MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tôi đi giao hàng mà cứ như đua xe": Đây là lý do vì sao đặt đồ ăn trên ứng dụng luôn rẻ hơn bên ngoài

10-06-2024 - 16:33 PM | Tài chính quốc tế

Khi khách đặt đồ ăn trên ứng dụng với giá rẻ, tài xế phải làm việc nhiều hơn nhưng mức thù lao thì bèo bọt.

"Lập nhóm ăn ngon"

Vào một ngày mưa tháng 11, nhân viên giao đồ ăn KX Wu chất 16 gói đồ gồm cơm, mì, trà sữa lên xe tay ga, sắp xếp chúng cho ngăn nắp, rồi bắt đầu đi từng nhà trong khu dân cư đông đúc ở phía nam thành phố Nam Ninh, Trung Quốc.

Một số khách sống ở những tòa nhà cao tầng có thang máy nhưng có những khách ở nơi chỉ có thang bộ. Thời gian trôi qua, Wu thấp thỏm lo lắng khách hàng sẽ phàn nàn vì mì đã nguội.

Anh mất hơn một giờ để giao đồ ăn đến chín địa điểm khác nhau. Với những lần giao hàng đó, Wu chỉ kiếm được khoảng 30 nhân dân tệ (khoảng 105 nghìn đồng).

Tuy nhiên, đối với nhiều khách hàng, mì có lạnh một chút cũng xứng đáng với số tiền tiết kiệm được từ các đơn đặt hàng "nhóm" trên nền tảng Meituan.

Theo chương trình Pinhaofan (có nghĩa là "lập nhóm ăn ngon"), người dùng Meituan đặt hàng theo nhóm bằng cách chia sẻ liên kết với những người gần mình để được giảm giá lớn nếu hai đến bốn người cùng đặt những món giống nhau.

Mục tiêu của chương trình là giúp cho việc giao hàng trở nên rẻ đến mức ngay cả những người có thu nhập thấp hoặc tiết kiệm cũng có thể mua được những đơn hàng thường xuyên. "Ăn ngon với giá 9,9 nhân dân tệ (35 nghìn đồng) và không tính phí giao hàng", khẩu hiệu của chương trình viết.

Nhưng chương trình này lại khiến người giao hàng đau đầu. Nói với Rest of World, năm người đã và đang là nhân viên Meituan phàn nàn việc họ phải di chuyển đến nhiều địa điểm để giao một đơn hàng theo nhóm và mức thù lao thường không đáng bao nhiêu.

Các chuyên gia cho biết, bằng cách tăng thêm khối lượng công việc cho người giao hàng, Meituan có thể đưa ra mức chiết khấu cao và thu hút người dùng mới trong nhóm nhân khẩu có thu nhập thấp.

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2020, Meituan dần triển khai Pinhaofan trên khắp Trung Quốc, đạt gần 5 triệu đơn đặt hàng mỗi ngày vào năm 2024, theo hãng tin LatePost.

Thành công của chương trình là dấu hiệu thể hiện cho nền kinh tế tiết kiệm thời hậu Covid-19 ở Trung Quốc, khi người tiêu dùng tìm kiếm hàng hóa giảm giá để chống lại tác động của những bất ổn kinh tế.

Rẻ cho khách, "đắt" cho tài xế

Trên Pinhaofan, người dùng thường nhận được bữa ăn với giá dưới 3 USD nếu tham gia đặt hàng theo nhóm. "Chúng khá ngon và rất rẻ", Fandara Cao, sinh viên kỹ thuật 21 tuổi ở Cám Châu, tỉnh Giang Tây, nói với Rest of World.

Cao đặt bữa tối trên Meituan hầu như mỗi ngày kể từ khi cô phát hiện ra tính năng đặt hàng theo nhóm của ứng dụng. Các lựa chọn mà cô thường dùng bao gồm một set bánh bao và cháo giá 10,4 nhân dân tệ (36 nghìn) và trà sữa trân châu giá 7 nhân dân tệ (20 nghìn).

Khách hàng của Meituan chi trung bình 48,2 nhân dân tệ (170 nghìn đồng) cho mỗi đơn hàng vào năm 2021. Là nền tảng phân phối thống trị, Meituan cần cung cấp thứ gì đó rẻ hơn nếu muốn phát triển cơ sở người dùng, đặc biệt là ở những người có thu nhập thấp, Li Chengdong, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu công nghệ Trung Quốc Haitun đánh giá.

Những người cùng khu vực đặt hàng trong một nhóm sẽ giúp tiết kiệm chi phí giao hàng. Ví dụ, tài xế Wu được trả từ 1,8 đến 2,5 nhân dân tệ (6-8nghìn) khi giao mỗi bữa ăn Pinhaofan vào cuối năm 2023, so với 5 nhân dân tệ (17 nghìn) cho một đơn hàng thông thường.

Có hàng triệu người làm việc cho Meituan nhưng các thuật toán phát triển của ứng dụng giao đồ ăn ở Trung Quốc nhằm giảm chi phí trả cho tài xế nhưng yêu cầu giao nhanh hơn đã vấp phải sự chỉ trích của công chúng trong vài năm qua.

Để kiếm được thu nhập cao nhất có thể, người lao động phải nhận càng nhiều đơn càng tốt, đáp ứng thời gian và nhận được những đánh giá tích cực của khách hàng.

"Tay đua" được trả lương bèo

Các tài xế cho biết thỉnh thoảng kiếm được khá nhiều tiền từ Pinhaofan nếu những người ở cùng trường hoặc văn phòng tham gia đặt hàng theo nhóm, vì họ chỉ giao hàng đến một địa điểm.

Nhưng trong nhiều trường hợp, tài xế lấy hàng từ một nhà hàng và giao cho khách sống ở các tòa nhà khác nhau. Họ phải chờ thang máy lâu và các khu chung cư quá rộng khiến di chuyển nhanh là điều khó khăn.

"Thù lao quá thấp", một cựu nhân viên giao hàng 27 tuổi đến từ tỉnh Tứ Xuyên, nói với Rest of World. "Tôi có thể chấp nhận nếu không phải tự lên các tòa nhà. Những chiếc thang bộ thật khủng khiếp", bà mẹ đơn thân từng 3 tháng giao hàng cho Pinhaofan trước khi nghỉ việc, mô tả.

Tranh chấp đã nổ ra giữa những tài xế giao hàng bất mãn và những vị khách nhạy cảm về giá. Trên mạng xã hội, người dùng Pinhaofan đã phàn nàn về việc nhân viên giao hàng có thái độ chua chát, đến quá chậm hoặc từ chối giao đồ ăn đến tận nhà.

Một chủ cửa hàng ở thành phố Quảng Châu nói rằng Pinhaofan mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho quán mì nhỏ của mình, nhưng "sự không hài lòng" của khách hàng đã khiến số lượng đánh giá tiêu cực dành cho quán cũng như yêu cầu hoàn tiền ngày càng tăng.

Chen cho biết trước đây, nhân viên giao hàng Trung Quốc có thể chọn nhận nhiều đơn hàng nếu họ thấy phương thức thanh toán, lộ trình và thời hạn chấp nhận được. Đây cũng là cách hoạt động phổ biến trên nhiều ứng dụng giao hàng.

Nhưng với tính năng đặt hàng theo nhóm, khách hàng và nền tảng sẽ quyết định đơn hàng nào sẽ được giao cùng nhau.

Wu, người đã từ bỏ công việc ở Meituan vào tháng 4, cho biết anh hiểu rõ đồ ăn sẽ mất bao lâu để đến nơi: "Chúng tôi đi giao hàng chẳng khác gì những tay đua. Do đó, chúng tôi biết Pinhaofan khó nhằn đến mức nào".

Theo Mạnh Kiên

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên