MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tối hậu thư" cho quán xá và bãi xe ở Công viên 23 Tháng 9

26-04-2018 - 17:27 PM | Bất động sản

Các công trình quán ăn, bãi xe... trong Công viên 23 Tháng 9 phải di dời theo lộ trình hoặc chấm dứt hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các đơn vị liên quan lập kế hoạch, dự toán kinh phí lập quy hoạch chi tiết, đấu thầu chọn tư vấn khu vực Công viên 23 Tháng 9 ở quận 1.

Ông Tuyến cũng giao Sở GTVT, Sở Tài nguyên - Môi trường xem xét tình trạng pháp lý của từng công trình, quán ăn, bãi xe… đang tồn tại ở Công viên 23 Tháng 9 và đề xuất lộ trình di dời phù hợp, đúng pháp luật. Riêng các hoạt động đang gây mất trật tự, an toàn, ảnh hưởng vệ sinh môi trường hoặc không phép thì đề xuất UBND TP cho ngừng ngay.

Đối với khu vực công viên đang là mảng xanh, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu cấm tổ chức kinh doanh, buôn bán để tránh gây xâm hại, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân khi đến công viên.

Theo đánh giá của Sở GTVT, hiện nay mặt bằng công viên này đang có nhiều đơn vị quản lý và khai thác. Điều này dẫn đến việc quản lý chồng chéo, manh mún và thiếu kiểm soát trong công tác xây dựng, khai thác, nhất là tại khu B với các khu mua sắm, ăn uống, dịch vụ đã làm thay đổi công năng của công viên và xáo trộn các hoạt động bình thường và gây ùn ứ giao thông.

Vì vậy, sở đã kiến nghị TP cho lập quy hoạch chi tiết 1/500 Công viên 23 Tháng 9, kiến nghị dừng tất cả các hoạt động có thu, khai thác, kinh doanh trên mặt bằng khu B công viên này, giao trung tâm phát triển quỹ đất TP tiến hành các thủ tục thu hồi và hoàn trả mặt bằng trước ngày 1-6.

Công viên 23 Tháng 9 có diện tích hơn 9 ha, rộng khoảng 90m và dài khoảng 1.100 m. Công viên này được giới hạn bởi Quảng trường Quách Thị Trang và các đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi. Hiện bên trong công viên này một phần được sử dụng làm bãi xe buýt, phần làm sân khấu ca nhạc, có khu vực lại đang là quán cà phê, trung tâm thương mại ngầm…

Cách đây 2 năm, chính quyền TP đã giao cho một công ty lập quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc công trình. Tuy nhiên, đến nay việc nghiên cứu vẫn chưa hoàn thành.

Hồi năm 2013, chính quyền TP đã có chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch tại Công viên 23 Tháng 9 và giao các sở ngành bắt đầu thực hiện. Nhà hát được thiết kế với 2 khán phòng có sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành với diện tích 1,2 ha, giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão.

Công trình do một công ty của Đức làm tư vấn thiết kế và dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, sau đó nhiều chuyên gia phản đối kế hoạch này, và dự án xây dựng nhà hát giao hưởng ở địa điểm này vẫn bị "treo" từ đó đến nay.

Tối hậu thư cho quán xá và bãi xe ở Công viên 23 Tháng 9 - Ảnh 1.

Nhiều quán cafe thi nhau "xẻ thịt" công viên 23 Tháng 9.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã có loạt bài "Quán nhậu, nhà hàng "xẻ thịt" công viên". Trong đó phản ánh khu B Công viên 23-9 bị "xẻ thịt" rất nhiều với nhiều hạng mục kiên cố và không liên quan gì đến công viên như nhà hàng, quán cà phê và quán nhậu.

Nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng nhưng lại có cả quán cà phê GM bên trong tận dụng hết khoảng trống của khu đất để tối đa hóa lợi nhuận. Kế đến, phía trên trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được khai thác triệt để với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya, như: Yolo Pub & Cafe, Route99 Saigon, BFF Zone và Kingdom Beer Garden. Ở Khu B còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời, hiện đang có phiên chợ Saigon Central Market. Với những hoạt động không liên quan gì đến công viên như vậy, người dân khó nghỉ ngơi hay đi dạo một cách thảnh thơi ở gần các địa điểm này.

Theo Sỹ Đống

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên