MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Bí thư vạch rõ “con đường sống còn” để tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mốc thần kỳ, thành công như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc

16-01-2025 - 10:53 AM | Kinh tế số

Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia diễn ra ngày 13/1/2025 tại Hà Nội, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là "chìa khóa vàng" trong phát triển quốc gia.

Tổng Bí thư vạch rõ “con đường sống còn” để tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mốc thần kỳ, thành công như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia phát biểu chỉ đạo.

Tôn vinh vai trò của khoa học, Tổng Bí Thư nhắc lại bài phát biểu mang tính lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 1963. Câu nói " Khoa học phải gắn với sản xuất, phục vụ nhân dân " của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng Bí Thư đưa ra như là kim chỉ nam cho sự phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới.

"Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then cho tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nhiều nước", Tổng Bí Thư cho biết. Từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản hay gần đây là Ấn Độ, Ai-len, Hàn Quốc và Singapore, tất cả đã chứng minh vai trò của việc tận dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Tổng Bí thư vạch rõ “con đường sống còn” để tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mốc thần kỳ, thành công như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc- Ảnh 2.

Tại hội nghị, Tổng Bí Thư nhấn mạnh: “ Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt, là "chìa khóa vàng", yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của Việt Nam ”.

Trong đó, “ phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là "Phương tiện quan trọng" để đạt tới mục đích. Còn đột phá, đổi mới sáng tạo là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật ”, Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm.

Tổng Bí thư vạch rõ “con đường sống còn” để tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mốc thần kỳ, thành công như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc- Ảnh 3.

Thực tế cho thấy, các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục; các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả; nguồn lực dành cho khoa học công nghệ hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển của Việt nam chưa đến 0,7% GDP. Trong khi đó, mức trung bình các nước phát triển dành cho khoa học công nghệ là 2% GDP, có nước 5% GDP. Theo đó, Việt Nam chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm để tài là hình thức "làm kinh tế biến tướng"..., Tổng Bí thư cho biết.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị, đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, phải chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai, đây là khoản đầu tư và phải chấp nhận có thắng có thua.

Tổng Bí thư vạch rõ “con đường sống còn” để tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mốc thần kỳ, thành công như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc- Ảnh 4.

Cùng với đó, Việt Nam cần coi dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; coi chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất và coi đổi mới sáng tạo chính là "cây gậy thần" đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.

Tổng Bí thư vạch rõ “con đường sống còn” để tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mốc thần kỳ, thành công như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc- Ảnh 5.

Theo đó, Tổng Bí thư cho biết, nên tập trung trên các lĩnh vực: Vật lý và năng lượng (cơ học lượng tử để có những sản phẩm ứng dụng như vi xử lý, laser, nano...) ; công nghệ thông tin và truyền thông; y học và sinh học (DNA, Gene, Vaccine, 3D..); công nghệ không gian; Công nghệ vật liệu, năng lượng và môi trường (năng lượng tái tạo, Pin Lithium-Ion, thu giữ và lưu trữ Carbon…); phát minh trong đời sống (3D, robot và tự động hóa, công nghệ thực tế ảo - VR và thực tế tăng cường - AR); công nghệ Blockchain, Internet vạn vật (IoT); thông tin địa lý; phân tích văn hóa số; giáo dục và đào tạo trực tuyến...

Song song với đó, cần chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 để "đi tắt, đón đầu" làm chủ tương lai.

Tóm lại, trên tin thần quyết được Việt Nam phát triển vững mạnh trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư đề ra 8 nhiệm vụ cần tập trung để thúc đẩy khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, gồm có: thống nhất nhận thức và hành động; khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách; khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ; ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm là quốc sách đột phá; nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số; tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải; đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn, Tổng Bí Thư kêu gọi toàn xã hội, từ Nhà nước, doanh nghiệp cho đến người dân, đoàn kết và quyết tâm thúc đẩy khoa học, công nghệ như là con đường sống còn, để xây dựng một Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên số.

Minh Tiến / TK: Hải An

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên