Tôi đã làm gì khi bố mẹ tôi muốn đầu tư chứng khoán?- Kỳ 1
Thị trường chứng khoán hấp dẫn nhưng cũng đầy rủi ro. Ai ở trong thị trường chứng khoán cũng đều hiểu rõ điều này. Nhưng, đã có ai từng đặt câu hỏi: Nếu người thân của bạn muốn đầu tư chứng khoán thì bạn sẽ xử lý thế nào chưa? Hãy thử đọc câu chuyện của nhân vật Tôi trong bài này và chia sẻ cho cộng đồng những cách ứng xử bạn cho là hợp lý.
Bạn đã từng gặp tình cảnh này chưa: Bố bạn hơn 60 tuổi và mong muốn đầu tư chứng khoán? Tôi đã, đang và trong quá trình để giải quyết vẹn cả chục đường cho ước mơ của bố tôi.
Chuyện về bố, mẹ tôi
Ngày 24/6, tôi trở về nhà sau một ngày mệt nhoài. Không muốn kêu ca, phàn nàn trước đám đông nhưng đúng là tôi mệt nhoài thực sự. Tôi làm việc trong ngành tài chính chứng khoán và ngày 24/6 là một ngày không chỉ thị trường tài chính thế giới biến động mạnh mà Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ảnh hưởng lớn. Một sự kiện ở nước bạn xa xôi đã khiến VnIndex rơi thảm thương nhất trong lịch sử với mức giảm có lúc lên đến 34 điểm.
Và tất nhiên, VnIndex rơi thì tôi có rất nhiều việc phải làm. Tin tức, hành xử của các bên, của đám đông....ập vào tôi từng giây, từng phút. Tay chân tôi quay như chong chóng nhưng cái đầu vẫn phải lạnh như không. Không lạnh để tư duy, tôi có thể sẽ gặp sai lầm và có thể phải trả giá rất đắt.
Nhưng thôi, chuyện của tôi cũng chẳng có gì hấp dẫn mấy. Hàng triệu con người Việt Nam đang ở trên thị trường chứng khoán và bạn có biết rằng mỗi ngày là hàng trăm ngàn lệnh mua, bán chứng khoán được thực hiện? Tôi chỉ một trong số những nhà đầu tư trên thị trường và không có gì đặc biệt cả. Điều tôi muốn kể đó bà bố mẹ tôi, những người thế hệ 5x tức nay trên 60 tuổi.
Bố mẹ tôi vốn dĩ là công chức về hưu, làm kinh tế gia đình bằng cách thành lập một doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh nhỏ lẻ lớn hơn hộ gia đình một chút. Cách đây ít lâu, sau một sự cố thiên tai và điều kiện kinh tế trong khu vực không còn thuận lợi như trước đây nữa, bố mẹ tôi đã quyết định tạm ngừng kinh doanh doanh nghiệp tư nhân đã dày công xây dựng. Chính thức nghỉ hưu theo đúng nghĩa của nghỉ hưu cùng những công việc đặc thù là chăm sóc bản thân, gia đình, làm vườn làm tược, vui thú chè xanh, cờ tướng...
Bố tôi thường xuyên nghe thời sự, cả Việt Nam lẫn thời sự nước ngoài. Sự kiện Brexit ngày 24/6 cũng không ngoài những thông tin bố tôi thường theo dõi.
Tôi đi làm về, mệt nhoài. Bố tôi không nói gì cả vì luôn biết rằng lúc nào tôi cần nghỉ ngơi. Những trao đổi bắt đầu từ chiều ngày hôm sau đó. Đó cũng là ngày thứ 7 nên tôi có thời gian rảnh rỗi hơn.
Bố nói: Nếu bố biết đầu tư chứng khoán, chắc chắn bố sẽ mua vào cổ phiếu hôm qua.
Tôi, một người làm lâu năm ngành tài chính, giật mình: Vì sao ạ?
Bố: Bố kinh doanh mấy chục năm nay rồi, bố hiểu cái gì ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thực tế. Bố tin rằng nếu thực sự sự ra đi của nước Anh khỏi cộng đồng chung châu Âu thì cũng chẳng ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam. Việc giảm giá đồng loạt cổ phiếu chỉ có thể là ai đó hoặc rất nhiều người nào đó muốn nó thế và không thể lâu được. Nếu mua những cổ phiếu không liên quan giao thương với Châu Âu nhiều thì cổ phiếu sẽ hồi phục nhanh thôi.
Tôi không nói gì thêm. Tôi cần nghĩ thêm. Tôi hiểu, khi gọi tôi ra nói những câu chuyện này là bố tôi đã rất muốn đầu tư vào chứng khoán bởi rất nhiều lần ông đã đắn đo về điều này nhưng chưa nhận được sự khích lệ từ những người con, những thế hệ trẻ đã quen với chứng khoán là tôi. Bố cũng e ngại cái nhìn e ngại của mẹ tôi khi đem tiền tích trữ cho tuổi già đổ vào một thị trường mà cả ông, bà đều biết rằng rủi ro to hơn lợi nhuận.
Tôi
Không phải đến lúc này tôi mới nghĩ đến khả năng bố tôi muốn đầu tư chứng khoán. Nghề của tôi, tôi đã gặp không ít người tầm tuổi bố tôi, thậm chí lớn tuổi hơn bố tôi vẫn bám trụ với chứng khoán theo cách của họ. Có người là nhà đầu tư nhỏ lẻ, bỏ chút đồng tiền tiết kiệm ra đầu tư mong muốn kiếm lời, có người cũng nhỏ lẻ nhưng là người giàu có, họ cũng đầu tư...
Trên thế giới, tôi cũng từng đọc những cuốn sách về những con người giàu có từ chứng khoán. Ranh giới giữa tuổi tác và chứng khoán gần như không có, không phải như ở ta. Nghĩ đến đây, tôi chợt hiểu ra vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam 15 năm tuổi mà mới xấp xỉ 2% dân số có tài khoản chứng khoán. Ở tây, có vẻ đầu tư là tư tưởng, là tư duy đầu tư, những thứ khác có vẻ như không mấy được coi trọng. Cách này, cách khác, người già có thể đầu tư chứng khoán dễ dàng.
Ở ta, rào cản tiếp nhận thông tin, rồi thì kiến thức đầu tư, rồi thì công nghệ...khiến người già chưa mấy ai bước vào thị trường này, trừ khi, họ đã tiếp cận thị trường từ trước khi toan về già.
Tuổi bố tôi chưa phải quá già để chỉ dưỡng già mà thôi. Tuổi bố tôi, tôi biết, vẫn còn cơ hội để hiểu sâu thị trường chứng khoán. Tôi không mong muốn bố tôi lạc lõng giữa bất cứ câu chuyện phiếm nào của các cụ ông, cụ bà trong những lúc chè xanh "chém gió". Khu vực tôi sống cũng có nhiều người giàu lên từ tài chính nên những chuyện nhỏ về kiếm tiền không phải là chuyện hiếm.
Tôi cũng biết, mấy chục năm bôn ba thương trường, dù là kinh doanh nhỏ lẻ, cũng đã giúp bố tôi có những kinh nghiệm nhất định đối với kinh tế thị trường, cách nắm bắt các cơ hội.
Tôi đi đến quyết định: Tôi sẽ ủng hộ bố tôi.
Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2 của Tôi đã làm gì khi bố mẹ tôi muốn đầu tư chứng khoán? vào sáng chủ nhật. Chắc chắn, bạn sẽ tìm được vài ba câu trả lời cho những câu hỏi bạn vẫn thường gặp phải trong cuộc sống. Mọi đóng góp ý kiến xin gửi về huongnguyenthithanh@vccorp.vn