"Tôi 28 tuổi, chỉ vì một cuộc điện thoại đã suýt tự hủy đi sự nghiệp của bản thân": Làm việc có thể chịu khổ, nhưng đừng để chịu thiệt vì EQ thấp
Nổi giận là bản năng, khống chế cảm xúc là bản lĩnh. EQ có thể không giúp bạn đi thẳng đến con đường thành công, nhưng nó giúp bạn vượt qua được những vấp ngã không cần thiết, cũng khiến bạn sống hạnh phúc hơn.
Trên mạng có một câu hỏi rất hot: "Vào lúc nào, bạn sẽ cảm thấy EQ thật sự rất quan trọng?"
Sau khi xem xong các bình luận, tôi bỗng cảm nhận được một điều:
Đó không phải những câu trả lời, mà như là kinh nghiệm đúc kết từ một người trưởng thành sau khi trải qua những lần vấp ngã thì đúng hơn.
"Khi tôi vào thang máy, chỉ có hai người là tôi và sếp, tôi muốn nói chuyện gì đó để phá tan bầu không khí im lặng lúc này, nhưng lại chẳng biết nên nói gì, thế là chỉ biết im lặng cầu nguyện thang máy mau mở cửa.
Lần đầu vào quán bar cùng bạn bè, người khác đều cười đùa rất vui vẻ, tôi lại cảm giác như mình là người ngoài, thấy không quen, ngại ngùng như ngồi trên đống kim.
Lúc bàn đến chuyện tiền lương, trong lòng tôi thì mong muốn được tăng thêm 30%, nhưng đến lượt mình nói lại không biết nên nói sao cho phải.
Trước khi kết hôn, rõ ràng hai người chúng tôi rất ngọt ngào. Nhưng không hiểu sao sau khi kết hôn, chúng tôi lại thường hay "chiến tranh lạnh" với nhau, mà những lúc tranh cãi với anh ấy, tôi lại không thể giải thích được điều gì..."
Cuối cùng, có một bình luận, giống như bản tổng kết của những câu trả lời trước.
"EQ thật sự là một trong những thứ rất quan trọng với con người, đặc biệt là trong vấn đề giao tiếp, tình cảm cá nhân. Giống như tôi, mỗi lần chuyện đổ vỡ, đều do tôi quá ngốc. Tại sao EQ của tôi lại thấp như vậy chứ!"
EQ đấy à, trường học không kiểm tra, thầy cô không dạy, mà chỉ do tự mình trải nghiệm. Có người trời sinh EQ đã cao sẵn, nhưng có người phải vấp ngã nhiều lần, "trải đời" rồi mới cảm nhận và thay đổi được.
Daniel Goleman – nhà báo khoa học, từng tuyên bố rằng:
Những người có IQ không cao, nhưng EQ cao, thường được người khác giúp đỡ; nhưng những người có IQ cao, EQ không cao, lại thường bị người khác đánh giá là không thân thiện.
Đạo lý rất đơn giản, nhưng tiếc là sau khi lớn lên rồi, tôi mới hiểu được...
1. Dù có chịu khổ gì cũng được, miễn đừng ăn thiệt do EQ thấp
"Vì EQ thấp, mà tôi suýt chút tự hủy đi sự nghiệp của mình."
Lý Tiểu Ý, tác giả của nhiều cuốn sách hay, chẳng hạn như cuốn "Linh hồn phụ nữ có hương thơm" đã bán được hơn 3000 nghìn bản, hoặc cuốn mới ra "EQ là gì" vừa được quảng cáo trên màn hình Nasdaq ở New York. Cô ấy đã từng kể về kinh nghiệm của chính bản thân mình, khi EQ thấp, ở nơi làm việc sẽ gặp phải chuyện gì?
Mười năm trước, cô ấy còn chưa trải đời nhiều, lúc nào cũng chỉ biết vùi đầu vào công việc.
Lãnh đạo nói gì, cũng đồng ý. Dù biết trong đó có "hố", cũng nhảy vào mà chẳng dám nói "không." Có lần, cô ấy gánh tội oan thay người ta, mới nhịn không được mà trốn trong phòng vệ sinh khóc lớn.
Rõ ràng ý tưởng đầy bụng nhưng lại không dám phát biểu, bị lãnh đạo phê bình là: không để tâm khi họp!
Cô ấy làm nhiều việc nhất, nhưng cũng là người bị mắng nhiều nhất.
Có vài đồng nghiệp vào công ty cùng lúc với cô ấy, nhưng sau đó họ đều được thăng chức, tăng lương cả, chỉ có mình cô ấy, tiền lương vẫn thấp như lúc ban đầu.
Có lần, cô ấy bị một nữ khách hàng làm khó trong suốt 1 tháng trời, phương án sửa bao nhiêu lần cũng không vừa lòng, hợp đồng bàn mười mấy lần cũng không chịu kí tên.
Hôm đó sếp còn la cô ấy, đồng nghiệp thì cười nhạo, cô ấy thật sự rất tủi thân, vì không nhịn được nên đã nói qua điện thoại với khách hàng rằng:
"Yêu cầu của cô thật vô lý, cô cũng quá đáng lắm rồi, đừng tưởng có tiền là ngon, tôi cũng không thèm chờ cô kí tên nữa!"
Nói xong, còn giận dữ đập điện thoại thật mạnh, sau đó úp mặt lên bàn khóc lớn.
Kết quả thế nào?
Cô ấy tức giận với khách hàng quan trọng của công ty, bị sếp trách mắng, còn làm mất đi cơ hội được thăng chức lần này.
Cuối cùng, vừa bị sếp la, vừa bị phạt trừ lương, mất tiền thưởng và cơ hội thăng chức, mỗi ngày đi làm còn bị đồng nghiệp chê cười, tan làm cô ấy chỉ biết chạy thật nhanh về nhà úp mặt vào chăn khóc lớn, sống mỗi ngày đều như cực hình.
Sau đó, không ngờ cô ấy tình cờ gặp lại nữ khách hàng kia. Nữ khách hàng kia còn nói với cô ấy: "Cô đấy, nếu không muốn chịu thiệt thòi, thì cố gắng nâng cao EQ của mình hơn đi."
Cô ấy mới đáp: "Tôi trời sinh không biết cách nói chuyện rồi, vẫn là quên nó đi."
Nữ khách hàng kia mới cười, kiên nhẫn nói:
"Người sống trên đời, đọc sách, làm việc, kết hôn, sinh con, có việc nào không cần dùng đến EQ đâu? EQ cao không nhất thiết là phải nói nhiều, có người nói nhiều cũng chưa chắc khiến người khác ưa thích, nhưng có người im lặng, ít nói lại vẫn khiến người ta cảm thấy đáng yêu đấy thôi."
Nói xong, còn đưa cho cô ấy hai cuốn sách, bảo rằng hãy xem lại lịch sử của những người phụ nữ huyền thoại trên thế giới, từ đó học hỏi cách nâng cao EQ cho chính mình.
2. Thế nào là EQ cao?
Sau đó, cô ấy thực sự về đọc sách. Hết công nương Diana, đến Margaret Thatcher, rồi Lâm Huy Nhân, Sophia Loren,...
Trong lòng cô ấy lúc này, đã bình tĩnh trở lại. Cô ấy nghĩ, cho dù cô ấy không nâng cao EQ được, thì cũng đã học hỏi được rất nhiều từ trải nghiệm của những người phụ nữ huyền thoại kia.
Không thiệt chút nào.
Kiên nhẫn đọc xong hết, cô ấy mới phát hiện ra: Hóa ra trước giờ khái niệm về EQ của bản thân, đã sai đến 80%.
Biết cách nói chuyện, không phải chỉ dựa vào tài ăn nói, mà còn dựa vào việc bạn có nhận ra cảm xúc hiện tại của đối phương là gì hay không, có thể nói ra lời mà họ muốn nghe hay không?
Muốn được ưa thích, không hẳn phải làm hài lòng tất cả mọi người, mà phải chọn lọc mối quan hệ, ai xứng đáng thân thiết, ai chỉ nên đối xử xã giao?
Hãy vượt qua sự tự ti, cũng như khắc phục tính hướng nội của bản thân, để bạn sống bình tĩnh và thoải mái hơn.
EQ có thể không giúp bạn đi thẳng đến con đường thành công, nhưng nó giúp bạn vượt qua được những vấp ngã không cần thiết, cũng khiến bạn sống hạnh phúc hơn.
3. Sau 30 tuổi, hãy làm một người có EQ cao, xử lý tốt mọi việc!
Đều cùng một công việc, nhưng một người có EQ cao sẽ dễ dàng đi nhanh hơn.
Đều là người có gia đình, nhưng một người có EQ cao dễ dàng cân bằng cảm xúc trong gia đình, sống hạnh phúc hơn.
Đều là những người cha, người mẹ, nhưng người có EQ cao sẽ dễ khiến con cái nghe lời hơn, cũng thấu hiểu bọn trẻ hơn.
Chờ đến khi EQ cao hơn, bạn sẽ phát hiện ra, cuộc sống vẫn còn rất nhiều người tốt, và bạn không đơn độc như bạn nghĩ, bạn sống tích cực, bạn mở lòng, bạn chịu giao tiếp với mọi người, ngày tháng trôi qua cũng dễ chịu, dịu dàng hơn nhiều.
Nếu trời sinh đã có EQ thấp, vậy bạn hãy cố gắng học hỏi, cải thiện ngay từ bây giờ đi.
Chịu khổ khi làm việc là chuyện hiển nhiên, nhưng đừng để bản thân chịu thiệt vì EQ thấp!
Trí thức trẻ