MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng công ty Hàng hải nhận quyết định cho phá sản một công ty con

03-11-2020 - 11:35 AM | Doanh nghiệp

Ngay sau khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty mẹ - VMIC phải thực hiện phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn doanh nghiệp Nhà nước chưa được xử lý.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MVN), tên giao dịch mới VMIC, vừa nhận được quyết định của Tòa án nhân dân Tỉnh Cà Mau về việc cho phá sản đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau, một công ty con.

VMIC sở hữu trên 30 công ty con hoạt động tại các tỉnh thành khác nhau trên cả nước.

Phía công ty mẹ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trung tuần tháng 8 vừa qua đã tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu, chính thức chuyển hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Theo quyết định điều chỉnh của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, vốn điều lệ của VMIC giảm từ 14.046 tỷ đồng (theo quyết định của Thủ tướng tháng 6/2018) xuống còn 12.006 tỷ đồng.

Quy mô phát hành lần đầu vì thế giảm tương ứng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 99,469% vốn điều lệ; cổ phần bán cho người lao động chiếm 0,038%; cổ phần bán ưu đãi 0,452%, và đấu giá công khai 0,452%.

Theo các quy định về cổ phần hóa, ngay sau khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty mẹ - VMIC phải thực hiện phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn doanh nghiệp Nhà nước chưa được xử lý.

Các yếu tố cần phải phân bổ, trích lập bổ sung bao gồm: nợ phải thu khó đòi, đầu tư tài chính dài hạn, giảm giá hàng tồn kho, dự phòng chi phí các dự án dở dang tồn đọng (dự án Vân Phong, Lạch Huyện). Tổng giá trị các khoản phân bổ, trích lập bổ sung vào kết quả kinh doanh trong năm đầu tiên (4 tháng cuối 2020) dự kiến 941 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, trong 4 tháng cuối năm VMIC mẹ dự kiến lãi trước thuế 56 tỷ đồng, doanh thu 632 tỷ đồng.

Đối với hoạt động kinh doanh hợp nhất, trong 9 tháng đầu năm, thị trường vận tải biển đi xuống, giá cước vận tải giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến cho hoạt động của VMIC khó khăn.

Doanh thu các mảng dịch vụ chính của toàn công ty như vận tải, cảng biển, dịch vụ hàng hải đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Tuy vậy, nhờ hoạt động tái cơ cấu mạnh, giảm số lỗ phải chịu từ các công ty liên doanh liên kết, VMIC đạt lãi trước thuế hợp nhất 264 tỷ đồng.

Đông A

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên