MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôi tự tay phá huỷ sự nghiệp của mình vì làm việc quá chăm chỉ suốt 10 năm

04-10-2024 - 09:32 AM | Sống

Cống hiến hết mình cho công việc nhưng vẫn đứng bên bờ vực sa thải, khi tôi nhận ra lý do thì đã quá muộn…

Có xuất phát điểm cực tốt nhưng 10 năm vẫn ở vạch xuất phát

Nhân vật chính trong câu chuyện này là Tiểu Bình và Tiểu Lâm - 2 người là bạn cấp 3. Khoảng 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai liền háo hức đặt chân vào thị trường lao động.

Hồi còn đi học, Tiểu Bình học kém hơn nên không có nhiều cơ hội việc làm. Ra trường, anh xin vào làm nhân viên sale BĐS tại một công ty bình thường. Sau 1 năm, với kinh nghiệm làm việc của mình, anh “nhảy” sang nơi có tiếng hơn, tập trung mảng giới thiệu dự án chung cư mới.

Trong quá trình làm việc, Tiểu Bình dành nhiều tâm sức chú ý đến những thay đổi của ngành, chính sách phát triển chung và các thông tin vĩ mô khác. Anh ấy đã học hỏi và tích luỹ kiến thức trong công việc, không ngại khó khăn, làm việc chăm chỉ và trau dồi hiểu biết về lĩnh vực của mình. Sau 8 năm, từ một người bán hàng, Tiểu Bình dần thăng tiến lên trưởng nhóm và giám đốc bộ phận.

Không dừng lại ở đó, nhờ sự giới thiệu của một đồng nghiệp cũ, Tiểu Bình đã đạt thêm bước tiến mới trong công việc. Anh được mời sang tập đoàn lớn, định hướng nghề nghiệp chuyển từ bán BĐS đơn thuần sang lập kế hoạch cho dự án BĐS. Về cơ bản, mọi thứ đúng như mục tiêu nghề nghiệp theo từng giai đoạn của bản thân. Có thể nói cả sự nghiệp và thu nhập của Tiểu Bình đều không phải dạng vừa.

Tôi tự tay phá huỷ sự nghiệp của mình vì làm việc quá chăm chỉ suốt 10 năm- Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Tiểu Lâm là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Anh từng theo học ngành lập trình ở một trường đại học danh giá. Tốt nghiệp xong, anh làm thực tập sinh tại một tập đoàn công nghệ lớn - xuất phát điểm đáng mơ ước của bất kỳ ai. Anh cũng xác định công việc mình muốn theo đuổi là lập trình viên.

Thời điểm đó, đây là công việc được xem là kỹ thuật cao, có thu nhập đáng kể. Tiểu Lâm hoàn toàn thoải mái với lựa chọn nghề nghiệp của mình, không mấy quan tâm đến thế giới bên ngoài, thờ ơ với triển vọng phát triển của ngành.

Trong lúc đó, internet đã phát triển mạnh mẽ, thế giới bước vào kỷ nguyên công nghệ, khiến cuộc sống của mọi người thay đổi chóng mặt. Dù là “công nhân máy tính” nhưng Tiểu Lâm lại không bắt kịp xu thế này để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp hay có bất kỳ động thái nào để phát triển bản thân.

Điều này đẩy Tiểu Lâm vào một tình thế báo động. Anh phải cạnh tranh với những nhân viên ngày càng trẻ, khả năng học hỏi tốt hơn, hiệu quả công việc cao hơn. Và khi sắp bước vào tuổi trung niên, Tiểu Lâm nhận ra rằng mình chỉ sao chép kinh nghiệm 1 năm làm việc 10 lần, đối mặt với nguy cơ bị sa thải bất cứ lúc nào.

Nỗ lực không hiệu quả sẽ không bao giờ có phần thưởng!

Cuộc đời là như vậy, không thiếu sự tàn nhẫn.

Không chỉ Tiểu Lâm hay bất kỳ cá nhân nào mà rất nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng rơi vào vòng xoáy này.

Trước khi xuất hiện điện thoại và máy ảnh kỹ thuật số, Leica và Kodak từng là những cái tên thống trị thị trường chụp ảnh máy film. Nhưng sự lên ngôi của các thiết bị hiện đại khiến thị trường film ngày càng đi xuống, nhiều thương hiệu bị mai một, nhẹ thì đi xuống còn nặng thì bị phá sản. Trường hợp tương tự là máy nghe nhạc MP3, MP4. Từng là những món đồ thời thượng nay cũng đã biến mất.

Hay trong ngành điện thoại di động, Motorola hay Nokia đều là “ông lớn” trong ngành. Nhưng kỉ nguyên điện thoại thông minh ập đến, cả 2 thương hiệu này trở thành những cái tên gió thoảng mây bay, gần như mất hút trên thị trường.

Tôi tự tay phá huỷ sự nghiệp của mình vì làm việc quá chăm chỉ suốt 10 năm- Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngành nghề đều phát triển với tốc độ chóng mặt, sự cạnh tranh là cuộc chiến sinh tồn mà chỉ có kẻ chiến thắng luôn là kẻ mạnh nhất. Vậy chỉ bằng cách làm việc chăm chỉ mỗi ngày, bạn thực sự có thể kiếm được chỗ đứng của mình ư? Không chắc.

Tại sao? Bởi vì nỗ lực và phần thưởng không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với nhau. Nếu nỗ lực của bạn không hiệu quả, bạn chỉ biết cắm cúi làm việc mà không ngẩng đầu lên xem xung quanh đã phát triển đến đâu thì có thể sẽ bị bỏ lại.

Nếu trong chính ngành nghề của mình mà bạn không nắm rõ thông tin, xu hướng của ngành, không tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các quy định, thiếu hiểu biết và mù mờ về sự phát triển lĩnh vực thì bạn không thể được coi là tiến bộ, chứ đừng nói đến yêu nghề. Thế nên người ta mới có câu: “Làm nghề nào, yêu nghề đó”, không phải cứ ngồi chờ sếp chỉ đâu đánh đó mà phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tay mới là chuyên nghiệp.

Tiểu Bình và Tiểu Lâm có sự nghiệp hoàn toàn khác nhau. Có người sẽ nói đó là do may mắn, do gặp thời nhưng kỳ thực, đây đều là sự lựa chọn của mỗi người. Khi thời tới, chỉ có người đã chuẩn bị trước mới có thể nắm bắt được. Tất nhiên, bạn vẫn phải đảm bảo yếu tố quan trọng nhất là sự phù hợp giữa ngành nghề và kế hoạch nghề nghiệp của cá nhân bạn.

Cho dù bạn đang làm công việc gì, chỉ khi chăm chỉ nghiên cứu và nắm vững các quy tắc của ngành thì mới có cái nhìn toàn cảnh. Khi đó bạn mới có thể biết mình đang làm gì, không hoang mang trước những biến động, tiếp tục gia tăng giá trị bản thân và cuối cùng là có trong tay sự nghiệp của riêng mình.

(Nguồn: Baidu)

Theo S.A

Phụ nữ số

Trở lên trên