Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Một DA ô tô đóng ít nhất 5.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách, sự vô lý trong vụ liên doanh Mercedes "không thể chấp nhận được"
Từ năm 2021, liên doanh của Mercedes-Benz Group AG và Samco đã có văn bản đề nghị gia hạn thời gian hoạt động của dự án thêm 5 năm đến 2030 nhưng thủ tục vẫn chưa được hoàn tất.
- 15-08-2024Công bố danh sách chi tiết PRIVATE 100: 100 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam
- 13-08-2024Công bố 10 công ty bất động sản tư nhân nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất Việt Nam
- 02-08-2024DN của 6 tỷ phú đô la Việt Nam nộp ngân sách gần 73.000 tỷ đồng năm 2023, gần bằng “người khổng lồ” PVN, ngang ngửa Viettel và Petrolimex cộng lại
- 24-06-2024Nhiều năm liền nộp ngân sách cả nghìn tỷ chỉ đứng sau THACO, Heineken tạm dừng nhà máy sẽ tác động lớn tới tỉnh Quảng Nam?
Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ Online, tại buổi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chiều ngày 17/8, sau khi nghe về vụ việc vướng mắc của liên doanh giữa Mercedes-Benz Group AG (MBG AG) với Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết luận: Sự vô lý trong liên doanh Mercedes "không thể nào chấp nhận được".
Cụ thể sự việc, nhà máy lắp ráp ô tô của Mercedes-Benz tại Tp.HCM là dự án liên doanh giữa Mercedes-Benz Group AG (MBG AG) với Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), được cấp phép hoạt động vào tháng 4/1995. Theo quy định, đến tháng 4/2025 dự án này sẽ hết hạn sau 30 năm liên doanh.
Vào tháng 9/2021, công ty có văn bản đề nghị gia hạn thời gian hoạt động của dự án thêm 5 năm, đến 2030. Dù đã được chính quyền Tp.HCM chấp thuận chủ trương gia hạn và thời gian thuê đất, nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa được hoàn tất.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, chính quyền đã "loay hoay" mất 5 năm nhưng vướng mắc đến từ nhiều bất cập, hạn chế của một số luật hiện hành bao gồm Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức công tư (PPP), Luật Ngân sách...
Chủ tịch UBND Tp.HCM đề nghị có kỳ họp chuyên đề nghiên cứu sớm để tháo gỡ vấn đề. Về việc sửa luật, ông Phan Văn Mãi đề nghị phải gắn với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương. Không chỉ tháo gỡ vụ việc của Mercedes-Benz Group AG mà còn là lời giải cho các dự án khác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá, trung bình một dự án ô tô đóng góp ít nhất 5.000 tỷ đồng mỗi năm cho địa phương.
Số liệu thống kê thu ngân sách của một số địa phương cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023 ước đạt 16.431 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn ô tô Thành Công chiếm gần 80% cơ cấu số thu trong lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh. Năm 2022 Hyundai Thành Công nộp ngân sách nhà nước đạt 13.117 tỷ đồng, chiếm 67,8% tổng số thu ngân sách từ thuế nội địa cả năm (19.324 tỷ đồng) của tỉnh.
Tại tỉnh Quảng Nam, năm 2023 thu ngân sách đạt 23.951 tỷ đồng, với gần 16.000 tỷ đồng từ Tập đoàn Thaco, trong đó, thuế nội địa là hơn 11.100 tỷ đồng; thuế xuất nhập khẩu là hơn 4.700 tỷ đồng. Năm 2022, số thuế của Tập đoàn Thaco nộp vào ngân sách tỉnh là 24.600 tỷ đồng, gồm thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu.
Với nhà máy lắp ráp ô tô xe máy đặt tại huyện Cát Hải (Hải Phòng), VinFast trở thành doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất cho địa phương từ năm 2019 đến nay. Honda và Toyota là hai hãng xe có mức đóng góp lớn nhất cho ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiều năm.
"Bây giờ vào thị trường hết hạn rồi lại rút giấy phép, xong làm mới lại từ đầu. Không biết những quy định này thế nào. Tôi cũng sẽ góp phần để nói những việc này" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.