữa việc di cư hay ở lại và chấp nhận tình trạng thiếu thốn. Thực tế, thu nhập cố định càng nghèo nàn ở những nơi mà chi phí sinh hoạt thấp.

Nghiên cứu gần đây của David Schleicher, đại học Yale, cho thấy lợi ích của bang và lợi ích địa phương cản trở việc di cư. Theo một ước tính, lương hưu của giáo viên cống hiến 30 năm giảng dạy trong một bang cao gấp đôi lương của giáo viên dạy ở 2 bang khác nhau trong sự nghiệp. Lợi ích trói buộc người dân ở lại, do chính quyền lo sợ chảy máu chất xám. Một chương trình đại học mới đây ở New York yêu cầu người học phải làm việc tại bang này sau khi tốt nghiệp với số năm bằng với số năm nhận được hỗ trợ tài chính.

Xu hướng di cư giảm đi không chỉ là vấn đề của chính sách phúc lợi và quy mô của bang. Không chỉ mỗi công việc thay đổi khi mọi người chuyển nhà. Họ còn cắt đứt những ràng buộc xã hội khác từ nhà thờ đến câu lạc bộ săn bắn.

Đi đến những vùng đất mới có nghĩa là bỏ lại phía sau gia đình và bạn bè. Điều này tương đối khó khăn với tình trạng dân số già hiện nay. Khi dân số già, con cái phải chăm sóc cho cha mẹ già yếu, ông bà trở thành người chăm sóc trẻ. Vậy nên, rất nhiều người trong độ tuổi lao động cảm thấy khó có thể sống xa cha mẹ.

Trợ cấp của chính phủ không bền vững

Việc di cư dễ dàng hơn đem lại nhiều lợi ích. Khi nhiều lao động trẻ, có kĩ năng và nhiệt huyết làm việc, năng suất cao hơn thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Nhưng điều đó cũng khiến cuộc sống khó khăn hơn với những người ở lại. Nếu New York tiếp cận được nhiều người trẻ của Pennsylvania thì những vấn đề ở Scranton vẫn sẽ không được giải quyết. Những vấn đề này chỉ tập trung lại trong một nhóm dân số nhỏ hơn, già hơn và nghèo hơn.

Toàn cầu hóa, di cư và siêu quyền lực của các tập đoàn đa quốc gia - Ảnh 2.

Chênh lệch giàu nghèo giữa các bang của Mỹ (ảnh: Washington Monthly)

Ưu đãi thuế và trợ cấp dội xuống đông bắc Pennsylvania không mấy bền vững. Vào tháng 1, công ty sản xuất túi giấy của Mỹ rời trụ sở đến gần Scranton, một phần là do chế độ giảm thuế thu nhập cá nhân, quỹ đầu tư đào tạo nhân lực và 1.4 triệu đô la tiền vay nhà nước trợ cấp. Nhưng công ty này được dự đoán chỉ tạo thêm 38 việc làm.

Chính sách ưu đãi thuế và trợ cấp cho các "cụm doanh nghiệp" nhằm khuyến khích đầu tư vào các vùng kém phát triển hoàn toàn không hiệu quả. Vào những năm 90, Pháp bắt đầu thử nghiệm mô hình "đô thị miễn thuế". Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ tạm thời được miễn thuế và một số đóng góp phúc lợi xã hội. Kết quả là hầu hết việc làm được tạo ra ở các vùng này là nhờ các công ty từ những nơi khác chuyển đến; trong khi các vùng lân cận có số việc làm giảm xuống ngang với con số tăng lên ở vùng miễn thuế.

Phân tích hiệu quả của quỹ cơ cấu EU (đầu tư vào các vùng nghèo để thúc đẩy thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng) cho thấy quỹ này có vẻ giúp tăng sản lượng, giảm thất nghiệp nhưng theo cách không bền vững. Khi các quỹ đầu tư vào Cornwall và South Yorkshire (Anh) thì tình hình kinh tế ở hai nơi này được cải thiện, tỉ lệ thất nghiệp giảm dưới mức trung bình cả nước. Dù vậy, năm 2006, South Yorkshire không tiếp cận được với quỹ này và kết quả là sản lượng giảm, thất nghiệp tăng.

Siêu quyền lực nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia

Hơn 1.000 km về phía tây nam Scranton là thành phố Greenville. Nơi sở hữu dân cư lớn nhất ở tây bắc South Carolina này từng là trung tâm trù phú của ngành may mặc. Tuy vậy, nửa sau thế kỷ 20, cạnh tranh với nước ngoài đã tàn phá nền công nghiệp nơi đây.

Những năm đầu thập niên 90, các nhà lãnh đạo của South Carolina biết BMW có kế hoạch mở một nhà máy ở Mỹ. Hàng trăm thành phố săn đón người Đức với tất cả cái loại ưu đãi. South Carolina đã giành chiến thắng với lời đề nghị hơn 100 triệu đô la ưu đãi thuế và 1 đô mỗi năm tiền thuê cho mỗi 4m2 đất. Chính quyền bang và địa phương hứa hẹn đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Đại học Clemson và các trường cao đẳng cộng đồng địa phương phát triển chương trình đào tạo phù hợp với ngành sản xuất ô tô và các ngành cung cấp.

Nhà máy mà BMW xây dựng tại South Carolina còn đem lại nhiều lợi ích hơn bản thân nó. "Của hồi môn" của South Carolina đã mang lại nhiều hơn một "chú rể bảnh bao". Mạng lưới nhà cung cấp của BMW thu hút nhiều công ty khác, giúp cải thiện đường xá giao thông. Gần đây Volvo, một hãng sản xuất ô tô của Thụy Sĩ, tuyên bố kế hoạch xây dựng nhà máy gần Charleston, thành phố bên bờ biển South Carolina.

Toàn cầu hóa, di cư và siêu quyền lực của các tập đoàn đa quốc gia - Ảnh 3.

Nhà máy của BMW tại South Carolina (ảnh: Autoevolution)

Thành công của South Carolina cho thấy giá trị của việc hợp tác. Ở đây là vấn đề gà có trước hay trứng có trước trong việc thành lập cụm doanh nghiệp. Các hãng muốn đến nơi nào có công nhân, nhà cung cấp và cơ sở hạ tầng; công nhân lại muốn tới nơi các hãng đã và đang cung cấp những việc làm tốt. Sẽ không bên nào chịu đến nơi mà bên kia chưa ở đó.

Nhưng các bang có thể thu hút cả hai một lúc, tạo ra nên hạt nhân để từ đó một cụm doanh nghiệp có thể phát triển đủ để tự vận hành bền vững và tiếp sức mạnh cho các khu vực khác trong nền kinh tế địa phương.

Nhưng chiến lược nói trên không hề dễ dàng, do vậy thay vì tạo ra cụm doanh nghiệp, chính quyền có thể tập trung vào lan tỏa phương pháp sản xuất để tăng sức hút đối với các doanh nghiệp năng suất cao.

Cải thiện môi trường đầu tư ở các vùng khó khăn cũng là một giải pháp. Ý tưởng ở đây là sử dụng ưu đãi thuế để giúp nhà đầu tư tiếp cận cơ hội đầu tư theo vùng, biến những vùng khó khăn của các nước phát triển trở thành phiên bản trong nước của các thị trường mới nổi.

Các trường đại học cũng có thể đóng góp vào công cuộc này. Cuối thế kỷ 19, chính quyền liên bang Hoa Kỳ thiết lập các trường đại học cung cấp giáo dục kĩ thuật vững chắc cho nông dân và kĩ sư trẻ khắp đất Mỹ.

Sau này, các trường được giao thêm nhiệm vụ khác. Đầu tiên là tiến hành nghiên cứu nông nghiệp và kĩ thuật, thứ hai là mở rộng kết nối với nông dân và thợ máy để cung cấp cho họ thêm kiến thức về những thực hành mới, những kĩ thuật mới.

Ngày nay, nhiều trường trong số đó đã trở thành đại học nghiên cứu, thường xuyên phối hợp với các hãng địa phương để thương mại hóa các quỹ nghiên cứu, phát triển chương trình giảng dạy và cung cấp cho sinh viên nhiều việc làm mới. Các trường này có thể mở rộng đào đạo nhân lực và giúp đỡ các hãng địa phương làm chủ công nghệ mới.

Sự phân tán công nghệ và các hoạt động kinh tế là cần thiết vì tập trung công nghệ và hoạt động kinh tế tương đương với tập trung quyền lực. Từ những năm cuối của thập niên 90, logic của toàn cầu hóa khiến nền công nghiệp Mỹ trở nên ngày càng tập trung và sinh lời. Các hãng lớn có thể tận dụng tiềm lực tài chính và chính trị của họ để đàn áp hoặc mua lại các đối thủ tiềm năng, dẫn đến ngày càng ít các công ty tăng trưởng tốt và có tiềm lực có thể bám trụ trong nền kinh tế địa phương.

Toàn cầu hóa, di cư và siêu quyền lực của các tập đoàn đa quốc gia - Ảnh 4.

Ảnh: Scaffingamericalatina

Tuyên bố vào tháng 6 của Amazon rằng sẽ mua Whole Foods, một công ty sản xuất gia vị, dẫn đến giảm giá cổ phiếu của các công ty như Walmat, Target và Kroger. Khi Amazon tìm địa điểm đặt trụ sở thứ hai của mình, công ty này yêu cầu các thành phố của Mỹ về các điều kiện mà các thành phố có thể đáp ứng.

Rất nhiều thành phố đáp lại Amazon với những kế hoạch đầu tư chi tiết và nhiều ưu đãi hấp dẫn. Đây chính là bằng chứng thể hiện siêu quyền lực đang nằm trong tay các tập đoàn lớn của Mỹ.

 

 

Chu Lan Anh/ The Economist

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên