MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổn thương tâm lý hậu đại dịch: Cuộc sống của "thế hệ COVID-19" sẽ khó trở lại bình thường như trước

10-04-2020 - 16:39 PM | Tài chính quốc tế

Trong bài viết trên báo The Guardian, nhà tâm lý học Steven Taylor cho rằng đại dịch COVID-19 có thể gây ra những rối loạn tâm lý và thay đổi cuộc sống của con người về lâu dài.

Tính đến 10h30 sáng ngày hôm nay (10/4), số ca nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi cấp ( COVID-19 ) trên toàn cầu đã tăng lên 1.604.718 trường hợp, số ca tử vong do dịch bệnh tăng lên 95.735.

Trước sự lây lan nhanh chóng và mạnh mẽ của virus, chính phủ nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm các lệnh phong tỏa và giới nghiêm, gây tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, giáo dục...

Thế giới sẽ thay đổi ra sao sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc? Trong khi các chính phủ và người dân đều trông đợi vào các nghiên cứu về vaccine, phương pháp điều trị, mong mỏi dịch bệnh sớm được kiểm soát để có thể trở lại với cuộc sống "bình thường", thì một chuyên gia tâm lý học lại cho rằng điều "bình thường" ấy rất có thể sẽ không quay trở lại với chúng ta.

Sau đây là nội dung bài bình luận được đăng tải trên báo The Guardian (Anh) của Giáo sư Steven Taylor, nhà tâm lý học lâm sàng thuộc khoa tâm thần học, Đại học British Columbia, tác giả của cuốn sách The Psychology of Pandemics (Tạm dịch: Tâm lý học về bệnh dịch) về vấn đề nêu trên.

Tôi đã từng dự đoán trước rằng một đại dịch sắp bùng phát, nhưng tôi chưa từng nghĩ rằng nó sẽ xảy ra sớm đến vậy. Vài tuần trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, tôi vẫn đang hoàn thành nốt cuốn sách tâm lý học về bệnh dịch của mình.

Trên tư cách là một nhà tâm lý học lâm sàng, tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu về các dịch bệnh trong lịch sử để rút ra kết luận về những tác động tâm lý mà con người có thể sẽ trải qua trong những viễn cảnh tương tự trong tương lai.

Một số dự đoán của tôi về virus corona dựa trên những thông tin có được từ các đại dịch trước đó đều đúng một cách kì quái. Tôi từng dự đoán về viễn cảnh sau đây: nỗi lo âu và nạn phân biệt chủng tộc gia tăng; người dân hoảng loạn đi mua đồ tích trữ; các loại thuyết âm mưu mọc lên như nấm; những vụ cướp bóc, trộm cắp vặt xảy ra trong thời loạn lạc - nhưng nhiều người cũng sẽ thể hiện lòng vị tha và rộng lượng khi giúp đỡ những người bị cách ly.

Khi nỗi lo âu len lỏi trong cộng đồng

Theo kết quả nghiên cứu từ các đại dịch trước đây, như đại dịch SARS năm 2003 hay dịch cúm năm 2009, cho thấy tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài tới tâm lý của người dân.

Điều này đã trở nên quá rõ ràng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay: ngày càng nhiều người sẽ mất việc và phải đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn; nhiều người khác lại phải chịu đựng cú sốc tinh thần sau khi mất đi những người thân yêu nhất của họ; hôn nhân và các mối quan hệ đứng trước nguy cơ đổ vỡ do áp lực của các lệnh phong tỏa.

Trong một dự án nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp Gordon Asmundson, chúng tôi đã tiến hành khảo sát gần 7.000 người trưởng thành ở Canada và Mỹ về tâm lý sợ hãi và lo âu của họ trước bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Kết quả thu được là trong khi 75% người tham gia khảo sát cho biết họ vẫn ổn, thì số còn lại đã bắt đầu có những dấu hiệu của loại bệnh được chúng tôi đặt tên là hội chứng căng thẳng do COVID.

Cụ thể, 25% số người tham gia khảo sát này cho biết họ cảm thấy vô cùng sợ hãi trước nguy cơ bị nhiễm bệnh, họ lo lắng về những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với xã hội và kinh tế, họ thường xuyên gặp ác mộng về virus corona và phải liên tục cập nhật thông tin về COVID-19 trên báo đài, khiến nỗi lo âu của họ càng thêm trầm trọng.

Những người này cũng có xu hướng bài ngoại lớn hơn 75% còn lại - họ trở nên cảnh giác hơn trước những người nước ngoài - những người mà họ cho rằng có thể mang mầm bệnh.

 Tổn thương tâm lý hậu đại dịch: Cuộc sống của thế hệ COVID-19 sẽ khó trở lại bình thường như trước - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: The Guardian

Nỗi lo về cái chết, sự sợ hãi do có quá nhiều thông tin trên báo đài, mạng xã hội: đây là những tác động tâm lý rõ ràng nhất của dịch COVID-19. Những tác động khác thường không rõ ràng ngay từ đầu như vậy.

Dựa trên kết quả phân tích về những thảm họa như lũ lụt, bão và động đất, khoảng 10% những người chịu tác động tâm lý do thảm họa thường sẽ có các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như tâm trạng rối loạn, rối loạn lo âu hay rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lý (PTSD). Những triệu chứng rối loạn tâm lý này thường xuất hiện sớm, sau khi thảm họa kết thúc. Như vậy, sẽ có khoảng 10% dân số thế giới có thể bị rối loạn tâm lý trong hoặc sau đại dịch.

Tuy nhiên, nếu đại dịch COVID-19 giống với đại dịch SARS, thì tỷ lệ những người bị ảnh hưởng tâm lý sẽ còn cao hơn trong số các bệnh nhân nhiễm virus. Sau khi đại dịch SARS năm 2003 được kiểm soát, một nghiên cứu sau đó trên 70 "người sống sót" đã phát hiện ra rằng có đến 44% trong số đó có dấu hiệu sang chấn tâm lý (PTSD). Mặc dù đã khỏi bệnh, nhưng 82% trong số nhóm người này vẫn bị sang chấn tâm lý trong nhiều năm sau đó.

Thông thường, những người có nguy cơ tử vong cao, nhận được ít hỗ trợ từ xã hội và có người thân bị nhiễm/tử vong do virus SARS, thường có triệu chứng sang chấn tâm lý nghiêm trọng hơn.

Thậm chí, cũng có khả năng những người không nhiễm virus corona chịu tác động về tâm lý dẫn đến rối loạn. Việc cách ly trong nhà - dù chỉ trong một vài tuần - cũng có thể gây ra chứng lo âu lâu dài. Những người phải cách ly trong thời gian dài trong các nơi chật chội, phải chia sẻ phòng ngủ với những người khác, hay vì cách ly tại nhà mà phải chịu bạo hành, lạm dụng nhiều hơn, chính là những đối tượng dễ bị sang chấn tâm lý nhất trong và sau đại dịch.

 Tổn thương tâm lý hậu đại dịch: Cuộc sống của thế hệ COVID-19 sẽ khó trở lại bình thường như trước - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Middle East Monitor

Cuộc sống của chúng ta có thể sẽ không hoàn toàn trở lại "bình thường" như trước

Một số các tác động tâm lý khác có liên quan tới các thay đổi về môi trường và xã hội. COVID-19 đã buộc chúng ta phải thử nghiệm nhiều cách sống hoàn toàn mới. Việc dạy và học được chuyển thành hình thức trực tuyến; việc họp hành diễn ra trên Zoom; các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm thì mua qua sàn thương mại điện tử. Đây là đại dịch toàn cầu đầu tiên bùng phát trong kỷ nguyên số, khi Internet cho phép chúng ta làm được nhiều việc mà không cần phải ra ngoài đường.

Ngay từ trước khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người đã làm việc tại nhà, mua sắm trực tuyến, và đặt đồ ăn giao hàng tận nhà - thay vì tới các nhà hàng. Dịch COVID-19 chỉ hướng xã hội của chúng ta đi xa hơn trên con đường xu hướng này mà thôi. Sau khi dịch bệnh qua đi, có thể cuộc sống của chúng ta sẽ không thể hoàn toàn trở lại "bình thường" như trước nữa. Những người lo ngại rủi ro có thể sẽ tiếp tục lựa chọn sự an toàn của những hình thức "tại nhà".

Do COVID-19, một số người sẽ trở nên "khiết phích" vì nỗi ám ảnh về vi khuẩn và virus - họ sẽ cố gắng tránh hết sức việc chạm vào những đồ vật "bẩn", hay thậm chí là bắt tay người khác. Chứng sợ vi khuẩn và ám ảnh sạch sẽ là một trong những triệu chứng của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và thường phát sinh do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường.

Hay nói cách khác, khi một người có sẵn yếu tố di truyền về bệnh này có trải nghiệm sang chấn với COVID-19 (bị nhiễm COVID-19 và có triệu chứng nghiêm trọng), thì sau đó, họ sẽ trở thành một người bị ám ảnh sạch sẽ, sợ vi khuẩn. Thông thường, rối loạn tâm lý này thường là mãn tính, dù một số trường hợp có thể hết sau thời gian ngắn.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có nhiều điều để lạc quan về COVID-19. Những người tình nguyện giúp đỡ người khác trong đại dịch sẽ được trải nghiệm ý nghĩa và mục đích sống mới trong cuộc đời họ. Và những người thích nghi tốt hơn với việc cách ly - nghĩa là những người cởi mở trước các trải nghiệm mới, lạc quan và có cảm xúc ổn định - sẽ là những người vượt qua đại dịch tốt hơn.

Không phải tất cả mọi người đều có những đặc điểm nói trên, nhưng chúng ta có thể cải thiện khả năng chống chọi với hoàn cảnh bằng cách trau dồi thêm các kiến thức về chiến lược ứng phó mới, thông qua một số phương pháp như trị liệu hành vi nhận thức (hiện đã có một số chương trình miễn phí trên mạng).

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể nói trước được điều gì về những điều sẽ xảy ra sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dựa trên những nghiên cứu từ các đại dịch trước đó, một điều tôi có thể dự đoán chắc chắn là đại dịch này sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đối với tâm lý của mọi người.

Theo Hồng Anh

Báo Dân sinh

Trở lên trên