MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng công ty đường sắt sẽ kinh doanh bất động sản?

17-08-2023 - 11:13 AM | Bất động sản

Nếu được thông qua, từ nay tới năm 2025 Tổng Công ty Đường sắt sẽ sáp nhập Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, nhà nước nắm cổ phần chi phối; cùng đó, bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh sửa chữa, bảo trì đường sắt, kinh doanh cho thuê bất động sản thương mại.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa trình Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), giai đoạn đến năm 2025. Điểm chính của đề án là chưa cổ phần hoá công ty mẹ - VNR; sáp nhập hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, do VNR nắm cổ phần hơn 80%; sáp nhập Ban quản lý dự án đường sắt khu vực từ 3 ban thành 2…

Bên cạnh đó, VNR tiếp tục nắm cổ phần chi phối tại nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) và Dĩ An (Bình Dương); tương tự với 15 công ty cổ phần đường sắt (các công ty chuyên quản lý và bảo trì đường sắt) và 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt; giữ nguyên mô hình tổ chức của 12 chi nhánh khai thác đường sắt như hiện nay…

Tổng công ty đường sắt sẽ kinh doanh bất động sản? - Ảnh 1.

Tiếp tục tiến trình sắp xếp, tái cơ cấu lại Tổng Công ty đường sắt, hoàn thành trước năm 2025 (Ảnh: H. Việt).

VNR sẽ thoái hết vốn nhà nước tại 13 công ty cổ phần, như: Công ty CP Dịch vụ đường sắt khu vực 1; Công ty Hải Vân Nam; Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng công trình 1; Công ty Viễn thông - tín hiệu đường sắt; Công ty Đầu tư kinh doanh Thống Nhất; Công ty Xây dựng công trình Đà Nẵng; Công ty In đường sắt Sài Gòn; Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt...

Với việc sáp nhập hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, sau năm 2025, VNR sẽ nghiên cứu giảm tỷ lệ sở hữu để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực vận tải đường sắt; nghiên cứu hình thành công ty con chuyên vận tải hàng hoá đường sắt.

Lãnh đạo VNR cho biết, tổng công ty đang yêu cầu 2 Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn nghiên cứu phương án sáp nhập để xin ý kiến cấp thẩm quyền phê duyệt, như xác định vốn điều lệ sau sáp nhập, định giá doanh nghiệp, tỷ lệ hoán đổi cổ phần, phương án hạch toán khi cả 2 công ty đang lỗ luỹ kế. Dự kiến, phần vốn nhà nước nắm giữ tại công ty sau sáp nhập vẫn trên 80%. Dự kiến, với điều kiện thuận lợi, việc sáp nhập sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Về đầu máy, toa tàu hết niên hạn sử dụng , hiện VNR đang kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian sử dụng (thay vì áp dụng niên hạn theo Luật Đường sắt). Nếu phương án này được thông qua, VNR sẽ chưa phát sinh nợ dài hạn đề đề tư đầu máy mới; trường hợp không được thông qua, VNR dự kiến sẽ phải đi vay hoặc hợp tác đầu tư sắm mới 32 đầu máy, tổng giá trị hơn 965 tỷ đồng.

Năm 2003, VNR được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp Đường sắt Việt Nam. Năm 2010, VNR chuyển mô hình với hơn 60 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc. Năm 2013, đề án tái cơ cấu VNR được thực hiện, trọng tâm là cổ phần hóa 1 số công ty thành viên, đặc biệt là Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn.

Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ giao VNR xây dựng phương án tái cơ cấu lại, tuy nhiên, do sau đó thực hiện chuyển giao vai trò đại diện vốn nhà nước tại VNR từ Bộ Giao thông vận tải sang Uỷ ban quản lý vốn, nên tới nay đề án chưa hoàn thành.

Giai đoạn 2016-2020, VNR đạt tổng doanh thu hơn 38.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế bình quân tới năm 20219 đạt hơn 149 tỷ đồng/năm. Từ năm 2020, VNR lỗ hơn 1.327 tỷ đồng do ảnh hưởng dịch COVID-19, và lỗ kéo dài thêm 2 năm sau đó. Hiện VNR có vốn điều lệ hơn 3.104 tỷ đồng.

Theo đề án tái cơ cấu lại VNR giai đoạn tới năm 2025, VNR có các đơn vị và công ty hạch toán phụ thuộc gồm: Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt; Văn phòng và các ban của tổng công ty; các chi nhánh khai thác đường sắt: Hà Nội, Lào Cai, Hà Lào, Hà Lạng, Hà Thái Hải, Hà Thanh, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Sài Gòn và chi nhánh ga Đồng Đăng; các chi nhánh đầu máy Hà Nội, Vinh, Sài Gòn; Trung tâm Khoa học công nghệ và dịch vụ.

Đơn vị sự nghiệp: Trường Cao đẳng đường sắt, Trung tâm Y tế đường sắt, Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1.

Các công ty con gồm 15 công ty cổ phần đường sắt: Hà Hải, Hà Thái, Hà Lạng, Yên Lào, Vĩnh Phú, Hà Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Sài Gòn; và 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội, Bắc Giang, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Có 2 công ty liên kết, gồm: Công ty Khách sạn thương mại Sài Gòn, Công ty CP Mặt trời - Đường sắt Việt Nam.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên